Bám sát thị trường nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) đứng vững trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng chất lượng cao và giá rẻ từ các nước nhập khẩu vào.
Hệ thống siêu thị triển khai mạnh chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ hàng Việt chiếm lĩnh thị trường. Trong ảnh: Cán bộngành công thương khảo sát hàng hóa thị trường trong mùa dịch bệnh
Nâng chất hàng Việt
Theo ghi nhận, lượng hàng Việt tại các hệ thống siêu thị vốn trong nước luôn đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. Hệ thống siêu thị có vốn nước ngoài, hàng Việt cũng đang chiếm tỷ lệ áp đảo. Cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), Aeon (80% theo mã hàng), Mega Market (95% theo mã hàng)... Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi đang chiếm ít nhất 60% - 70%.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, Chủ tịch Hiệp hội Giày da túi xách Bình Dương, chủ nhân nhãn hàng giày thể thao Prowin, cho biết quyết tâm đi theo hướng sản xuất giày gắn với thương hiệu riêng trong bối cảnh những nhãn hàng giày thể thao trong nước dần bị triệt tiêu. Đa số các DN chủ yếu sản xuất giày gia công theo đơn hàng của các đối tác nước ngoài, ông Vũ muốn phát triển thương hiệu ngay tại thị trường nội địa.
Theo ông Vũ, giày dép Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với giày dép ngoại, ngay cả các tên tuổi lớn cũng khá chật vật trong việc giữ và phát triển thị trường. Chính vì vậy, trong khi phát triển thị trường nội địa, DN của ông Vũ vẫn nhận thêm các đơn hàng gia công từ nước ngoài, vừa giúp tăng doanh thu, vừa là cơ hội học hỏi, cập nhật thêm công nghệ, cách thức sản xuất mới từ những thương hiệu lớn. Hiện sản lượng giày tại xưởng đã đạt hơn 500.000 đôi/ năm, sản phẩm nhanh chóng “phủ sóng” khắp các tỉnh, thành cả nước vì khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã với các dòng hàng từ trung bình đến cao cấp. Công ty luôn chú trọng đến lộ trình chuẩn hóa chất lượng sản phẩm thông qua việc chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại theo các tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ để cho ra những sản phẩm chất lượng, bao bì bắt mắt, giá cạnh tranh. Bên cạnh đó, công ty cũng hướng đến các tiêu chí về “sản xuất xanh”, bởi đây là yếu tố được người tiêu dùng ngày càng quan tâm, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa…
Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát cho biết rất chú trọng các kênh bán hàng trong nước và nâng cao chất lượng sản phẩm. Với việc cải tiến năng suất, chất lượng, quá trình sản xuất tại mỗi bộ phận được kiểm soát tốt hơn, chủ động, chính xác, kịp thời, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ông Trần Thành Có, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nhân Đức (huyện Bắc Tân Uyên) chia sẻ, để giữ vững thị trường nội địa, các thành viên HTX tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật hữu cơ rất nghiêm ngặt. Quá trình sản xuất cần tuân thủ những điều kiện cho phép từ khâu chọn giống, nguồn nước tưới, quản lý đất trồng, phân bón, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm. Khi người tiêu dùng tìm kiếm sự bảo đảm về chất lượng sản phẩm thì một thương hiệu quen thuộc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín là cách nhanh nhất để chạm đến nhu cầu này.
Mở rộng kênh bán hàng
Hiện nay, các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ tạo bước đàcho các DN cóthêm cơ hội mởrộng các kênh bán hàng, gặp gỡ, kết nối trực tiếp giữa đơn vịsản xuất với người tiêu dùng. Với mục tiêu đó, Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp Bình Dương đã tổ chức các hội chợ đưa hàng Việt về với các địa phương và các khu cụm công nghiệp. Lãnh đạo trung tâm kỳ vọng chương trình kích cầu nhằm giúp các DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước tìm thấy được những cơ hội tốt trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh nhiều DN trở lại sau dịch bệnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chưa có kế hoạch bán hàng hiệu quả. Vì vậy, hội chợ là cơ hội quý giá cho các DN gia tăng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Người tiêu dùng cũng sẽtìm mua được sản phẩm thuần Việt chất lượng với giá thành ưu đãi nhất.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp Bình Dương cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, trung tâm sẽtiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN, HTX trong tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội kinh doanh và đầu tư, thúc đẩy sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Ngoài ra, hiện nay ngành công thương cũng phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường các chương trình, hội nghị kết nối giao thương giữa các tổ hợp tác, HTX, DN với chợ đầu mối, hệ thống siêu thị trong tỉnh và các địa phương trên cả nước… nhằm đẩy mạnh các kênh phân phối hàng hóa, đặc biệt là nông sản địa phương.
TIỂU MY