Kỳ 1: Cách làm sáng tạo
Tại hội nghị Tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Bình Dương vừa qua, các đại biểu là lãnh đạo nhiều tỉnh, thành, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có chung nhận xét: Điều kiện cần cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội là phải có hệ thống hạ tầng bảo đảm, hiện đại, trong đó có hạ tầng giao thông và Bình Dương là điển hình. Mặc dù vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn mong muốn hệ thống hạ tầng giao thông tiếp tục được khai thông, phát triển mạnh hơn nữa.
Các chuyên gia đánh giá, hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, thông suốt giúp địa phương phát triển bền vững. Trong ảnh: Một tuyến đường chính nối trung tâm TP.Thủ Dầu Một hiện nay với thành phố mới Bình Dương. Ảnh: DUY CHÍ
Quy hoạch đi liền với phát triển
Tỉnh Bình Dương được quy hoạch theo định hướng đô thị công nghiệp - dịch vụ, lấy Thành phố mới Bình Dương là đô thị trung tâm cùng với chùm đô thị vệ tinh là các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Đô thị trung tâm và chùm đô thị vệ tinh được kết nối thông suốt với nhau bằng hệ thống giao thông đa dạng, kết hợp nhiều loại hình giao thông liên hoàn, thông suốt giữa giao thông đối nội với giao thông đối ngoại. Quy hoạch do các nhà khoa học, chuyên gia, kiến trúc sư danh tiếng đến từ Đại học Quốc gia Singapore thực hiện, với yêu cầu: Xây dựng, phát triển đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường.
Điểm khác biệt nổi bật của đề án quy hoạch là đơn vị thiết kế vừa có trách nhiệm hoàn thiện, bàn giao đồ án vừa cùng chủ đầu tư tham gia giám sát triển khai và thực hiện đúng với nội dung quy hoạch. Cách làm này vừa rất mới vừa thể hiện tính thực chất, trách nhiệm và khát vọng mang lại môi trường sống, chất lượng cuộc sống tốt nhất, đẹp nhất cho người dân của lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC), cho biết Becamex IDC là doanh nghiệp Nhà nước, trước đây được giao nhiệm vụ đầu tư phát triển khu công nghiệp. Tổng công ty đã nghiên cứu đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống hạ tầng giao thông trong khu công nghiệp, đồng thời với phát triển hạ tầng giao thông bên ngoài khu công nghiệp để doanh nghiệp trên địa bàn thuận tiện trong đi lại, vận chuyển hàng hóa. Cùng với hạ tầng giao thông là các phúc lợi xã hội, như nhà ở cho người lao động, phải bảo đảm gần nơi làm việc để tránh di chuyển nhiều, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; cùng với đó là nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế, chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ ngân hàng... luôn có mặt và gắn liền với quá trình thu hút đầu tư, phát triển của các khu công nghiệp, của các địa phương.
Thực tiễn tại Bình Dương cho thấy, vai trò quản lý Nhà nước trong quyết định đầu tư được phát huy mạnh mẽ nhằm khai thác cùng lúc nhiều giá trị, nhiều mục đích của từng công trình, phòng tránh lãng phí như công trình này phải chờ công trình kia để kết nối, sử dụng.
Sáng tạo trong vận dụng chính sách
Khi mới tách ra từ tỉnh Sông Bé (năm 1997), Bình Dương chỉ có 2.186km đường giao thông với quy mô, chất lượng và các điều kiện khai thác ở mức thấp, không đủ sức để thúc đẩy phát triển kinh tế. Sớm nhận ra lợi thế là nằm cạnh TP.Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội năng động nhất cả nước, Bình Dương đã kêu gọi nhiều nguồn vốn trong và ngoài tỉnh theo chủ trương đổi mới của Đảng và các quy định pháp luật của Nhà nước vào đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Trong đó, mô hình đầu tư xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) được tỉnh áp dụng đầu tiên và thành công ngoài mong đợi, góp phần rất đáng kể vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Bằng cách vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bình Dương đã tạo ra nhiều công trình mang tính biểu tượng, trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, như Công trình đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 dài 62km đi từ điểm đầu đến điểm cuối của tỉnh do Becamex IDC làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Quy mô đường này cấp I với 6 làn xe và sẽ được nâng cấp mở rộng lên 8 - 10 làn xe trong thời gian tới; Công trình Nâng cấp mở rộng đường ĐT741 dài 49km, quy mô đường cấp II, do Tập đoàn Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, với 6 làn xe. Đây là 2 trục giao thông xương sống của tỉnh, giữ vai trò kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị phía Nam với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía Bắc của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là các tuyến giao thông đối ngoại thông suốt giữa Bình Dương với các tỉnh Bình Phước, Tây nguyên, Campuchia ở phía Bắc và TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai ở phía Nam.
