Hành trình bền bỉ của bà Hillary Clinton

Cập nhật: 18-04-2015 | 14:45:06

Ngày 12-4, bà Hillary Clinton tuyên bố một lần nữa nỗ lực vượt qua điều mà bà gọi là “rào cản cao nhất và khó khăn nhất trên con đường sự nghiệp” khi bắt đầu khởi động chiến dịch tranh cử lần thứ hai để chạy đua vào Nhà Trắng với tư cách là ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ. Thực tế là bà Hillary đang phải đối mặt với những lời “thị phi” từ nhiều phía. Liệu đây chỉ là “lửa thử vàng” hay thực sự là những rào cản lớn đối với cựu đệ nhất phu nhân Mỹ?

Lại hứng búa rìu dư luận

Chỉ vài giờ trước khi bà Hillary Clinton công bố quyết định trên, quanh khu vực văn phòng tranh cử của bà ở Brooklyn xuất hiện nhiều tấm áp phích in hình khuôn mặt bà với nhiều nếp nhăn bị cường điệu hóa và khẩu hiệu: "Tham vọng, Tính toán, Giả dối và Giấu giếm".

Diễn viên hài Kate McKinnon thậm chí còn đả kích bà Clinton trong một chương trình truyền hình có tiếng tên là "Saturday Night Live", trong đó mô tả bà Clinton như một ứng cử viên tự đắc và tham quyền lực khi nhái lại đoạn phim công bố quyết định tranh cử của bà Clinton. Một trong những điểm người ta nhắc đến nhiều nhất là bà Clinton cần thể hiện sự thực tế hơn.

Những người chỉ trích, trong đó có cả những người cấp tiến trong đảng Dân chủ của bà, cho rằng sau thời gian làm phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton, Thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng, bà Clinton đã trở nên quá xa rời thực tế. Thượng nghị sĩ Paul còn thực hiện một quảng cáo công kích bà Clinton, cáo buộc bà là người xa rời thực tế và đại diện cho điều tồi tệ nhất của "cỗ máy Washington". Quảng cáo này phát sóng trên kênh truyền hình cáp ở Iowa, New Hampshire, Nam Carolina và Nevada, những khu vực sẽ tổ chức bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử năm 2016.

Không những thế, ngay trước khi tuyên bố chính thức tranh cử ngày 12/4, những đối thủ tiềm năng từ đảng Cộng hòa đã kịch liệt chỉ trích bà Hillary Clinton. Cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush phê phán chính sách đối ngoại của Mỹ khi bà Clinton làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Ông Jeb Bush phát biểu trong một đoạn băng hình được Ủy ban hành động chính trị "Right to Rise" công bố: "Chúng ta phải làm tốt hơn chính sách đối ngoại của Obama-Clinton, thứ đã phá hủy mối quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh và làm kẻ thù trở nên bạo gan hơn".  Trong một loạt chương trình phỏng vấn ngày 12/4, Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul của đảng Cộng hòa, người chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử tuần trước, đã chỉ trích trực tiếp đến cách thức bà Clinton giải quyết vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, năm 2012 khiến Đại sứ Christopher Stevens và 3 quan chức khác thiệt mạng, cho rằng,  bà đã không hoàn thành trọng trách bảo vệ các nhân viên ngoại giao làm việc ở nước ngoài.

Mặc dù trong cuốn hồi ký "Những lựa chọn khó khăn", bà Clinton đã bác bỏ những chỉ trích của đảng Cộng hòa về cách thức bà giải quyết các vụ tấn công, cho rằng đảng Cộng hòa đã lợi dụng thảm kịch để làm lợi cho mình về mặt chính trị, song không thể phủ nhận biến cố Benghazi cách đây 3 năm đã đẩy Ngoại trưởng Hillary vào thế lao đao.

Một trong những biến cố gần đây nhất là vụ phanh phui bà Hillary sử dụng tài khoản email cá nhân để xử lý việc công. Cho dù tại Mỹ không hề có quy định cấm các nhà lãnh đạo dùng tài khoản cá nhân xử lý công việc miễn là chúng được bảo mật, nhưng nhiều nghị sĩ Cộng hòa vẫn tranh thủ chỉ trích bà. Vi phạm luật liên bang, luật lưu trữ hồ sơ, thiếu minh bạch và gây nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia (trong trường hợp bị tin tặc tấn công) là những cáo buộc nhằm vào cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Sức khỏe và tuổi tác có lẽ cũng là yếu tố mà các đối thủ đưa ra để cản trở bước đường vào Nhà Trắng. Vào thời điểm tranh cử tổng thống, bà Hillary đã bước sang tuổi 68, trong khi xưa nay những người trúng cử vào Nhà Trắng đều không quá 60. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, công việc của một tổng thống Mỹ chịu rất nhiều áp lực, đòi hỏi phải có thể lực thật tốt. Cú ngã gây chấn động não của bà Hillary ngay trước khi rời khỏi chức Ngoại trưởng Mỹ và tình hình sức khỏe không mấy khả quan của bà trong suốt 2 năm qua sẽ bị đảng Cộng hòa đối lập khai thác triệt để khi cuộc đua chính thức bước vào chặng nước rút.

