Hai chị em - một số phận!

Cập nhật: 07-09-2010 | 00:00:00

  Hằng và Hà trong một lần hát chung Nhìn đôi ca sĩ xinh xắn trong chiếc áo dài tứ thân, tung hứng những làn điệu dân ca ngọt ngào mà duyên dáng, người nghe như được dẫn dắt đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Xuất hiện trên sân khấu ca nhạc chưa lâu, nhưng con đường nghệ thuật trước mắt họ hứa hẹn nhiều triển vọng. Ít người biết rằng, để đến được với sân khấu, hai cô gái bất hạnh này phải vượt qua bao nhiêu  trở lực, gian nan...

 Nạn nhân chất độc da cam

Quê tại Tiến Thịnh, Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội), thời chiến ông Nguyễn Đức Dục là bộ đội, từng chiến đấu dọc Trường Sơn. Có lẽ trong thời gian này ông đã bị nhiễm chất độc da cam do không quân Mỹ thả xuống “phát quang” đường mòn Hồ Chí Minh. Sau ngày đất nước thống nhất, sức khỏe ngày một sa sút đến ông Dục phải xin phục viên. Chỉ ít sào lúa nhưng ông gần như không còn khả năng lao động nặng nhọc được nữa. Hậu quả không dừng lại ở đó, cả 3 cô con gái trong 5 đứa con của ông cũng không thể phát triển bình thường.     

Thuở nhỏ, 3 chị em Thanh Huyền, Thanh Hằng và Thanh Hà chẳng khác gì những đứa trẻ đồng trang lứa. Cho đến một ngày Huyền chợt nhận ra mình “mãi là bé con” giữa bạn bè và mọi người. Năm học lớp 8, Hằng chỉ cao 1m24 rồi... ngưng hẳn. Như hai chị, từ năm 10 tuổi, Hà không lớn thêm được nữa. Thật khó hòa đồng, tự tin trong thế giới của... “những người khổng lồ” quanh mình. Con nhà nghèo, cả nhà bảy miệng ăn, bố lại mất sức lao động, mọi công việc đồng áng đều do mẹ và chị em Hằng cáng đáng. Vóc dáng quá nhỏ bé, mọi thứ như quá nặng nhọc khi các cô gái đã biết lao động phụ giúp gia đình từ rất sớm. Nghèo khó, sức vóc không bằng ai, bù lại các cô gái nhỏ bé này cần cù, chịu khó, học giỏi, hát hay. Vượt qua sự tò mò, ánh mắt ái ngại của mọi người, họ phải tập sống cùng mặc cảm tự ti. Dù vậy, nỗi buồn thân phận cứ len lén thoáng qua những lúc đêm về. Niềm an ủi cho gia đình, Hằng và Hà đều thông minh, là học sinh giỏi suốt những năm đi học.

Sinh ra trên miền đất cổ kính, lớn lên cùng với những làn điệu dân ca ngọt ngào của mẹ nên không lạ khi hai cô gái này có năng khiếu ca hát từ bé. Hai chị em từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ca nhạc thời học sinh. Nhờ “thành tích” này mà đôi ca sĩ nhỏ nhắn xinh xắn như “búp bê” thường được mời đi hát phục vụ đám cưới, tiệc liên hoan, cả các dịp lễ hội ở các địa phương lân cận. Có lẽ đây là tiền đề mở ra ước mơ vươn tới nghiệp ca hát, dấn thân trên con đường nghệ thuật của họ.

Cổ tích hai nàng lọ lem

Cuộc đời hai cô gái bỗng mở ra trang mới khi gặp được... vị cứu tinh. Năm 2008, Thanh Hằng bị bệnh viêm xoang chữa mãi không khỏi, được người dì đưa vào Vũng Tàu chữa trị. Có lẽ khí hậu ấm áp của phương Nam thích hợp cho bệnh viêm xoang nên Hằng “chấp nhận nơi này làm quê hương”.

Không chỉ là tình chị em, giữa Hằng và Hà còn có sự đồng cảm vì... đồng cảnh ngộ. Dù cách biệt đến 10 tuổi, từ nhỏ hai người như cặp song sinh, luôn  bù đắp, chia sẻ cho nhau mọi vui buồn. Để phát triển con đường ca hát, Hà phải vào Nam cùng chị hợp thành “đôi song ca hi hữu”. Và chính ở đất  phương Nam này vận may mới mở ra với họ. Trong một lần đi hát tại Khu du lịch sinh thái Phú Mỹ Phương, họ gặp được một Mạnh Thường Quân. Biết hoàn cảnh đáng thương của chị em Hằng, nhà hảo tâm nhiệt tình nhận hai cô gái làm con nuôi. Ở TP.HCM, để thỏa mộng trở thành ca sĩ, hai  chị em học thanh nhạc với nghệ sĩ Thanh Trì. Chẳng bao lâu, Hằng và Hà tiến bộ thật nhanh, đã góp mặt trong nhiều chương trình ca nhạc của các tổ chức từ thiện, khu du lịch, đài truyền hình. Ngoài việc đào tạo nghề ca hát, hai cô còn học vi tính, được vào làm văn thư ở Tòa soạn Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay.Với hai chị em Hằng - Hà, vị ân nhân chẳng khác ông tiên nhân từ đã viết nên câu chuyện cổ tích cho cuộc đời họ.     