Bên cạnh đó, trục giao thông xương sống đủ mạnh và thông suốt chạy dọc chiều dài của tỉnh được hệ thống giao thông đối nội tiếp nhận, lan tỏa ra phạm vi toàn tỉnh bằng các tuyến đường tỉnh như ĐT743, ĐT744, ĐT746, ĐT747… Quy mô các tuyến đường này là cấp II, III từ 4 - 6 làn xe, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị phía Nam với các khu công nghiệp, đô thị phía Bắc của tỉnh cùng các tỉnh, thành lân cận, đầu mối giao thông trong khu vực.
Bên cạnh tập trung phát triển hạ tầng giao thông, lãnh đạo tỉnh còn phát động, nuôi dưỡng phong trào làm đường giao thông nông thôn kết hợp với chỉnh trang đô thị, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phong trào này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, nên kết quả thực hiện năm sau luôn cao hơn năm trước.
Đến nay, mạng lưới giao thông nông thôn đã được phủ kín trong toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất, đi lại, trao đổi hàng hóa, thương mại của nhân dân, nhất là các xã xa trung tâm, vùng nông thôn. Tuy gọi là giao thông nông thôn nhưng các tuyến giao thông này trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn đường đô thị với đầy đủ hạ tầng, thoát nước, chiếu sáng... Đây vừa là tiền đề để các địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của tỉnh.
* Ông Trần Thanh Liêm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Giao thông Bình Dương có 3 cái “nhất”: Giao thông của tỉnh hiện có 3 cái “nhất” so với cả nước. Cái nhất thứ nhất đó là thời kỳ khó khăn, Bình Dương đã đi đầu trong việc phát huy các nguồn lực, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sự nghiệp giao thông trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, khó khăn theo hướng đổi đất lấy hạ tầng- mà hiện nay gọi là đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT). Cái nhất thứ hai là phát huy thành công của cái nhất thứ nhất, tỉnh vận dụng sáng tạo chủ trương đổi mới của Đảng tiếp tục kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sự nghiệp giao thông theo hướng đầu tư - khai thác - chuyển giao (BOT), mà quốc lộ 13 là hình mẫu thành công đầu tiên của cả nước cho đến nay. Cái nhất thứ ba là trên toàn địa bàn tỉnh không có công trình, dự án giao thông nào sử dụng vốn của Chính phủ, của Bộ Giao thông - Vận tải. Đó là sự cố gắng rất lớn của Bình Dương trong việc phát triển giao thông mở đường phát triển kinh tế - xã hội.
* Ông Cao Lại Quang, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng: Bình Dương có tầm nhìn và trách nhiệm trong phát triển đô thị: Phần lớn các đô thị của chúng ta đang gặp phải khuyết tật lớn là nhu cầu đến đâu quy hoạch đến đó, dẫn đến thực trạng vừa thừa vừa thiếu những yêu cầu cơ bản như: Thừa nước thải, nước mưa dẫn đến ngập úng cục bộ; thiếu đường giao thông đô thị, thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như thu gom xử lý nước thải… Bằng tầm nhìn và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, Bình Dương được xem là tỉnh đi đầu trong quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Kỳ 2: Giao thông mở đường hội nhập, phát triển
DUY CHÍ