Đường dài mới biết ngựa hay

Thay vì tổ chức một cuộc họp báo rình rang, bà Hillary Clinton chọn cách "đăng đàn" trên mạng xã hội Facebook bằng một đoạn video dài hơn 2 phút để nói về chiến dịch vận động tranh cử của mình và tuyên bố bắt đầu khởi động cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. "Những người Mỹ bình thường cần một người hỗ trợ và ủng hộ họ, và tôi muốn trở thành người đó", Hãng tin AP dẫn lời bà Clinton nói ở cuối đoạn video. "Vì thế tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm những lá phiếu của các bạn. Hy vọng các bạn sẽ cùng tôi tham gia hành trình này".

Thật ra bà Hillary Clinton đã bắt đầu vẽ lên hành trình này từ khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong năm 2014 kết thúc. Khi ấy, phần thắng nghiêng hẳn về đảng Cộng hòa. Trong khi dư luận và giới truyền thông ồn ào, hả hê với thất bại ê chề của đảng Dân chủ, và là người của đảng này, bà chọn cách im lặng; thái độ "bỏ cỏ" chia xẻ khi cả một tàu ngựa ngấm đòn đau. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý. Trong chính trị, đó không hẳn là kết quả chung cuộc và không phải chỉ có một vài người được hưởng lợi lớn nhất. Người chiến thắng về lâu dài ở cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014 chẳng phải là đảng Cộng hòa mà là bà Hillary Clinton.

Bầu cử giữa kỳ thường mang đến thay đổi cán cân quyền lực trong Quốc hội nhưng kết quả lần ấy là thất bại lớn đối với đảng Dân chủ: mất quyền kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội. Sự thất bại của đảng Dân chủ nói chung và cá nhân Tổng thống Obama nói riêng là hoàn toàn có thể giải thích được. Các chuyên gia cho rằng, cùng với thời gian, khuyết điểm của Tổng thống Barack Obama càng lộ ra rõ nét. Lãnh đạo hành pháp Mỹ có tài hùng biện, nhưng "nói thì quá nhiều, mà làm thì quá ít".

Nhược điểm thứ nhì của ông Obama là trong nhiệm kỳ hai, ban cố vấn cho Tổng thống Mỹ là những người trung thành với ông chứ không phải là những chuyên gia thực sự có tài trong những lĩnh vực mà họ được chọn để giúp ông lèo lái vận mệnh đất nước. Cụ thể hơn chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ dưới sự điều hành của hai cộng tác viên rất trung thành với ông Barack Obama là bà Susan Rice và John Kerry thường hứng nhiều "gạch đá".

Dĩ nhiên, lúc đó đảng Cộng hòa chỉ mải ăn mừng. Bất cứ cuộc bầu cử nào kết thúc mà đảng viên Cộng hòa ngồi được vào ghế thống đốc ở Illinois và Maryland đều đáng ăn mừng. Tuy nhiên, cựu Đệ nhất phu nhân kiêm cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ có thể làm tốt hơn đảng Cộng hòa trong hai năm tới.

Trong suốt 2 tháng trước kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ, bà đã tổ chức 45 buổi vận động tranh cử tại 18 bang mà hai đảng đều cạnh tranh gay gắt, song những ứng viên lớn mà bà ủng hộ đều thất bại. Nhiều người cho rằng kỹ năng vận động tranh cử của bà còn lạc hậu và Hillary chắc chắn sẽ không bước vào cuộc chạy đua năm 2016 với những yếu điểm như vậy. Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi một sự thật đơn giản: Cho dù đảng Cộng hòa đã thắng lớn, song đảng này sẽ phải tốn công sức tới mức nào nếu muốn đánh bại Hillary trong năm 2016.

Tuy rằng đảng Cộng hòa đã giành được khá nhiều chiến thắng trong bầu cử giữa kỳ nhưng có mấy ai chú ý là, có bao nhiêu bang còn do dự trong việc bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa có màn thể hiện không mấy xuất sắc ở các bang "còn do dự", vì thế, triển vọng trong năm 2016 với đảng này sẽ không được tốt như năm 2014. Với mỗi ghế ở Thượng viện mà đảng Cộng hòa giành được trong cuộc bầu cử năm 2014 đều có khả năng trở lại tay của đảng Dân chủ vào năm 2016. Cơ hội mà đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện sau 2016 là rất mong manh.

Điều này giúp bà Clinton tạo thêm một cú hích ở sân chơi bầu cử, nơi một ứng viên Tổng thống Dân chủ đã có lợi thế sẵn. Năm 2014, 18 bang đều bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ. Điều đó có nghĩa là: nếu bà Clinton là ứng viên tổng thống năm 2016 của đảng Dân chủ, bà sẽ có trong tay 242 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử năm sau và bà chỉ cần 28 trong số 183 phiếu đại cử tri còn lại để thắng cử.

Để đánh bại bà Clinton, ứng viên đảng Cộng hòa sẽ phải bước những bước đầu tiên từ các bang còn do dự. Như vậy, đây là một cuộc chơi không có nhiều khả năng thành công. Về các con số, tỷ lệ ủng hộ mà các ứng viên sẽ phải có cũng là một bài toán không dễ tính. Năm 2012, Mitt Romney giành 59% số phiếu ủng hộ của cử tri da trắng, cao hơn số lượng mà Ronald Reagan nhận được năm 1980 và George W.Bush thu được năm 2004.

Tuy nhiên, Romney vẫn thua ông Obama. Vì sao? Bởi vì số lượng cử tri là người Mỹ thiểu số đang tăng lên hàng năm. Để có được mức ủng hộ 50,1% vào năm 2016, ứng viên đảng Cộng hòa phải giành được 64% phiếu ủng hộ của cử tri da trắng trong ngày bầu cử hoặc phải nhận được sự ủng hộ tăng vọt của các cử tri không phải là người da trắng, nếu không ứng viên này sẽ lại thua như ông Romney.

Nói một cách dễ hiểu hơn, năm 2014, đảng Cộng hòa chiến thắng trong cuộc bầu cử là do các cử tri thiểu số và trẻ tuổi không đi bầu, trong khi cử tri da trắng và lớn tuổi đã chiếm một phần lớn trong cuộc bầu cử. Đây sẽ là điều mà ứng viên tổng thống đảng Dân chủ để tâm trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, đặc biệt là khi ứng viên lại là bà Hillary Clinton - đảng viên Dân chủ được ưa chuộng nhất ở Mỹ. Có một vấn đề mà đảng Cộng hòa phải đối mặt khi kiểm soát cả hai viện của Quốc hội.

Đó là, liệu họ có sẵn sàng, hoặc nói chính xác hơn là liệu họ có thể, làm một việc gì đó để làm giảm bớt những lợi thế của bà Hillary Clinton trước thềm bầu cử 2016. 54% dân Mỹ có thể không hài lòng với cách lãnh đạo đất nước của ông Obama, song có tới 56% dân số cũng không ủng hộ đảng Cộng hòa và 63% cử tri thậm chí còn phản đối một số gương mặt lãnh đạo của đảng này ở Quốc hội Mỹ.

Trong thông điệp đưa ra trên Facebook, Hillary Clinton khẳng định bà sẽ tập trung đảm bảo an ninh kinh tế và tạo cơ hội cho người nghèo cũng như tầng lớp trung lưu ở Mỹ. Thông điệp này dựa vào cơ sở đà phục hồi của kinh tế Mỹ từ hơn một năm nay đã "bén rễ" sâu, trong bối cảnh thị trường lao động cải thiện vững, giá dầu thô ở mức thấp góp phần hỗ trợ sức chi tiêu. Tình hình này sẽ tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang thúc đẩy việc tăng lãi suất. Ẩn ý thứ hai khi bà chọn mạng xã hội để đưa ra tuyên bố của mình - động thái tập trung vào phương tiện truyền thông số là nỗ lực nhằm kết nối với những cử tri trẻ tuổi, mà cử tri Mỹ trẻ tuổi lại có khuynh hướng bỏ phiếu cho một biểu tượng.

Sau khi đã đưa một người Mỹ da đen đầu tiên vào Nhà Trắng, trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới, biết đâu họ sẽ chọn biểu tượng là một người phụ nữ để ngồi vào chiếc ghế quyền lực tối cao?

Theo ANTG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2564
Quay lên trên