Một tên lửa đạn đạo chiến thuật kiểu mới được phóng thử từ thị trấn Hamju, tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên ngày 25/3/2021. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)
Ngày 15/9, chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng các vật thể chưa xác định ra biển Nhật Bản, Phủ Tổng thống Hàn Quốc (tức Nhà Xanh) đã triệu tập họp hội đồng an ninh quốc gia về sự việc này.
Tại Seoul, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) đã ra thông cáo báo chí khẳng định: "Quân đội của chúng tôi duy trì tư thế sẵn sàng chiến đấu với sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ."
JCS và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đều khẳng định các vật thể vừa được Triều Tiên phóng là hai tên lửa đạn đạo. JCG cho biết vật thể này đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Theo JCS, các tên lửa này đã được bắn từ các khu vực nội địa miền Trung Triều Tiên và cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích chi tiết để có thêm thông tin. Hiện cũng chưa có thông tin chính xác vị trí tên lửa được bắn đi và tầm bay của chúng.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide kịch liệt lên án vụ phóng của Triều Tiên, gọi đây là "hành động thái quá" và là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết ông Suga đã triệu tập họp hội đồng an ninh quốc gia sau vụ phóng trên.
Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ hai của Triều Tiên từ đầu năm tới nay và là vụ thử vũ khí lớn thứ 5 kể cả các vụ phóng tên lửa hành trình. Vụ phóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên thông báo thử thành công một tên lửa hành trình tầm xa mới hồi cuối tuần trước, gọi đây là "một vũ khí chiến lược có tầm quan trọng lớn". Các chuyên gia phân tích cho biết tên lửa này có thể là vũ khí đầu tiên của Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Đây có thể sẽ đánh dấu một bước tiến trong công nghệ vũ khí của Triều Tiên, cho thấy khả năng tốt hơn trong việc né tránh các hệ thống phòng thủ để phóng một đầu đạn đến Hàn Quốc hay Nhật Bản - hai nước đồng minh của Mỹ.
Gần đây, Bình Nhưỡng đã làm gia tăng bầu không khí căng thẳng. Tháng trước, nước này cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng an ninh lớn" nhằm phản đối cuộc tập trận quân sự chung mùa Hè giữa Hàn Quốc và Mỹ. Triều Tiên cũng có dấu hiệu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutoni tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon chính của nước này.
Triều Tiên hiện đang chịu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) liên quan đến vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, song không bị cấm phát triển tên lửa hành trình mà nước này vừa thử nghiệm cuối tuần qua./.
Theo TTXVN