Hành động để chống bóc lột lao động trẻ em

Cập nhật: 12-06-2011 | 00:00:00

Nhân Ngày thế giới chống lao động trẻ em (12-6), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã phát đi lời kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp để chống lạm dụng lao động trẻ em, đặc biệt lạm dụng trẻ em vào các công việc nguy hiểm.

Hơn 110 triệu trẻ em làm công việc nguy hiểm

Thống kê trong báo cáo của ILO với tiêu đề “Chúng ta biết gì và chúng ta cần hành động gì vì trẻ em trong các công việc nguy hiểm?” cho biết, mỗi phút trên thế giới có ít nhất một trẻ em bị tai nạn lao động, bị bệnh tật hoặc bị chấn thương tâm lý do bị lạm dụng buộc làm các công việc nguy hiểm. Từ năm 2004 đến năm 2008, mặc dù số trẻ em ở độ tuổi 5-17 tuổi làm các công việc nguy hiểm đã giảm, nhưng số trẻ em độ tuổi từ 15 -17 tuổi đã tăng thêm 20% từ 52 triệu lên 62 triệu em trong cùng thời gian này.

 Nhiều trẻ em ở châu Á phải làm nhiều công việc nặng nhọc

Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF thống kê, có 158 triệu trẻ em trong độ tuổi 4-15 đang phải lao động. Trong số đó có  115 triệu trẻ em đang phải làm những công việc nguy hiểm, khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay là một trong những khu vực có tỷ lệ trẻ em phải làm các công việc nguy hiểm cao nhất thế giới, với  48 triệu trẻ em và trẻ vị thành niên, chiếm 5,6% tổng số thanh thiếu niên trong khu vực. Ở khu vực cận Sahara, con số là 39 triệu trẻ em, chiếm tỷ lệ 15%. Trong khi ở châu Mỹ Latin là 9,5 triệu trẻ em, chiếm 6,7%. Tuy vậy, điều kiện làm việc khắc nghiệt và độc hại nhất của trẻ em chính là ở khu vực cận Sahara. Những nhóm công việc phổ biến mà các em tham gia là nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, khai thác mỏ, đào vàng... Nghiên cứu của ILO lưu ý rằng, vấn đề lao động trẻ em trong các công việc nguy hiểm không chỉ giới hạn ở các nước đang phát triển. Bằng chứng cho thấy tỷ lệ tổn thương của thanh niên do tai nạn tại nơi làm việc ở Mỹ và châu Âu cũng khá cao.

Cần một chiến dịch toàn cầu

Hãng tin CNN dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia nhấn mạnh, bất chấp những tiến bộ quan trọng trong thập kỷ qua, số trẻ em phải làm các công việc nguy hiểm trên thế giới vẫn cao. Chính phủ các nước, giới chủ và người lao động phải cùng hành động để định hướng mạnh trong xây dựng và thực thi các chính sách, cùng hành động nhằm chấm dứt lao động trẻ em.

Trong năm 2011, ILO đã tiến hành nhiều biện pháp để giảm số lượng trẻ em bị buộc phải lao động tại châu Á. Ở Ấn Độ, tại Dungarpur, UNICEF đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức những buổi kêu gọi xóa bỏ lao động trẻ em, đưa các em trở lại trường học. Hơn 120 tình nguyện viên đã tham gia chương trình và 1.500 gia đình đã đưa con em trở lại trường học. ILO cho biết, nguyên nhân căn bản khiến nạn lạm dụng lao động trẻ em vẫn diễn ra vì hoàn cảnh gia đình buộc các em phải tham gia kiếm tiền, giá lao động trẻ em rẻ mạt, trẻ em dễ sai bảo hơn người lớn và cũng thường ít dám phàn nàn hay cãi lại. Các em bị buộc phải làm nhiều giờ hơn người lớn.

Vì giáo dục là ưu tiên hàng đầu đối với các em, ILO kêu gọi cộng đồng thế giới đẩy nhanh các nỗ lực để đảm bảo rằng mọi trẻ em đều được đi học ít nhất cho đến tuổi lao động tối thiểu. Các nước cần ban hành danh sách các việc làm nguy hiểm theo Công ước ILO về lao động trẻ em. Cộng đồng thế giới cần hành động để thúc đẩy chiến dịch toàn cầu chống hình thức bóc lột trẻ em. Tuy nhiên, ILO cũng cảnh báo khủng hoảng kinh tế toàn cầu có nguy cơ đảo ngược xu thế giảm tỷ lệ lao động trẻ em trên thế giới.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=548
Quay lên trên