Hàng trăm dự án bất động sản được 'gỡ khó'

Cập nhật: 23-03-2024 | 07:07:21

Đến thời điểm này, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho 142 dự án bất động sản (BĐS), nhà ở trong tổng số 191 dự án các địa phương báo cáo, riêng TP Hồ Chí Minh đã tháo gỡ khó khăn cho 44/148 dự án bị vướng mắc, đạt 30%.

Số liệu “biết nói”

Tại báo cáo phục vụ cho phiên họp trực tuyến toàn quốc của Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng đã thông tin về kết quả làm việc, tháo gỡ khó khăn của Tổ công tác đối với một số địa phương, doanh nghiệp. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã có 2 buổi làm việc trực tiếp với UBND TP Hồ Chí Minh, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS để nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc.


Thị trường BĐS đang xuất hiện những tín hiệu để hồi phục.

Tổ công tác đã nhận được 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sau khi xem xét, Tổ công tác có 37 văn bản liên quan đến 72 dự án gửi TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; đã giải quyết 44/148 dự án do Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh tổng hợp kiến nghị. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tháo gỡ vướng mắc cho 143 dự án, trong đó có 44 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác Bộ Xây dựng và các bộ, ngành; 104 dự án theo tổng hợp kiến nghị của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh.

Tại TP Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với UBND TP Hà Nội cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS để tháo gỡ khó khăn. Tổ công tác nhận được 12 văn bản của 12 doanh nghiệp và nhà đầu tư. Sau khi xem xét, Tổ công tác đã có 11 văn bản gửi UBND TP Hà Nội (để xử lý 12 kiến nghị) đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS theo thẩm quyền. TP Hà Nội hiện có 404 dự án, qua rà soát phân loại vướng mắc, Thành phố đã giải quyết 81 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. TP Hà Nội đang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.

Còn tại TP Hải Phòng, Tổ công tác làm việc trực tiếp với UBND TP Hải Phòng, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS để tháo gỡ vướng mắc. Tổ công tác nhận được 4 văn bản của 4 doanh nghiệp và đã có 4 văn bản gửi UBND TP Hải Phòng đề nghị giải quyết khó khăn. Đến nay, TP Hải Phòng đã tháo gỡ được 11/15 dự án vướng mắc, 4/15 dự án có khó khăn, vướng mắc còn lại đang tiếp tục được giải quyết theo quy định.

Tương tự, tại TP Đà Nẵng, Tổ công tác nhận được 5 văn bản của 5 doanh nghiệp, nhà đầu tư và đã có 5 văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền.

Riêng tại TP Cần Thơ, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với UBND TP Cần Thơ, giải quyết được 17 dự án, trong đó có 5 dự án đã được thu hồi; 12 dự án đã được tháo gỡ khó khăn. TP Cần Thơ đang thực hiện tháo gỡ vướng mắc cho 34 dự án, trong đó có 22 dự án khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, 8 dự án khó khăn về xác định giá thu tiền sử dụng đất và tính tiền sử dụng đất, 3 dự án khó khăn về thủ tục giao đất, 1 dự án có khó khăn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, thành phố đang xin ý kiến giải quyết.

Ngoài ra, tại tỉnh Bình Định, Tổ công tác đã có một buổi làm việc trực tiếp với UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc triển khai dự án. UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo giải quyết khó khăn đối với 26 dự án, gồm 19 dự án khu đô thị, 7 dự án NOXH và đang tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho 16 dự án...

Hàng loạt doanh nghiệp BĐS được trợ lực 

Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Sở đã chấp thuận cho tổng cộng 37 căn nhà thấp tầng thuộc khu I + V thuộc dự án Aqua City (xã Long Hưng, Biên Hòa) đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, trên cơ sở Bộ Xây dựng làm việc trực tiếp với Tập đoàn Novaland để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án của Novaland tại Đồng Nai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tương tự, dự án NovaWorld Phan Thiết cũng được tỉnh Bình Thuận xem xét chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với dự án. Đây là kết quả làm việc của Tổ công tác làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết kiến nghị của địa phương. Hiện nay, Tập đoàn Novaland đang mong muốn tiếp tục được tháo gỡ nhanh về thủ tục pháp lý các dự án BĐS đang triển khai tại các tỉnh phía Nam như: Chung cư The Grand Manhattan, The Water Bay... đây là các dự án được bố trí đầy đủ diện tích cho NOXH và tái định cư để chỉnh trang đô thị, thực hiện an sinh xã hội, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Đối với Tập đoàn Sunshine, sau khi được hướng dẫn giải quyết khó khăn từ Tổ công tác, Tập đoàn đã đưa ra thông điệp, kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 với những thông tin tích cực. Trong năm 2024, Tập đoàn sẽ bổ sung nguồn cung cho thị trường 5 dự án lớn, với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng như tổ hợp quy mô lớn là Sunshine Sky City, Sunshine Diamond River ở TP Hồ Chí Minh, Sunshine Wonder, Sunshine Crystal River tại Hà Nội... Về cơ bản, các sản phẩm BĐS đều đã đạt cơ bản hơn 90% thủ tục pháp lý, tạo dư địa tốt để tạo nguồn cung cho thị trường... 

Đại diện các doanh nghiệp BĐS chung nhận định: “Chưa bao giờ Chính phủ triển khai tháo gỡ quyết liệt và ban hành nhiều văn bản, nghị quyết như hiện nay để gỡ khó cho thị trường BĐS. Sau nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện rõ nét trên thị trường BĐS từ cuối năm 2023, tạo thanh khoản trở lại, tăng nguồn cung mới, làm "bản lề" để năm 2024 phục hồi thị trường theo quy luật tất yếu. 

Đặc biệt, khi Chính phủ quyết tâm làm trong sạch thị trường BĐS, thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, với những quy định chặt chẽ từ 3 bộ Luật mới này, thị trường BĐS sắp tới sẽ không dành cho những doanh nghiệp thiếu tiềm lực, mà dành cho những nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp.

Mặt khác, trong năm 2024, lãi suất ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục neo ở mức thấp nhất trong lịch sử, để tạo dòng tiền "bơm" ra thị trường. Đây chính là thời điểm để thị trường BĐS phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Riêng câu chuyện về trái phiếu, các doanh nghiệp BĐS đã nỗ lực mua lại hàng chục nghìn tỷ trái phiếu đến hạn và đang nỗ lực để tiếp tục chi trả cho nhà đầu tư trong năm 2024, thông qua sản phẩm BĐS.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=745
Quay lên trên