Hành trình ly kỳ của ông Trump từ tổng thống thất cử đến tổng thống đắc cử Mỹ

Cập nhật: 09-11-2024 | 16:36:43

Chính trị gia Donald Trump đã có một hành trình ly kỳ sau khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Dần vượt qua sự hoài nghi trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông Trump giành được đề cử của đảng này để tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong năm bầu cử 2024, ông triển khai nhiều chiến thuật vận động khôn ngoan để giành thắng lợi chung cuộc đầy thuyết phục.

Quyết tâm sắt đá của ông Trump

Sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Donald Trump bắt đầu quay lại chính trường khi nhiều người cùng chính đảng Cộng hòa của ông muốn ông ra đi.

Ông Trump công bố ý định chạy đua vào Nhà Trắng sau khi phe Cộng hòa bị lép vế tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Các nhân vật nổi bật trong đảng Cộng hòa khi đó quy trách nhiệm về điều này cho ông Trump vì liên quan đến cuộc tấn công điện Capitol (nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ) và vì không chịu rút khỏi chính trường sau khi thất cử năm 2020.


Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump bên cờ Mỹ và những người ủng hộ.

Trở lại tư dinh Mar-a-Lago ở bang Florida, giữa các trợ lý và đồng minh thân tín, ông Trump chỉ trích mọi thứ, bao gồm cả hệ thống tư pháp. Ông Trump đưa ra đánh giá đầy u ám về đất nước sau khi ông rời nhiệm sở. Ông dự đoán từ rất sớm rằng các cử tri đã không chọn ông trong kỳ bầu cử 2020 rồi sẽ quay sang phản đối nhà cầm quyền.

Tại thời điểm đó, ông Trump tiên đoán: “Tôi không nghi ngờ rằng vào năm 2024, tình hình sẽ tệ hại hơn nhiều và người ta sẽ thấy rõ ràng điều gì đã xảy ra và đang xảy ra với đất nước chúng ta. Việc bầu cử rồi sẽ khác nhiều”.

Vào sáng 6/11/2024 (giờ Mỹ), lời tiên đoán năm nào của ông Trump đã thành hiện thực. Hàng triệu người Mỹ, bao gồm cả những cử tri chủ chốt tại các bang chiến địa trong bầu cử Mỹ, đã bỏ phiếu để mang lại chiến thắng lịch sử cho ông Trump. Sự trở lại của ông Trump hứa hẹn tái định hình nền chính trị Mỹ trong tương lai không xa.

Xây dựng liên minh rộng rãi, nhắm tới nhiều đối tượng cử tri

Chiến thắng của Donald Trump lần này rất đáng chú ý về tầm vóc sự kiện cũng như phương pháp tranh cử. Đội ngũ tranh cử của ông ngay từ đầu đã xây mới các liên minh chính trị quan trọng đối với các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Trump đã nỗ lực vận động những nhóm cử tri vốn trung thành với đảng Dân chủ, bao gồm người nội trợ, người làm công ăn lương, người da màu và người gốc Mỹ Latin.

Đồng thời, ông Trump tìm cách lấy lòng cả những nhóm cử tri bị vỡ mộng - đó là những người sống rải rác ở những khu vực bị lãng quên của nước Mỹ.

Bên cạnh đó, đồng minh của ông Trump cũng khai thác sự chia rẽ giữa đảng Dân chủ và lực lượng cử tri ủng hộ họ. Chẳng hạn, một quỹ vận động tranh cử của đảng Cộng hòa đã sử dụng quảng cáo trên sóng phát thanh để hối thúc cử tri gốc Arab ở thành phố Detroit hãy bỏ phiếu cho ứng viên đảng Xanh, Jill Stein, thay vì cho đảng Dân chủ, do vấn đề xung đột tại Trung Đông.

Đồng thời, Liên minh Do Thái của đảng Cộng hòa đã dành 15 triệu USD nhắm tới các cử tri Do Thái lo lắng về sự suy giảm ủng hộ của chính quyền dành cho Israel cũng như việc phe tả ủng hộ các cuộc biểu tình thân Palestine tại các trường đại học.

Ứng cử viên Trump tìm cách lấy lòng cả cử tri theo phái Tự do, những người nhiệt tình với đồng Bitcoin, các công nhân ô tô ở Michigan, cử tri da đen và Latin ở vùng Bronx. Ngoài các bang chiến trường, ông cũng thăm cả những khu vực truyền thống của đảng Dân chủ.

