Hạnh phúc từ việc thầm lặng

Thứ ba, ngày 07/01/2020

(BDO) Tháng chạp, những ngày cuối dần trôi. Ai nấy tất bật với công việc để khép lại năm cũ, đón chào năm mới Canh Tý 2020. Thế nhưng những người quản trang, nhân viên chăm sóc mộ phần tại nghĩa trang mà chúng tôi đã gặp vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc của mình. Họ bảo cũng đang “dọn nhà” đón tết cho mọi thứ thật khang trang, sạch sẽ.


Nhân viên thuộc Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh làm mới chữ trên bia mộ các anh hùng liệt sĩ

Chăm sóc mộ phần anh hùng liệt sĩ

Trưa một ngày tháng chạp, chúng tôi đến thăm các anh chị ở Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Khung cảnh nơi đây vắng lặng và bình yên! Tượng đài uy nghiêm sừng sững đứng đó, hàng cây xanh um, hoa lá tươi đẹp như là một cách tri ân người đã mất.

Anh Nguyễn Tuấn Đạt, Phó trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, cho biết anh công tác từ năm 2009 đến nay. Hơn 10 năm nay, anh chuyển công tác 2 lần từ đây về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Năm 2013 đến nay, anh làm công tác quản trang ở đây. Anh Đạt cho biết tổng diện tích nghĩa trang hơn 6 ha với hơn 5.400 mộ liệt sĩ. Có 5 dịp lễ lớn trong năm mà Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh chuẩn bị cẩn trọng, đầy đủ và trang nghiêm (đó cũng là những dịp mà cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền các thời kỳ viếng nghĩa trang) là: Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Quốc khánh 2-9, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12.


Chị Nguyễn Thị Thái chăm sóc mộ phần tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương

Ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hiện có 10 cán bộ, nhân viên. Những ngày này, công việc của các anh chị tất bật, vất vả hơn. Ai nấy động viên nhau làm cho mộ phần các anh hùng liệt sĩ thật tinh tươm, sạch sẽ để đón chào năm mới. “Công việc chưa hoàn thành thì lòng mình không yên được. Sẽ có cảm giác áy náy khó chịu mãi không thôi”, anh Đạt chia sẻ như thế khi nói về những con người thầm lặng đang sơn phết lại những dòng tên trên bia mộ của các anh an nghỉ tại đây.

Anh Lâm Quang Minh (SN 1971) hiện là nhân viên nghĩa trang, cho biết trước anh làm công nhân ở bên ngoài nhưng khi biết thông tin tuyển lao động, anh xin vào làm và đã gắn bó từ năm 2008 đến nay. “Công việc này đòi hỏi những người làm phải có tâm, phải biết rằng mình đang làm một việc rất ý nghĩa, đúng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Các thế hệ đi trước đã không tiếc xương máu, không tiếc tuổi thanh xuân cho hòa bình của đất nước hà cớ gì mình đòi hỏi những điều cho cá nhân, gia đình? Cứ âm thầm lặng lẽ làm vậy thôi và tôi hài lòng với công việc của mình”, anh Minh chia sẻ. Anh cũng cho biết thêm, hiện tại cả anh và vợ cùng đi làm. Thu nhập mỗi người khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Con của anh chị đã vào đại học nên cuộc sống cũng không quá khó khăn. Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh luôn tạo điều kiện về việc ăn trưa, tăng thêm thu nhập từ nguồn quỹ phúc lợi, tiền thưởng cho anh em nên cuộc sống như hiện nay là khá ổn.

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp tỉnh luôn có nhiều nỗ lực trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo tốt nhất cho người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập, cất bốc, an táng hài cốt liệt sĩ cũng được duy trì thường xuyên. Hệ thống các nghĩa trang liệt sĩ, các đền thờ, bia ghi danh, đài tưởng niệm liệt sĩ ở đây cũng như những nơi khác trong tỉnh luôn được chỉnh trang, nâng cấp. Phần mộ liệt sĩ thường xuyên được tu bổ và chăm sóc sạch đẹp, xứng đáng là những công trình văn hóa truyền thống cách mạng mang tính giáo dục cao.

