Hải quan Bình Dương tăng cường công tác kiểm tra phế liệu nhập khẩu

Cập nhật: 21-09-2018 | 08:54:39

Trước tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam diễn biến phức tạp, bên cạnh những doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định liên quan việc nhập khẩu phế liệu để tái chế, phục vụ quá trình sản xuất thì có một bộ phận doanh nghiệp đã bỏ qua các quy định liên quan, nhập khẩu các loại phế liệu, chất thải nguy hại môi trường vào Việt Nam. Phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương xung quanh vấn đề này.


Ông Nguyễn Phước Việt Dũng

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của Tổng cục Hải quan liên quan việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu tái chế nhằm kịp thời phát hiện các loại phế liệu, chất thải nguy hại đến môi trường nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã triển khai công tác này ra sao?

- Ngày 17-7-2018, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 4202/TCHQ-PC về việc hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam; Thông báo số 4427/TB-TCHQ ngày 26-7-2018 của Tổng cục Hải quan thông báo kết luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tại cuộc họp bàn triển khai công tác quản lý và giám sát hải quan đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.


Hải quan Bình Dương kiểm tra container giấy phế liệu nhập khẩu của một doanh nghiệp chuyên sản xuất, tái chế giấy

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của Tổng cục Hải quan, nhằm tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với phế liệu nhập khẩu, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã hướng dẫn các Chi cục Hải quan trực thuộc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, đồng thời tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp nhập khẩu các loại phế liệu trên địa bàn biết, hiểu đúng và thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường và nội dung hướng dẫn của Công văn số 4202/TCHQ-PC nêu trên.

Thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu theo kế hoạch chung của Tổng cục Hải quan số 2116/KH-TCHQ ngày 20-4-2018 nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong công tác quản lý phế liệu nhập khẩu. Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các chi cục tiến hành phối hợp với Chi cục Kiểm định Hải quan 3 và tổ chức chứng nhận sự phù hợp (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định), tập trung nguồn lực để kiểm tra và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhanh nhất.

- Xin ông cho biết chủ trương của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các loại phế liệu nhập khẩu, trong đó có giấy phế liệu nhập khẩu để tái chế?

- Để bảo đảm tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, trong quá trình thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đối với loại hàng hóa đặc biệt này, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị không gây phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan; tập trung hết nguồn lực để kiểm tra hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan nhanh nhất.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam theo Công văn 4202/TCHQ-PC ngày 17-7-2018 cũng như thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương số lượng container phế liệu tồn đọng tại cảng không đủ điều kiện thông quan là bao nhiêu? Hiện Bình Dương có bao nhiêu doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu? Cục Hải Quan Bình Dương xử lý đối với trường hợp sai phạm liên quan trong lĩnh vực này như thế nào?

- Tính đến ngày 10-9-2018, tại Cảng Tổng hợp Bình Dương hiện còn 70 container phế liệu nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan. Các doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục cần thiết để khai báo hải quan trong thời gian sớm nhất, không có trường hợp nào không có doanh nghiệp đến nhận. Hiện Cục Hải quan tỉnh Bình Dương làm thủ tục nhập khẩu phế liệu cho 23 doanh nghiệp. Tất cả các phế liệu nhập khẩu đều dùng làm nguyên liệu sản xuất như: Giấy, thép, kẽm, nhựa phế liệu. Trước đó, Chi cục HQCK Cảng Tổng hợp Bình Dương đã ra quyết định xử phạt 1 trường hợp số tiền 30 triệu đồng với hành vi nhập khẩu hàng hóa không đạt điều kiện, tiêu chuẩn đúng quy định; đồng thời buộc tái xuất 4 container giấy phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.

- Xin ông cho biết chủ trương của tỉnh Bình Dương đối với các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu phế liệu và tái chế?

- Tỉnh Bình Dương cũng như Chính phủ, các bộ, ngành đều có chủ trương tăng cường kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới. Không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường sống và uy tín của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đạt tiêu chuẩn, làm ăn chân chính, giải quyết việc làm cho công nhân, đồng thời giảm thiểu chi phí lưu container, lưu bãi cho các lô hàng phế liệu đang lưu giữ tại cảng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp.

- Trong tình hình chung hiện nay, ngành hải quan nói chung và Cục Hải quan tỉnh Bình Dương nói riêng đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu dùng để tái chế thì các doanh nghiệp sản xuất, tái chế giấy nói riêng và các doanh nghiệp liên quan có bị ảnh hưởng không?

- Bình Dương hiện có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất. Từ ngày 17-8-2018, hệ thống VNACCS mặc định kiểm tra toàn bộ các lô hàng giấy phế liệu nhập khẩu dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, tăng chi phí, ảnh hưởng tiến độ sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, hiện cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở để thực hiện thủ tục hải quan và xem xét thông quan hàng hóa. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường kịp thời bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho các loại phế liệu chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để kịp thời giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

- Thưa ông, phản hồi của các doanh nghiệp đối với chủ trương của Chính phủ cùng các biện pháp tăng cường thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với nhập khẩu phế liệu của ngành hải quan là như thế nào?

- Các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đã có công văn gửi Cục Hải quan tỉnh Bình Dương trình bày những khó khăn vướng mắc nêu trên. Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã tổng hợp báo cáo các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài nguyên - Môi trường nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

- Xin cám ơn ông!

“Tỉnh Bình Dương cũng như Chính phủ, các bộ, ngành đều có chủ trương tăng cường kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới. Không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường sống và uy tín của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đạt tiêu chuẩn, làm ăn chân chính, giải quyết việc làm cho công nhân, đồng thời giảm thiểu chi phí lưu container, lưu bãi cho các lô hàng phế liệu đang lưu giữ tại cảng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương

Số liệu container phế liệu nhập khẩu vào Bình Dương

Tên hàng

Năm 2017

6 tháng đầu năm 2018

Container

Trọng lượng (Tấn)

Container

Trọng lượng (Tấn)

 

Giấy phế liệu

15.760

393.729,836

12.892

321.816,880

Thép,kẽm phế liệu

338

6.239,926

223

4.266,665

Nhựa phế liệu

4

64,520

1.067

20.990,185

Tổng cộng

16.102

400.034,282

14.182

347.073,730

                 

 

MINH DUY(thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=504
Quay lên trên