Ông Trump đưa ra những khuyến khích nhằm vào các nhóm trọng điểm: Không đánh thuế vào tiền "boa" của nhân viên dịch vụ ở Nevada, không đánh thuế lương làm ngoài giờ của công nhân, không đánh thuế vào bảo hiểm xã hội của người cao tuổi. Ông cũng tìm cách thuyết phục mỗi nhóm cử tri rằng dòng người nhập cư từ biên giới phía Nam của nước Mỹ đe dọa việc làm và sự ổn định, an toàn trong cuộc sống của họ.

Dữ liệu bầu cử cho thấy, đội ngũ tranh cử của ông Trump giành được nhiều hơn cả dự đoán của họ. Kết quả phiếu bầu mà ông Trump thu được từ những cử tri trẻ tuổi vượt xa cả những dự đoán lạc quan nhất. Khi tất cả phiếu bầu được kiểm, ông Trump có lẽ trở thành ứng viên Cộng hòa đầu tiên kể từ năm 2004 giành được áp đảo cả phiếu bầu phổ thông lẫn phiếu bầu đại cử tri.

Cố vấn cao cấp Brian Hughes nhận xét vào sáng 6/11 (giờ Mỹ) khi ông Trump lên bục để phát biểu chiến thắng: “Ông ấy đã xây dựng được một liên minh rộng rãi và đa dạng”’.

Đội ngũ trợ lý ổn định, thông điệp nhất quán

Những người bên trong hoặc gần gũi với phe Trump đã giải thích chiến thắng của ông là do một loạt yếu tố, không riêng gì đội ngũ tranh cử.

Hai nhân vật chủ chốt trong đội ngũ tranh cử của ông Trump là nhà thông thái Susie Wiles và đảng viên Cộng hòa kỳ cựu Chris LaCivita đã làm trưởng nhóm tranh cử của ông Trump trong suốt quá trình vận động tranh cử. Nhưng chiến thắng vang dội của ông Trump được công bố vào ngày 6/11 cho thấy thành công của ông không chỉ nhờ vào đội ngũ tranh cử mà còn cả nhiều sự kiện chưa từng có tiền lệ như các vụ mưu sát nhằm vào ông Trump và việc ứng viên Dân chủ Joe Biden bất ngờ rút khỏi cuộc đua.

Nhân tố dẫn tới thất bại của phe Dân chủ đã xuất hiện đúng như dự đoán của ông Trump cách đây 2 năm: Công chúng Mỹ thất vọng về tình trạng lạm phát và tình trạng yếu kém trong quản lý vấn đề nhập cư.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thừa kế di sản nặng nề của chính quyền Mỹ hiện tại - đó là ông Biden không còn giành được nhiều sự ủng hộ trong khi nền kinh tế Mỹ thì gặp nhiều khó khăn.

Tận dụng mạng xã hội, kiểm soát đảng Cộng hòa và bắt tay với bên ngoài

Ông Donald Trump đã ngồi trả lời nhiều cuộc phỏng vấn dài hơi trong hệ thống sinh thái truyền thông của những nhân vật có ảnh hưởng.

Ông Trump cũng mở một tài khoản TikTok dù rằng bản thân ông từng đe dọa đóng cửa công ty mạng xã hội này của Trung Quốc. Ông xây dựng hình ảnh gần gũi người lao động khi ông tự tay làm việc tại cửa hàng McDonald hay lái xe tải chở rác.

Đội ngũ tranh cử của ông Trump thành công trong việc hạ bệ chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa (RNC), Ronna McDaniel, và gài những người trung thành với họ vào cơ quan trung ương này của đảng Cộng hòa, khiến hoạt động của nhóm thêm dễ dàng hơn.

Một quyết định của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ (FEC) trong năm 2024 này cho phép các nhóm vận động tranh cử được phối hợp với các nhóm bên ngoài, như Turning Point Action của Charlie Kirk (người trung thành với Trump) và America PAC của tỷ phú công nghệ Elon Musk - nhân vật trong những tháng cuối cùng của cuộc vận động tranh cử Mỹ đã đầu tư nhiều tiền bạc và sự ảnh hưởng của mình cũng như mạng xã hội X do ông làm chủ để cổ xúy cho Donald Trump tái đắc cử.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, nhóm của tỷ phú Musk đã chi hơn 140 triệu USD để quảng bá cho ông Trump, theo các tiết lộ của nhóm với các giám sát viên liên bang.

Tại bang Arizona, nhóm Turning Point nói trên đã dành 10 triệu USD vào đội ngũ nhân viên toàn thời gian được đào tạo để để duy trì quan hệ với khoảng 400 - 600 cá nhân cụ thể trong nhiều tháng và bảo đảm họ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống. Những nhân viên này được chỉ đạo hối thúc cử tri đến điểm bỏ phiếu, giúp họ gửi phiếu qua bưu điện và khuyến khích cử tri bỏ phiếu sớm.

Theo vov.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=947
Quay lên trên