Hạnh phúc ngày trở về

Cập nhật: 01-09-2011 | 00:00:00

94 phạm nhân được hưởng đặc xá của Chủ tịch nước, 89 phạm nhân được giảm án trước thời hạn để trở về với gia đình ở Trại giam Bến Lớn cuối cùng, những nỗ lực hối cải trả giá cho những hành vi sai trái của họ cũng được pháp luật khoan hồng. Bao nhiêu nỗi nhớ mong, chờ đợi của người thân, gia đình cũng được đoàn tụ trong niềm vui sướng. Và hơn ai hết, xã hội rất mong họ trở lại phấn đấu trở thành một công dân chân chính như pháp luật, xã hội và mọi người mong đợi.

 

Thượng tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hoàng Thao trao quyết định đặc xá cho phạm nhân

15 giờ ngày 31-8-2011 mới đến giờ trao quyết định đặc xá, nhưng thời gian như đang chậm lại với những người mẹ, người vợ, bạn bè thân quen nhất của các phạm nhân. Người thì ngắm nghía chiếc đồng hồ trên tay, người ngước mắt trông về hướng trại giam cố tìm cho được hình dáng thân quen của người thân bao ngày xa cách. “Tôi biết chút nữa họ cũng được trả tự do trở về, nhưng không hiểu sao lòng cứ thấy nao nao chú à!”, bà Võ Thị Đẹp, quê Kiên Giang tâm sự.

Mấy đêm nay, bà Đẹp không ngủ khi nghe con mình được trả tự do. Từ Kiên Giang lên Bình Dương, bà cùng đứa cháu chưa đầy 5 tuổi chờ đón thằng con quý tử của bà. Trông hốc hác, có lẽ do con ở tù nên bà gầy đi nhiều. Nhìn thấy hàng xóm sum họp bên bữa cơm chiều, còn con mình phải chịu cảnh tù tội chỉ vì hành vi vi phạm an toàn giao thông, mẹ già thêm buồn tủi. Có những khi bà nhớ con, khi tự trách mình dạy con không đến chốn, nhưng bà vẫn mong con sớm trở về.

 

Phạm nhân vứt áo tù nhân

Bên ngoài, trại giam cứ xô đẩy trông ngóng, mong đợi, còn bên trong những phạm nhân được đặc xá nóng lòng không kém. Đây là thời khắc vui sướng nhất, là món quà vô cùng quý giá, là sự khởi nguồn cho một hướng đi mới, một cuộc sống mới... Họ cứ cố nhìn ra cổng xem ai đón mình, đó là mẹ, là anh chị em hay bạn bè... Tất cả những người có trái tim nhân hậu, bao dung, là mái ấm thân thương, sẵn sàng mở rộng vòng tay yêu thương, che chở cho những người vấp phải tai ương của số phận.

Đến giây phút này, ai cũng cần tình cảm ấy. Phạm nhân Lê Thị Tuyết Hồng như muốn chạy ra ôm con vào lòng. Hồng nói, lúc Hồng chấp hành hình phạt tù vì tội chứa gái mại dâm cũng là lúc con bắt đầu tiếp nhận hơi thở của thế giới bên ngoài. Giờ đây, nó đã hơn 9 tuổi. “Tôi sẽ cố gắng chăn nuôi heo gà phụ mẹ già nuôi con, đồng thời mở tiệm may nho nhỏ để kiếm thêm thu nhập, đỡ gánh nặng mẹ già”, chị Hồng tâm sự. Còn phạm nhân Hồ Nguyên Hạnh cũng quyết tâm từ bỏ nghề ghi số đề, dành thời gian lo cho chồng, cho con.

 

Niềm vui sướng hạnh phúc khi gặp lại người thân

Phạm nhân Thượng Văn Đông thì cho biết: “Từ hôm nghe được đặc xá đến giờ, anh em phạm nhân vui mừng lắm. Mấy hôm rồi nôn nao không ngủ được, cả ngày, tham gia lao động và học tập cải tạo, đêm về, ngồi bàn tán với nhau đến gần sáng rồi thức dậy lao động tiếp, nhưng không ai thấy mệt mỏi”.

