Hành nghề xe ôm phải đăng ký

Cập nhật: 08-04-2010 | 00:00:00

Từ 20-5, hành nghề xe ôm không có biển hiệu, trang phục theo quy định sẽ bị phạt 40.000 - 60.000 đồng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện cơ quan soạn thảo Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng mô tô, xe gắn máy (xe ôm) thời gian qua đã bị buông lỏng.

Hành nghề xe ôm phải có đồng phục hoặc biển hiệu Phương tiện phải an toàn

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, lực lượng hành nghề xe ôm thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm nên rất cần hoạt động có tổ chức, đoàn thể. Việc yêu cầu đối tượng này có trang phục, phù hiệu riêng vừa giúp cơ quan chức năng quản lý dễ dàng vừa giúp cho khách hàng sử dụng dịch vụ này yên tâm hơn.

Những người hành nghề xe ôm sắp đến sẽ mặc đồng phục.

Theo Thông tư 08/2009/TT-BGTVT của Bộ GTVT (có hiệu lực từ ngày 9-8-2009), điều kiện hành nghề xe ôm là phải có biển hiệu hoặc trang phục do UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định để nhận biết, phân biệt với những đối tượng tham gia giao thông khác.

Đồng thời, phương tiện để hành nghề xe ôm phải bảo đảm an toàn và người hành nghề phải trang bị mũ bảo hiểm cho hành khách. Như vậy, từ ngày 20-5 tới (khi Nghị định 34 có hiệu lực), những người hành nghề xe ôm không có biển hiệu, trang phục, phù hiệu riêng hoặc không đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 - 60.000 đồng.

Phải đăng ký với địa phương

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên phó cục trưởng Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT), thời gian qua, do Thông tư 08 mang tính mở nên các địa phương dựa vào điều kiện cụ thể mà ban hành những quy định riêng để quản lý hoạt động này. Theo cách hiểu của mình, có địa phương đã yêu cầu những người muốn hành nghề xe ôm phải đăng ký.

Thí dụ như từ cuối năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương trong tỉnh thực hiện việc quản lý xe ôm. Theo đó, muốn hành nghề xe ôm, người dân phải có đơn đăng ký được UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận và khi hoạt động phải đeo phù hiệu do nơi đó cấp.

Tuy nhiên, hiện nay, cái khó là không phải tất cả những người hành nghề xe ôm là chuyên nghiệp. Không ít người lao động có thu nhập thấp tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thêm tiền.

Ông Nguyễn Văn Thuấn cho rằng hiện các địa phương đã có văn bản hướng dẫn về quy trình quản lý hành nghề xe ôm nên việc triển khai thực hiện, xử phạt từ ngày 20-5 sẽ không gặp nhiều khó khăn.

Song theo ghi nhận của phóng viên, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai công tác này. Bà Nguyễn Thị Minh Tú, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết đến nay, sở này chưa ban hành quy định về quản lý xe ôm.

Tuy vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền (Hội Luật gia TP.HCM), quy định này rất khó khả thi bởi quá cứng nhắc.

(THEO NLĐ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên