Trên tuyến đường cửa ngõ Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước (TP.Hồ Chí Minh) về Bình Dương, các phương tiện giao thông đã lưu thông thuận lợi. Hai bên tuyến đường này dự kiến mở ra các trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại... đang đặt ra nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Đường và cầu nối Bình Dương và Tây Ninh đã khánh thành và đưa vào sử dụng
Những “nhịp cầu” kết nối
Cùng với Quốc lộ 13, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn kéo dài tới Bàu Bàng đã trở thành “trục xương sống” dẫn đường cho những chuyến hàng vào ra các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp. Không chỉ vậy, phát triển “ăn theo” dọc các tuyến đường là các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ sầm uất.
Trên tuyến đường ĐT.743A vừa hoàn thành đưa vào sử dụng giờ đây nhìn như một đại lộ thênh thang, kết nối, giao thương với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Đặc biệt cầu vượt ngã tư 550 đưa vào sử dụng đã “giải bài toán” tắc nghẽn giao thông bao nhiêu năm qua, giúp các phương tiện lưu thông thuận lợi, góp phần hoàn thiện hạ tầng tỉnh nhà một cách đồng bộ, hiện đại.
Đi xa hơn về phía Bắc Tân Uyên, tuyến đường Thủ Biên - Đất Cuốc (thuộc phân đoạn đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh) đã được Bình Dương đầu tư xây dựng đạt trên 90% tiến độ. Trước đó, Bình Dương phối hợp với Đồng Nai đầu tư xây dựng cầu Thủ Biên kết nối giữa TP.Tân Uyên với huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), chính thức thông xe vào năm 2010 đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, thay đổi diện mạo địa phương.
Chị Phan Thị Như, người dân xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên, chia sẻ: “Lạc An vốn là xã vùng xa thuần nông, hơn 10 năm trước, dân cư thưa thớt, kinh tế chưa phát triển. Từ khi tỉnh đầu tư xây đường ĐT746 và tuyến đường Thủ Biên - Đất Cuốc đã tạo thuận lợi cho người dân nơi đây đi lại, phát triển kinh tế. Cũng chính những điều kiện thuận lợi về hạ tầng, giờ đây dọc trên tuyến đường ĐT746 xuất hiện nhà cửa san sát, các cửa hàng tiện ích, khu chợ sầm uất, đời sống người dân nâng cao, kinh tế địa phương phát triển nhanh chóng”.
Những năm qua, Bình Dương đã chủ động đầu tư nhiều công trình giao thông hiện đại, tạo kết nối liên vùng nhằm mang lại những bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế như Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường từ ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành, cầu Bạch Đằng 2, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, nâng cấp đường ĐT746, đường và cầu nối Tây Ninh…
Đặc biệt, Bình Dương đã chủ động đầu tư xây dựng, sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh với 15,3km đã đưa vào sử dụng và một số đoạn tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh, kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế. Bình Dương là tỉnh đầu tiên có những đoạn đường thuộc dự án Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng. Hiện tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh qua địa bàn Bình Dương đã được đầu tư trên 50%. Việc Bình Dương chủ động đầu tư hạ tầng kết nối đã tạo được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ, hiện đại, mang diện mạo mới, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tạo lực cho tỉnh nhà vươn tầm phát triển mạnh mẽ.
Động lực tăng trưởng mới
Để tạo động lực tăng trưởng mới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong không khí một mùa xuân mới, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng. Trên nhiều công trình xây dựng trọng điểm của tỉnh, tiếng máy rộn rã, không khí lao động khẩn trương, sôi động hơn khi các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo đà cho năm mới với niềm tin giành nhiều thắng lợi.
Công nhân trên công trường đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh miệt mài với công việc
Một trong những công trình đang được Chính phủ và Bình Dương chú trọng, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ là dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Trên công trường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, tại nút giao Bình Chuẩn, những người thợ xây dựng vẫn đang miệt mài làm việc. Người khuân thép, người buộc thép, người cẩn thận hàn từng mối sắt, tiếng xe múc, xe cẩu như hòa vang một âm thanh sôi động, dâng trào cảm xúc.
Lưng áo đẫm mồ hôi, anh Nguyễn Văn Công, quê Thanh Hóa, công nhân công trường khéo léo uốn từng cây thép thẳng thành vòng tròn tạo chiếc lồng thép theo thiết kế, chia sẻ: “Đây là tuyến đường trọng điểm của quốc gia, anh em công nhân đều rất vui mừng khi được trực tiếp góp sức. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang về rất gần, những người thợ xa quê như chúng tôi không khỏi bồi hồi, nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Tuy nhiên, vẫn động viên hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Mỗi một ngày, mỗi một phần việc được hoàn thành theo tiến độ chính là niềm vui, là sự khích lệ để chúng tôi làm tốt hơn công việc của mình”.
Ông Nguyễn Viết Tiến, tư vấn giám sát tại nút giao Bình Chuẩn, cho biết: “Công nhân của công trường đa phần là xa quê, tuy nhiên trong những ngày giáp Tết Nguyên đán này, lãnh đạo công ty và anh em công nhân đã cùng động viên nhau hăng say lao động, nỗ lực làm việc hoàn thành tiến độ đề ra vì những nhịp cầu, những tuyến đường mới kết nối cho tương lai”.
Tuyến đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư
Cùng với dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, hiện nay Bình Dương đang dốc lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Đồng thời, tỉnh đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành lân cận triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh. Khi các tuyến đường này hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng kết nối, tạo hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho Bình Dương nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
PHƯƠNG LÊ