Tổng thống Hàn Quốc hôm qua cho biết ông đã hạ lệnh mở cuộc điều tra quốc tế về việc tàu hải quân nước này bị chìm, bởi linh tính mách bảo ông rằng vụ này có liên quan đến Triều Tiên.
Tuyên bố trên của Tổng thống Lee Myung-Bak là bước đi dài nhất từ trước đến nay tiến đến quy trách nhiệm cho Triều Tiên gây ra vụ đắm tàu hải quân Hàn Quốc hôm 26-3 khiến 46 thủy thủy thiệt mạng.
Ông Lee đưa ra những lời này khi chủ trì một cuộc họp đặc biệt chưa từng có, gồm khoảng 150 quan chức và sĩ quan cao cấp nhất của quân đội. Lee nói rõ tàng là tàu Cheonan "không chìm vì một tai nạn đơn giản".
"Ngay khi sự việc xảy ra, tôi đã có linh cảm rằng đó là một vấn đề quốc tế nghiêm trọng có liên quan đến mối quan hệ liên Triều, và tôi ra lệnh phải điều tra cho bằng được nguyên nhân, thông qua một ủy ban điều tra quốc tế", AFP trích lời ông cho hay.
Lee nhắc lại cam kết sẽ có "biện pháp kiên quyết và rõ ràng" một khi nguyên nhân khiến tàu chìm được xác định.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young, căn cứ các kết quả điều tra sơ bộ, cho biết tàu Cheonan vỡ làm đôi vì bị tấn công bằng ngư lôi, nhưng không nói rõ ai là người tiến hành vụ tấn công.
Tàu tuần tra Cheonan tải trọng 1.200 tấn bị đắm sau một vụ nổ ở vùng biển gần nơi tranh chấp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Hai phần của xác con tàu đã được trục vớt để phục vụ công tác điều tra. Seoul đã mời các chuyên gia Mỹ, Anh, Liên hợp quốc và một số nước khác tham gia ủy ban điều tra. Kết quả có thể sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an, sau khi tham vấn các thành viên thường trực hội đồng.
Giới quan sát đánh giá rằng Hàn Quốc đang rất thận trọng trong việc quy trách nhiệm vụ nổ tàu. Nếu như Triều Tiên quả thực có dính dáng, thì sự lựa chọn của Hàn Quốc trong việc trả đũa cũng rất khó khăn. Một đòn đáp trả bằng quân sự chắc chắn bị loại trừ, bởi việc đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế đang tăng trưởng của Hàn Quốc, khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và thị trường tài chính rối loạn.
Tổng thống Lee "phải đi trên dây", NYT dẫn lời Daniel Pinkston, một nhà nghiên cứu thuộc International Crisis Group làm việc ở Seoul, bình luận. "Đây không phải là chuyện dễ dàng".
Khả năng trừng phạt về mặt kinh tế của Seoul đối với Bình Nhưỡng cũng không phải là mạnh mẽ. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2008, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak, khác với những người tiền nhiệm, đã áp dụng chính sách cứng rắn đối với miền bắc, đặt điều kiện cho các khoản viện trợ. Điều này đẩy Bình Nhưỡng sâu hơn nữa vào vòng tay dồi dào của đồng minh thân cận Bắc Kinh. Hiện 75% trao đổi thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc.
Hơn nữa, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il được cho là đang có chuyến thăm tới Trung Quốc, thăm các khu công nghiệp và gặp lãnh đạo cấp cao của nước láng giềng. Nếu không có sự ủng hộ của Trung Quốc, Hàn Quốc khó mà gây ảnh hưởng gì lớn đến kinh tế của Triều Tiên.
THEO VNE