Trưa muộn, chúng tôi chia tay các anh chị nhân công, quản trang ở đây. Họ sẽ vào khu vực bếp để ăn trưa cùng nhau. Đội nhân viên ở đây phân công nhau nấu ăn chung để tiết kiệm chi phí. Họ ăn trưa xong sẽ nghỉ ngơi một lúc và bắt đầu công việc vào lúc 13 giờ 30 chiều. Giữa cái nắng chang chang như thế và không ai than phiền gì… Tất cả làm trong tâm thế dọn “nhà” để vong linh chiến sĩ nằm lại đây đón tết thật ấm lòng, người thân khi đến thăm viếng cũng yên lòng, tin yêu hơn với đội ngũ quản trang, nhân viên.

“Tiệc tất niên” nơi Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương

Gần đây, khi mà Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương phát triển mạnh về dịch vụ lưu trú và ăn uống cho những gia đình lo hậu sự, có người thân “nằm” ở đây, nhiều gia đình chọn họp mặt tất niên tại nơi này. Theo họ làm như thế rất ấm cúng và tưởng như người thân chưa mất đi, như vẫn còn bên cạnh mình, vui với niềm vui của con, cháu bạn bè sau một năm làm việc, học hành.

Một gia đình đến từ TP.Hồ Chí Minh đang chuẩn bị lễ cúng lên một ngôi mộ được an táng từ năm 2014. Con trai của người đã mất đứng làm chủ lễ. Trước đó các thành viên trong gia đình cùng nhân viên của hoa viên làm vệ sinh, trồng lại hoa, cỏ rất sạch sẽ. Một bữa tiệc tất niên nhẹ nhàng được dọn ra dưới bóng mát của hàng cây. Nhìn xa cứ tưởng như những người này đi dã ngoại vì khung cảnh hoa viên rất đẹp với cây xanh, hoa lá tươi tốt quanh năm.

Ông Nguyễn Văn Anh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban Quản lý Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương, cho biết ông quê ở Vĩnh Long, gắn bó với công việc của hoa viên từ ngày mới thành lập đến nay. Từ năm 2006, công ty có chưa tới 10 người là ông đã về đầu quân và hiện nay đội ngũ cán bộ, công nhân viên lao động lên tới gần 300 người. Ông Anh cho biết thêm vào 2 dịp lễ lớn mà quản trang cũng như nhân viên chăm sóc phần mộ tập trung nhiều hơn so với công việc quanh năm là tảo mộ và tiết thanh minh. Tảo mộ bắt đầu từ ngày 20 đến 30 tháng chạp hàng năm. Đây là dịp mà người thân đến chăm sóc mộ phần gia đình, gia tộc cùng nhân viên của hoa viên tạo nên không khí rất ấm cúng, chân tình những ngày trước, trong và sau tết. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, lượng khách đến tham quan, tìm hiểu và chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh phần mộ cũng đông hơn. Chị Nguyễn Thị Thái, nhân công chăm sóc cây xanh, phần mộ ở đây cho biết trước chị bán hàng ở chợ Mỹ Phước 3. Gần nửa năm nay được nhận vào làm việc tại hoa viên với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng, chị cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm.

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, khi đến Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm sẽ thấy không khí ấm cúng của những buổi họp mặt gia đình, gia tộc. “Người ta tìm về để có cảm giác như người thân của mình vẫn còn hiện hữu. Nhân viên chúng tôi sẽ giúp họ có những buổi tiệc tất niên, tảo mộ, thanh minh thật ấm áp và đầy đủ nghi thức, lễ nghĩa. Ở đây có đủ tất cả những người theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Phật giáo, những người trong và ngoài nước chọn làm nơi an nghỉ. Hơn 1.000 lượt người mỗi ngày đến với hoa viên. Các hộ dân bên đường cũng có thể kinh doanh dịch vụ về tâm linh, phong thủy để tăng thêm thu nhập. Nay hoa viên có Cây đa hồn Việt với đầy đủ nghi lễ giỗ Tổ vua Hùng cũng là một địa điểm ý nghĩa để mọi người có thể đến thắp nhang, chiêm bái”, ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ.

Cho dù làm bất cứ nghề nghiệp gì, đã làm thì phải làm hết bằng tất cả cái tâm của mình. Có như thế mới đúng bổn phận, trách nhiệm của mình và xứng đáng với thù lao mình nhận được. Đó là tâm sự của những người gắn bó với việc ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương chia sẻ. “Sống nhà - Thác mồ” là quan niệm của ông cha ta xưa nay. Và như thế, việc chăm sóc mộ phần luôn có ý nghĩa, nhất là trong những ngày tết đến xuân về.

 QUỲNH NHƯ