Hai lúa thời 4.0

Cập nhật: 26-03-2023 | 17:05:32

Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) Phạm Quôc Liêm là thế hệ tri thức trẻ tiêu biểu của Bình Dương trở về quê hương tiến thân lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Chàng nông dân chính hiệu này làm nhiều người bất ngờ bởi những “tài lẻ” của mình…

Anh chàng nông dân rặt

Sinh ra và lớn tại phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, Phạm Quốc Liêm có tuổi thơ gắn liền với ruộng vườn. Dễ hiểu, bởi trước khi tách tỉnh, Sông Bé vẫn còn là địa phương thuần nông. 

Người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng cả đời làm nông thì vòng lẩn quẩn “được giá mất mùa, được mùa mất giá” làm người nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo. May mắn thay, trong sứ mệnh “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Bình Dương đã có những chính sách hấp dẫn để phát triển nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao được ưu tiên kêu gọi đầu tư cho xứng tầm với trình độ phát triển công nghiệp của tỉnh nhà.

Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm (đứng) đầy ắp những hoài bão về một nền nông nghiệp tiên tiến hiện đại

Anh chàng sinh viên Văn khoa năm ấy, lẽ ra đã chọn TP.Hồ Chí Minh, mảnh đất nhiều tiềm năng cơ hội nhưng anh đã chọn về lại quê nhà; trong bối cảnh công nghiệp đang phát triển như vũ bão, còn nền nông nghiệp Bình Dương vẫn còn chậm chạp. Anh bồi hồi nhớ lại “ Khoảng khắc tôi được Tập đoàn U&I chọn mặt gửi vàng, thú thật rất áp lực. Bởi, kiến thức về nông nghiệp tôi còn hạn chế. Nhưng có lẽ máu con nông dân nhà nòi vẫn âm ỉ chảy trong tôi. Tôi biết U&I có sứ mệnh cao hơn, là đem lại nguồn giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp”. Đó là một quyết định “đúng người, đúng thời điểm” mà anh hay chia sẻ trong các cuộc trà dư tửu hậu, khi được mọi người hỏi về sự lột xác của anh. Từ chàng sinh viên Văn khoa, trở thành kỹ sư nông nghiệp công nghệ cao cho đến khi trở thành Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm.

Sau đó là cuộc hành trình học hỏi kiến thức kinh, kinh nghiệm nông nghiệp công nghệ cao từ Á sang Âu của chàng sinh viên Văn khoa. Anh đã phải trau dồi thêm ngoại ngữ (tiếng Anh và cả tiếng Pháp) để đọc các tài liệu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quyết tâm thay đổi cung cách sản xuất của người nông dân đã quá lỗi thời lạc hậu. Được tiến cử vào nhiều vị trí quan trọng, chàng trai quê Lái Thiêu, nơi nổi tiếng với đặc sản cây trái càng ra sức học tập. Kiến thức tự tìm tòi qua tài liệu trong nước, nước ngoài làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của Phạm Quốc Liêm về một nền nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Nói ông chủ tịch Hội đồng quản trị là nông dân rặt có lý do. Bởi, sau giờ làm việc, anh hay lai rai ba xị đế với anh em nhân viên, công nhân tại nông trường chuối. Mục đích là tìm hiểu tâm tư tình cảm của người lao động để kịp thời an ủi động viên mọi người cùng đóng góp cho Unifarm. Lúc nổi hứng anh còn cầm micro ngân nga vài câu giọng cổ. Giản dị, đơn sơ, chất phác là những đức tính của ông ẩn chứa đằng sau một vị chủ tịch Hội đồng quản trị đầy uy nghiêm.  

Ước mơ đưa nông sản Việt bay xa

Chúng tôi có mặt tại nông trường chuối tại xã An Thái, huyện Phú Giáo trong cái nắng gay gắt của mùa khô. Màu xanh bạt ngàn của rừng chuối, phần nào xoa dịu cơn oi bức của nắng nóng. Hàng ngàn hecta chuối đang cho thu hoạch. Bên cạnh đó là hàng trăm hecta dưa lưới hiện đang phân phối khắp các hệ thống siêu thị và hàng trăm hecta ổi, nhãn đang vào mùa bói quả.

Khó ai hình dung vùng đất khô cằn cách đây hàng chục năm giờ đã thay da đổi thịt với màu xanh bạt ngàn. Hàng trăm người dân sống quanh khu vực nông trường có thêm cơ hội việc làm. Ngay cả cung cách sản xuất nông nghiệp của nông dân Phú Giáo cũng bắt đầu thay đổi, bởi hiệu ứng từ mô hình Nông nghiệp công nghệ cao mà Unifarm đang áp dụng.

Khu nông nghiệp nông nghệ cao xã An Thái, huyện Phú Giáo đã đi vào nề nếp từ những bước đi chập chững của Công ty Unifarm, của những người lĩnh ấn “tiên phong” như chàng Hai lúa thời 4.0 có nhiều tâm huyết với quê hương, cuối cùng đã cho mùa trái ngọt. 

Riêng về chuối áp dụng công nghệ cao, mỗi tháng Unifarm xuất khẩu hàng chục ngàn tấn sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông…Ở đó chuối “Made in Bình Dương” được trưng bày trang trọng trên những kệ hàng tại các siêu thị, trung tâm mua sắm đắt đỏ…

Anh Phạm Quốc Liêm nhận định, Bình Dương đang đứng trước thời cơ lớn để thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp vốn còn lạc hậu tại địa phương. Ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” sẽ giúp cho nền nông nghiệp tỉnh nhà đuổi kịp, thậm chí vượt mặt các tỉnh, thành phía Nam.  Bình Dương đang được sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo chính quyền trong định hướng nền nông nghiệp theo hướng tập trung, tham gia thị trường xuất khẩu. Đó là thời tiết ôn hoà, hệ thống tưới tiêu, sông ngòi phong phú để phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp. Đó là kinh nghiệm quý báu của các lão nông có hàng chục năm gắn bó với ao sâu, vườn tược…

Ông chủ tịch Liêm cho biết thêm, hiện mô hình trồng chuối của Unifarm đang được triển khai tại một số tỉnh, thành miền Tây và miền Đông Nam bộ. Bản thân Unifarm không xem ai là đối thủ, mục tiêu lớn nhất của Unifarm chính là chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao đến với tất cả người nông dân, để nông sản Việt chắp cánh bay xa trên thị trường xuất khẩu và người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất của quê hương mình./.

Bài, ảnh: Phùng Hiếu

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=8396
Quay lên trên