Biết phạm nhân Lê Tấn Phát thực sự hối hận về hành vi của mình nhưng để tránh đi cảm xúc tiêu cực cho phạm nhân trong quá trình cải tạo, tôi quay sang hỏi: “Anh gây thương tích mất sức lao động vĩnh viễn cho chính người em ruột của mình. Bây giờ, mỗi khi phải làm việc nặng nhọc hay trái gió trở trời là vết thương ấy lại hành hạ em của anh, anh có thấy đau lòng không?”. Im lặng và ngấn lệ, nhìn ánh mắt Phát, tôi hiểu nỗi đau đớn dằn vặt và ăn năn, tiếc nuối trong con người anh, tôi cố hỏi để Phát càng nhận thấy và thấu hiểu thêm hậu quả của hành động mà Phát gây ra, để mai này, trở thành một con người tốt, không những chấp hành nghiêm túc pháp luật, Phát còn phải biết sống có tránh nhiệm với xã hội.

Tâm sự với chúng tôi, Phó Giám thị Hà Tấn Phú, cho biết làm người cán bộ công tác ở trại tạm giam, thường xuyên đối mặt với những hoàn cảnh xót xa, những mảnh đời đáng thương, mặc dù trước đây họ có thể là những “chú ngựa bất kham” nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thời gian ở trại, họ được tiếp cận, học tập về pháp luật; họ tiếp xúc với nhiều cảnh đời, nhiều hành vi phạm tội khác nhau đã giúp họ nhận thức rõ hơn về pháp luật và sự nghiêm khắc của pháp luật mà trước đây phần lớn ở họ chưa nhận thức một cách đầy đủ. Sự giáo dục, rèn luyện ở môi trường trại cũng giúp họ quen dần với nếp sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, biết quý trọng danh dự, nhân phẩm của bản thân, của người khác, biết lao động và quý trọng thành quả lao động...

Hơn ai hết, với cán bộ trại giam, bất kỳ ai cũng đều mong muốn phạm nhân mình quản lý luôn học tập cải tạo tốt, sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình và sống có ích cho xã hội. Với lời chào quen thuộc “Em về, cán bộ ở lại mạnh khỏe nhé!”, hết lớp người này đến lớp khác, hàng ngàn phạm nhân lần lượt chấp hành xong hình phạt tù hoặc được giảm hết thời hạn hoặc đặc xá trở về sum họp cùng gia đình. Đội ngũ cán bộ trại tạm giam của chúng tôi vẫn ngày đêm thầm lặng với nhiệm vụ giáo dục lại của “người thầy”, chỉ mong sao những sản phẩm của mình tạo ra luôn là những nhân tố tích cực cho xã hội.

Cơn mưa chiều rả rích, nhưng lòng người đón đợi có quản chi. Cánh cửa trại giam vừa mở hẳn ra, trái tim nồng ấm bao la của những người thân mở ra, siết chặt đón lấy những con người lầm lỗi trở về. Tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn ngào, sung sướng xóa tan vẻ ưu tối đáng sợ của những xà lim nghiệt ngã.

Trong dòng người đưa đón, tôi bất chợt nghe tiếng của một thanh niên từ sau cánh cửa trại giam văng vẳng vang lên: Mẹ ơi con nè! Thì ra thằng Dỏi con bà Đẹp. Người mẹ già không đi bước nào, không nói lời nào, bà đứng trân với đôi mắt chờ đợi lưng tròng những giọt lệ mừng con. Cuối cùng, cái thằng nghịch tử nó cũng quay về bên bà. Bà ôm con, tay rung rung vuốt nhẹ lên mái tóc bằng tấm lòng nhân hậu của người mẹ hiền, môi lặp bặp: Mình về con à? Rồi đây, ngày ngày hoàng hôn dẫu chìm hẳn phía sau mái nhà thân thương nhưng lòng bà vẫn dâng tràn hạnh phúc được nghe con mình gọi bằng hai tiếng: mẹ ơi!

Thượng tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hoàng Thao:

Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước rất nghiêm khắc với những hành vi gây nguy hiểm cho nhân dân, cho xã hội. Nhưng cũng khoan hồng cho những người biết hối cải. Mong rằng, những người được pháp luật khoan hồng trở về với xã hội, bắt đầu cuộc sống mới, biết suy nghĩ, biết làm gì cho xứng đáng với xã hội, với người thân đang mong đợi.

 

HÒA NHÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên