Hạn chế một phần quyền của cá nhân trong việc lập di chúc

Cập nhật: 09-07-2010 | 00:00:00

Hạn chế một phần quyền của cá nhân trong việc lập di chúc

Vợ chồng tôi cưới nhau đã 10 năm và có 2 con; một cháu 8 tuổi và một cháu 4 tuổi; cha mẹ chồng tôi đều đã mất. Nay chồng tôi mất, người em chồng đưa ra bản di chúc của chồng tôi là để lại toàn bộ căn nhà do chồng tôi xây dựng trước khi cưới tôi cho người em chồng và anh ta yêu cầu tôi phải giao nhà lại. Bản thân tôi từ khi lấy chồng đến nay chỉ ở nhà làm nội trợ và chăm sóc hai con, nay lại giao toàn bộ ngôi nhà cho em chồng thì hoàn cảnh mẹ con tôi sẽ rất nhiều khó khăn. Vậy mẹ con tôi có được hưởng phần nào di sản của chồng tôi để lại không?

 Lê Thị Mỹ Lệ (Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo)

Theo quy định pháp luật, mặc dù người để lại di sản có toàn quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình theo di chúc, nhưng để bảo vệ lợi ích của một số người trong diện thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, phù hợp với phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, cá nhân với tư cách là một thành viên của gia đình không thể từ bỏ lợi ích của những người thân gần gũi nhất của mình như vợ, chồng, cha, mẹ, con cái mà mình có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc và nuôi dưỡng. Vì vậy, Điều 669 BLDS đã hạn chế một phần quyền của cá nhân trong việc lập di chúc. Đó là, người để lại di sản bắt buộc phải dành lại một phần di sản của mình cho những thân thuộc gần gũi là vợ, chồng, cha, mẹ, con chưa thành niên và con đã thành niên mà không có khả năng lao động. Phần di sản bắt buộc phải dành lại này bằng hai phần ba (2/3) của phần di sản mà mỗi người thừa kế nói trên được hưởng nếu di sản được chia theo quy định của pháp luật.

Trường hợp của chị: cha mẹ chồng của chị đã mất; do đó, chị và hai người con còn ở tuổi vị thành niên của chị thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng chị, vì có quan hệ huyết thống trực hệ và quan hệ hôn nhân với người lập di chúc là chồng chị và là cha của hai đứa con của chị; nên chị và hai người con của chị là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Chị và các con mỗi người được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc.Vì vậy, người em chồng của chị mặc dù được thừa kế toàn bộ ngôi nhà theo di chúc, nhưng sẽ được hưởng thừa kế sau khi trừ đi giá trị phần di sản mà người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được hưởng.

Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

Tôi đã chứng kiến vợ chồng ly hôn, mẹ nuôi con và cha có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng; hoặc con phải có nghĩa vụ nuôi hoặc cấp dưỡng cha mẹ già. Nhưng họ lại trốn tránh nghĩa vụ của mình, dù họ rất khá giả, nên dẫn đến khó khăn cho những người mẹ phải một mình nuôi con và thậm chí những người già phải nhờ sự giúp đỡ của những người khác... Vậy pháp luật quy định như thế nào về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng?

Lê Thị Mỹ Duyên (phường Phú Thọ, TX.TDM)

Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

 

Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng xâm phạm vào chế độ hôn nhân gia đình, xâm phạm vào các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về nghĩa vụ của những người trong gia đình.

Tội này được BLHS quy định ở Điều 152 như sau: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà có ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Luật gia XUÂN LẠC (Hội Luật gia BD)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên