Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023: Giữ giá bình ổn, bảo đảm an toàn

Cập nhật: 05-12-2022 | 09:00:19

Theo tính toán của ngành công thương Bình Dương, thời gian cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 1-12 đến 1-3-2023), nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng lên rất cao. Triển khai kế hoạch bình ổn thị trường, ngay từ thời điểm này các doanh nghiệp (DN) bán lẻ đã tích cực vào cuộc, nhằm đáp ứng nhu cầu.

 Hệ thống DN bán lẻ đang triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp cuối năm. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Lotte Mart Bình Dương

 Chủ động nguồn cung

Dự kiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của khoảng 2,6 triệu người trên địa bàn tỉnh bình quân trong một ngày khoảng 1.300 tấn lương thực, 500 tấn thực phẩm tươi sống, 1.170 tấn rau củ quả... Ngoài ra, nhu cầu cần sử dụng khoảng 78 tấn thực phẩm chế biến như giò lụa, lạp xưởng, xúc xích và gần 600 tấn nhóm thực phẩm công nghệ như đường, dầu ăn, nước chấm, muối. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày khoảng 3.536 tấn thực phẩm các loại, tương đương khoảng 130 tỷ đồng. Cùng với đó còn có mặt hàng xăng dầu, thuốc trị bệnh cho người…

Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bên cạnh việc tăng lượng hàng, việc kiểm tra nguồn hàng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong cao điểm tết là mục tiêu được nhiều người quan tâm. Chính vì vậy, các siêu thị, DN tham gia chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu đã chủ động làm tốt công tác này. Ông Lê Trung Hòa, Giám đốc siêu thị Lotte Mart Bình Dương, cho biết hiện nay ngoài cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm… siêu thị còn phổ biến thông tin nguồn gốc xuất xứ, đơn vị phân phối cung cấp sản phẩm cũng như ngày đóng gói, hạn sử dụng giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn tối ưu khi chọn mua sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn.

Tương tự, tại hệ thống Co.op Mart, lượng hàng rau củ quả... sản xuất theo chuẩn VietGAP đạt tỷ lệ 99%. Hệ thống này đang tích cực đầu tư vào nông nghiệp sạch, phối hợp cùng các nhà cung cấp để sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc siêu thị Co.op Mart Bình Dương I, thông tin: “Không chỉ dịp tết mà bất cứ thời điểm nào trong năm chúng tôi cũng đều đặc biệt quan tâm khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Cao điểm phục vụ tết, tần suất kiểm tra, kiểm nghiệm càng dày hơn. Hệ thống Sài Gòn Co.op còn có phòng thí nghiệm ngay tại trung tâm phân phối cũng lưu động kiểm tra tại nguồn nhằm bảo đảm an toàn nhất cho người tiêu dùng”.

Tại Công ty Vissan, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo đã được đơn vị triển khai từ trang trại đến bàn ăn trong nhiều năm nay. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan dẫn chứng, quy trình khép kín tại công ty được thực hiện chặt chẽ, nguồn heo nhập được niêm phong và mang vòng truy xuất trước khi lên xe, nguồn này tối thiểu phải đạt được tiêu chuẩn VietGAP. Sau đó xe được niêm phong lại chuyển về lò giết mổ có cơ quan thú y cùng kiểm soát rồi mới đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đánh giá chung từ 14 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2023 tại Bình Dương, cho biết thời điểm cuối năm với hàng loạt dịp lễ, tết đang sắp sửa đến, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được dập tắt hoàn toàn, các DN vẫn chưa thể lơ là. Các DN, siêu thị cùng ra sức ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, mất an toàn thông qua nhiều giải pháp, trong đó có hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, nhằm góp phần bảo đảm ổn định, an toàn nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bình ổn giá hàng tết

Hiện mặt bằng giá các loại thực phẩm trên thị trường đã tăng từ 5-10% do giá nhập khẩu, chi phí vận chuyển tăng cao. Trong bối cảnh này các DN đã thực hiện nhiều giải pháp để kiềm giá, tránh tăng đột biến. Theo ông Thái Thành Nhân, Trưởng bộ phận thực phẩm Go!Bình Dương, trước đề xuất tăng giá của các nhà sản xuất do các chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển tăng lên, ngoài việc đàm phán, đơn vị đã có những giải pháp nhằm ổn định giá cả hàng hóa như thu mua tại nguồn để giảm trung gian, thu mua với số lượng lớn nhằm giữ ổn định giá cũng như giữ lượng khách hàng.

Tương tự, theo bà Phạm Thị Huân, giá trứng gia cầm bán lẻ trong diện bình ổn thời gian qua không tăng theo kịp mức tăng giá đầu vào nên DN đang gặp áp lực. Hiện DN đang nỗ lực giữ bình ổn giá nhằm cung ứng cho thị trường nguồn thực phẩm với giá tốt nhất.

Về nguồn cung thịt gia súc, theo ông Nguyễn Đăng Phú, nhờ nguồn nguyên liệu dự trữ có giá ổn định, Vissan cam kết giữ giá bán thực phẩm, đặc biệt hàng chế biến ở mức bình ổn, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau tết. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá các sản phẩm chế biến và tươi sống với mức giảm từ 5-10% tại các điểm bán sản phẩm của công ty và hệ thống các siêu thị.

 Theo kế hoạch, tổng giá trị hàng hóa phục vụ công tác bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023 dự kiến là 6.072 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và thiết bị y tế phòng, chống dịch). Với năng lực cung ứng hiện tại, có thể thấy công tác giữ giá ổn định trên thị trường, nhất là cao điểm tết sẽ được bảo đảm. Công tác an toàn thực phẩm rất cần được quan tâm, thực hiện thường xuyên.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=485
Quay lên trên