Hàng không thế giới đã qua giai đoạn tồi tệ nhất

Thứ tư, ngày 21/04/2010

Đó là tuyên bố Tổ chức Khí tượng học Thế giới (WMO) đưa ra hôm qua, khi các chuyến bay từ châu Âu đang dần dần hoạt động trở lại sau 5 ngày gần như ngưng trệ hoàn toàn vì mây tro bụi khổng lồ tạo ra từ một ngọn núi phun lửa ở Iceland.

Trong tuyên bố mới nhất, ông Herbert Puempel, Giám đốc của WMO cho rằng nham thạch tại núi lửa Iceland giờ đây không bắn tung lên nữa mà chỉ đều đặn tràn ra ngoài và đó là dấu hiệu tốt. “Thường thì đây là dấu hiệu cho thấy điều tệ nhất đã trôi qua. Dĩ nhiên có thể vẫn còn rất nguy hiểm đối với những người sống gần núi lửa", ông nói.

Tro bụi phun ra từ núi lửa ở Iceland hôm 18-4.

Ông này cũng cho rằng những dấu hiệu khả quan theo quan điểm khí tượng cũng đang xuất hiện. Hệ thống áp suất cao phía trên đảo quốc Iceland sẽ nhường chỗ cho một hệ thống áp thấp khá vững, sẽ đến vào 22, 23 và 24-4. Hệ thống áp thấp trên Iceland sẽ gây mưa và như vậy, phần lớn lượng tro được đọng dưới đám mây gây mưa 3, 4 km sẽ trôi đi.

Không phận nước Anh đã được mở lại vào đêm hôm qua (giờ địa phương) và lần đầu tiên gần một tuần qua, một chuyến bay đầu tiên đã hạ cánh xuống phi trường Heathrow của London. Các chuyến bay từ các thành phố lớn như Paris, Madrid và Amsterdam cũng đã được phép cất cánh.

Hầu hết không phận nước Đức đã bị đóng cho tới sáng hôm nay, nhưng một số phi cơ đã được phép bay ở độ thấp.

Eurocontrol, một cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu, cho biết chưa đầy một nửa các chuyến bay thường xuyên của châu Âu đã được hoạt động trở lại hôm qua. Trong khi đó, các hãng hàng không cho biết sẽ mất nhiều ngày để giải tỏa những hành khách bị mắc kẹt tại các phi trường nước ngoài trong gần 1 tuần lễ. Những hành khách này đã mất hết kiên nhẫn và hết cả tiền bạc.

Chủ tịch tổ chức Vận tải Hàng không Quốc tế nói rằng tác động kinh tế của sự việc này đối với ngành hàng không đã lên tới 1 tỉ USD, lớn hơn thiệt hại của các vụ tấn công 11-9-2001 khi không phận của Mỹ bị đóng trong 3 ngày.

Hoạt động của núi lửa còn gây ảnh hưởng tai hại cho những khu vực ở xa như châu Phi, Trung Quốc và Nhật Bản, những nơi mà từ đó sản phẩm đã không thể vận chuyển sang châu Âu vì các đám mây tro.

(THEO DÂN TRÍ)