Hàng lậu, hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Thực trạng và giải pháp phòng tránh

Thứ hai, ngày 23/12/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO)


(Hình ảnh minh họa)

Trong thời đại chuyển đổi số, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành xu hướng mua sắm phổ biến, mang lại tiện lợi và lựa chọn phong phú cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, TMĐT đang phải đối mặt với một thực trạng chung đó là vấn nạn hàng lậu, hàng giả tràn lan trên các nền tảng trực tuyến.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất chính hãng mà còn đe dọa quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và gây thất thoát lớn cho nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt, vào những dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm tăng cao, hàng giả, hàng lậu lại càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Do lợi nhuận lớn, những mặt hàng giả và hàng lậu không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng truyền thống mà còn tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Các sản phẩm này thường nhắm vào tâm lý thích mua hàng giá rẻ, trong đó các sản phẩm từ những thương hiệu nổi tiếng về thời trang, mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh đã được quảng bá với mức giá thấp hơn nhiều so với hàng chính hãng.

Người bán thường sử dụng tài khoản ảo, chạy quảng cáo hấp dẫn, livestream bán hàng, hoặc lợi dụng các chính sách vận chuyển nhanh để phân phối hàng hóa, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.


Hình ảnh các kênh thương mại điện tử phổ biến hiện nay. Ảnh: Sưu tầm

Theo đó, tình trạng này đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều bên liên quan, nhất là làm suy giảm nghiêm trọng doanh thu cũng như uy tín đối với doanh nghiệp sản xuất chính hãng.

Khởi nguồn từ việc không chịu chi phí nguyên liệu chất lượng, nghiên cứu phát triển hay thuế, các mặt hàng này dễ dàng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách đưa ra giá bán thấp hơn, qua đó không chỉ làm giảm thị phần của doanh nghiệp uy tín mà còn gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, khiến họ mất lòng tin vào các thương hiệu chính hãng.

Với người tiêu dùng, hậu quả của việc mua phải hàng giả không chỉ nằm ở sự mất mát tài chính mà còn gây nguy hại lớn đến sức khỏe. Các sản phẩm kém chất lượng, đặc biệt là mỹ phẩm hoặc thuốc giả có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Không những thế, quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng cũng không được bảo vệ do hàng giả thường không có hóa đơn, chứng từ hay chính sách bảo hành rõ ràng. Song, hậu quả của hàng lậu, hàng giả không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp, cá nhân mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế quốc gia.

Sự thất thoát thuế từ hoạt động buôn lậu gây thiếu hụt nguồn thu ngân sách, trong khi môi trường cạnh tranh không lành mạnh làm giảm động lực đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp chính hãng. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp phá sản hoặc giảm sản xuất do hàng giả tràn lan, tình trạng thất nghiệp tăng cao, gây ra nhiều bất ổn trong xã hội.

Để phòng tránh mua phải hàng lậu, hàng giả, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và cẩn trọng trong quá trình mua sắm trực tuyến. Trước tiên, cần ưu tiên lựa chọn các cửa hàng chính hãng hoặc nhà phân phối được ủy quyền trên các sàn TMĐT lớn.

Đơn cử, như tại các gian hàng chính hãng thường có biểu tượng xác minh như “Official Store” hay “Mall” đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Do đó, người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với các sản phẩm có mức giá rẻ bất thường trước khi quyết định mua hàng, vì đây thường là dấu hiệu của hàng giả, việc kiểm tra các đánh giá từ người dùng khác, cũng như xem xét tem chống hàng giả hoặc mã QR trên sản phẩm sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của bản thân.

Ngoài ra, việc giữ lại hóa đơn hoặc chứng từ mua hàng là điều cần thiết trong các giao dịch thương mại điện tử, bởi lẽ đây không chỉ là cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi phát sinh vấn đề mà còn là công cụ giúp khiếu nại hoặc đổi trả sản phẩm một cách minh bạch.

Đồng thời, để góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, người tiêu dùng cần tích cực chủ động báo cáo vi phạm trên sàn TMĐT khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc.



Hình ảnh đánh giá các mặt hàng sản phẩm từ người tiêu dùng trên sàn TMĐT. Ảnh: Sưu tầm

Bên cạnh những biện pháp phòng tránh trên, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng là điều kiện tiên quyết để giải quyết triệt để vấn nạn hàng lậu, hàng giả.

Các biện pháp kiểm tra định kỳ và đột xuất trên các sàn TMĐT cần được triển khai thường xuyên, tận dụng sự tối ưu của ứng dụng công nghệ giám sát trực tuyến giúp phát hiện nhanh chóng các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, các chế tài như phạt hành chính, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng cần được áp dụng để răn đe các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong những giải pháp lâu dài và bền vững. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của hàng giả và hướng dẫn cách nhận biết hàng chính hãng thông qua các công cụ kiểm tra như mã QR hoặc tem chống hàng giả. Việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng bằng công nghệ blockchain cũng là một giải pháp hiệu quả, giúp quản lý toàn diện từ khâu sản xuất đến phân phối, đảm bảo nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Cuối cùng, hợp tác quốc tế là yếu tố không thể thiếu trong bối cảnh hàng lậu thường liên quan đến các nguồn cung từ nước ngoài. Đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm soát biên giới, chia sẻ dữ liệu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ góp phần hiệu quả trong việc ngăn chặn hàng giả ngay từ giai đoạn nhập khẩu.

Nhìn chung, hàng lậu, hàng giả không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp hay người tiêu dùng mà còn là bài toán lớn đối với nền kinh tế quốc gia. Sự chung tay từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng là chìa khóa để giải quyết triệt để vấn nạn này.

Bằng cách nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ hiện đại và hoàn thiện pháp lý, chúng ta có thể xây dựng một môi trường TMĐT lành mạnh, minh bạch và an toàn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như uy tín của các doanh nghiệp chính hãng.

Anh Hào Trung tâm Xúc tiến thương mại
và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương