Hành trình đến với vị thế bảo vật, di sản văn hóa quốc gia

Cập nhật: 20-11-2021 | 10:09:34

Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” của tỉnh Bình Dương là một trong những bảo vật quốc gia. Đầu năm 2021, “Nghề gốm Bình Dương” và “Võ lâm Tân Khánh Bà Trà” cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) công nhận là 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Kết quả này không chỉ thể hiện Bình Dương là vùng đất có bề dày văn hóa lâu đời, mà còn khẳng định nhiều giá trị văn hóa trên vùng đất này vẫn đang được các thế hệ giữ gìn, phát triển trong đời sống xã hội và đã trở thành những di sản văn hóa quý báu của dân tộc.


“Nghề gốm Bình Dương” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc sắc của vùng đất Bình Dương

Giữ gìn giá trị văn hóa

Trong số những hiện vật khảo cổ đang được Bảo tàng tỉnh giữ gìn, “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau công nguyên của vùng đất Phú Chánh, Bình Dương và rộng hơn là khu vực Nam bộ và Việt Nam. Thời gian qua, Sở VH,TT&DL và Bảo tàng tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm khai thác giá trị của bộ dụng cụ này. Một số hiện vật trong bộ sưu tập đã được trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh.

Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, khoa học và tính độc bản, độc đáo của những hiện vật và sự nỗ lực, cố gắng của Bảo tàng tỉnh trong việc nghiên cứu, bảo vệ, lập hồ sơ khoa học, cuối cùng, bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ- TTg ngày 31-12-2020 về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 9) năm 2020.

Trong dòng chảy lịch sử của vùng đất Bình Dương từ xưa đến nay còn có những giá trị văn hóa phi vật thể khác vẫn đang được các thế hệ ra sức giữ gìn, phát triển. Đó chính là môn võ “đả hổ” lừng danh Tân Khánh Bà Trà xuất phát từ vùng đất Tân Khánh, thuộc phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên ngày nay. Cũng như những dòng võ cổ truyền khác, lịch sử dòng võ lâm Tân Khánh Bà Trà gắn liền với lịch sử vùng đất, cộng đồng sản sinh ra nó, từ những ngày đầu mới khai phá lập làng đến thời kỳ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và tiếp tục phát triển cho đến bây giờ. Việc giữ gìn và phát huy võ lâm Tân Khánh Bà Trà thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống biết ơn những người đi trước.

Vinh danh cùng với võ lâm Tân Khánh Bà Trà, nghề gốm - một trong những nghề thủ công truyền thống tồn tại lâu đời trên đất Bình Dương cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, cùng với những thành tố văn hóa khác, gốm Bình Dương là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Nam bộ. Gốm Bình Dương đã để lại nhiều loại sản phẩm đáng được nghiên cứu về góc độ kỹ thuật chế tác lẫn giá trị mỹ thuật. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, nghề gốm vẫn phát triển và mang lại cho cư dân Bình Dương nhiều giá trị nhất định về mặt tinh thần cũng như vật chất.


“Võ lâm Tân Khánh Bà T
rà” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đây là nét văn hóa độc đáo, thuần khiết của người dân vùng đất Bình Dương

Để những giá trị văn hóa trên được công nhận là bảo vật, di sản quốc gia, theo ông Lê Văn Phước phải kể đến tinh thần trách nhiệm của các viên chức Bảo tàng tỉnh nhận nhiệm vụ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị công nhận cho các di sản văn hóa trên. Cùng với đó là sự hỗ trợ tích cực đầy tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học khảo cổ, khoa học lịch sử, Hiệp hội Gốm sứ tỉnh và các võ sư võ lâm Tân Khánh Bà Trà, đặc biệt là sự quan tâm của UBND tỉnh và Sở VH,TT&DL trong việc bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa nói chung và các di sản văn hóa được công nhận năm 2021 nói riêng.

Khẳng định những giá trị

Theo ông Lê Văn Phước, mỗi bảo vật, mỗi di sản văn hóa nói chung không chỉ có giá trị văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị về mặt lịch sử, khoa học, thẩm mỹ, phản ánh đời sống kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn, từng thời kỳ trong tiến trình tiến hóa của nhân loại. Điều đó có thể hình dung qua “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh”. Đây là di vật chôn theo người chết. Điều đó chứng tỏ rằng trong hoạt động sống lúc sinh thời họ có quan hệ mật thiết với nghề dệt và minh chứng cho một nghề đã xác lập truyền thống lâu dài; đồng thời nó cũng thể hiện tục lệ ma chay của người Việt xưa.

Còn với nghề gốm Bình Dương, với sự hình thành các trung tâm sản xuất gốm đã thực sự tồn tại một dòng văn hóa gốm sứ. Chính dòng văn hóa này đã góp phần định hình sắc thái văn hóa đặc trưng của Bình Dương, cũng như góp phần vào việc phát triển sắc thái văn hóa gốm sứ Nam bộ, gốm sứ Việt Nam truyền thống và hiện đại. Qua từng sản phẩm gốm còn chứa đựng tâm hồn, tài năng, trình độ, sáng tạo, tinh thần lao động của người thợ. Điều đó còn thể hiện sự học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm qua các thế hệ và không ngừng sáng tạo của con người. Đồng thời, nghề gốm Bình Dương còn thể hiện sự tiếp biến văn hóa, giao lưu văn hóa của các cộng đồng Việt - Hoa trên đất Bình Dương từ khi hình thành đến nay.

Đối với võ lâm Tân Khánh Bà Trà, đây là nét văn hóa độc đáo, thuần khiết của người dân vùng đất Bình Dương, thể hiện sự sáng tạo của nhiều thế hệ cư dân ngay từ thuở ban đầu an cư lập nghiệp. Nó được hình thành và phát triển từ tinh thần đấu tranh bất khuất của con người trước kẻ thù và thú dữ để bảo vệ cuộc sống đầy hiểm nguy thời khai phá lập làng. Cho đến ngày nay, võ lâm Tân Khánh Bà Trà còn là một minh chứng sinh động thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam nói chung, tinh thần khảng khái, hào sảng của người dân miền Đông Nam bộ nói riêng.

Những hiện vật, làng ghề, môn võ truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Bình Dương mới được công nhận là bảo vật, di sản văn hóa quốc gia đã khẳng định, Bình Dương là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời. Những giá trị văn hóa ấy đã được xây dựng, bồi đắp, hun đúc trong quá trình hình thành và phát triển, tạo nên một bản sắc văn hóa đặc trưng trong sự đa dạng chung của nền văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần cho các thế hệ người dân Bình Dương.

Các di sản văn hóa được vinh danh là bảo vật, di sản quốc gia có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như quảng bá hình ảnh đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, những giá trị văn hóa này sẽ góp phần trong việc khai thác du lịch, qua đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương.

(Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh)

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1860
Quay lên trên