Thông điệp sau những lời ca

Xuất hiện trong buổi ra mắt album của Lê Chiêu Anh, bên cạnh cô ca sĩ chân dài này, chị em Hằng - Hà vẫn “sáng sân khấu” chẳng thua kém ai. Trông họ hoàn mỹ như “phiên bản thu nhỏ” của bao người đẹp khác. Thế nên hai cô gái này tự nhận mình như một thứ “bonsai”, bé nhỏ mà xinh xắn. Và dường như chỉ đứng trên sân khấu, họ mới thực sự thăng hoa, sống hết mình và thể hiện được cái tôi của chính mình.Nhà báo - nhạc sĩ Quỳnh Lệ cho rằng: “Tôi nghĩ yếu tố ngoại hình dường như không ảnh hưởng nhiều đến sức hút của hai cô gái này. Nhìn họ hát, người ta như thấy được khát khao cháy bỏng. Chính thứ “lửa” ấy đã làm nên điều kỳ diệu. Họ không chỉ hát bằng lời ca, nét đẹp, cái duyên con gái mà bằng tất cả tấm lòng, bằng cả con tim...”. Thực vậy, từ những làn điệu dân ca Lý con sáo, Lý Cái Mơn, Lý cây bông, đến nhạc Trịnh, chất giọng nhẹ như gió, thoảng như hương ấy làm người nghe Để gió cuốn đi, Quỳnh hương bỗng trong sáng, tươi mới hơn. Và chất trữ tình, nhẹ nhàng ấy khiến những Quê hương của Giáp Văn Thạch, Về quê của Phó Đức Phương, thêm thiết tha mà sâu lắng. Nói về cặp song ca đặc biệt này, ca sĩ - nhạc sĩ Thế Hiển cho rằng: “Trước hết phải nói là cái duyên sân khấu của hai cô gái này. Họ xử lý thông minh từng cái luyến láy, biết khai thác tinh tế những điểm nhấn, cao trào của ca khúc. Nói theo góc độ của một nhạc sĩ, người viết ca khúc thì họ đã nâng bài hát lên, làm mới và đẹp hơn theo cách rất riêng của họ...”. Cả ca sĩ Ánh Tuyết cũng không giấu vẻ ngạc nhiên: “Nét hay của hai cô gái này là nhạc cảm rất nhạy bén. Họ đã rung cảm trước cái tình của bài hát, biết hòa nhập mình vào cái hồn của từng ý tứ, ca từ để truyền đạt sự đồng cảm của mình đến người nghe, để tạo nên sự đồng điệu, yêu thích bài hát qua sự dẫn dắt, diễn cảm của họ. Tôi nghĩ một thời gian nữa, Hằng, Hà sẽ có kinh nghiệm hơn và chắc chắn có chỗ đứng trong làng văn nghệ...”. 

  Tác giả cùng Hằng và Hà (trái)

Trong cuộc thi video clip qua sóng HTV vừa qua, clip Bà tôi (nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến) của chị em Hằng - Hà được bình chọn là một trong 10 bài hát được yêu thích nhất của khán giả HTV. Những thành công nho nhỏ bước đầu, dù rất khích lệ và đáng tự hào, Hằng - Hà không hề tự mãn. Trái lại, hai chị em luôn nhắc nhở nhau phải không ngừng học hỏi. Ngoài công việc thường nhật của một văn thư, đi show, thu âm, thu hình, hai cô còn phải học thanh nhạc, Anh văn. Tới đây, với sự tài trợ của Hội Nạn nhân chất độc màu da cam, Hà còn phải ôn thi để vào đại học. Riêng chị Hằng sẽ học sáng tác để viết ca khúc hợp “gu” của hai chị em. Theo nhận xét của nghệ sĩ Thanh Trì, người đã dẫn dắt chị em Hằng - Hà trong thời gian qua: “Thế mạnh của hai cô gái này là họ ý thức rất rõ ưu và khuyết điểm của mình. Bên cạnh đó, nhỏ người nhưng ý chí của họ là sức mạnh to lớn để vượt qua những hạn chế khách quan. Chịu khó khổ luyện là đức tính quý giá của Hằng - Hà và nó sẽ là chìa khóa mở ra thành công của họ trong tương lai...”. Để giúp hai cô học trò bé nhỏ này rút ngắn con đường dẫn tới ước mơ, nghệ sĩ Thanh Trì đã áp dụng phương pháp đào tạo đặc biệt nhất. Sau bộ mặt thiên thần, hai cô gái này sâu sắc hơn ta tưởng. Những gì hai cô đang có còn hơn cả trong mơ, nhưng họ chưa thể vui khi ở quê nhà cha mẹ già một nắng hai sương. Hằng tâm sự: “Nhà cháu nghèo lắm. Bố cháu bị nhiễm chất độc da cam nên rất yếu, mẹ phải tảo tần lắm mới có cái ăn. Hiện bọn cháu đã được bảo bọc, mọi thứ đủ đầy. Chỉ thương bố mẹ già còn cực khổ. Hàng tháng, bọn cháu đều dành dụm gửi tiền về phụ giúp gia đình...”. Còn Hà thì ước mơ sẽ có ngày thành đạt để đủ điều kiện báo hiếu cha mẹ.

Với họ, đứng trên sân khấu không chỉ là cách thể hiện mình mà còn muốn chứng tỏ, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật có thể làm được những gì họ muốn. Rằng thế giới rộng lớn này vẫn có chỗ cho mọi người nếu biết vươn lên. Đằng sau những lời ca, tiếng hát của họ, chất chứa biết bao nỗi niềm, mơ ước...

 ANH NGỌC

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=503
Quay lên trên