Hành trình tìm liệt sĩ: Ai là tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”?

Cập nhật: 06-11-2012 | 00:00:00

Bài 1: Nghĩa tình đồng đội

Bài 2: Chị ấy từng dạy tôi học!

Đồng đội của mẹ tôi

Sau tuần đầu tiên hành trình tìm liệt sĩ chưa mang lại kết quả, từ Đồng Nai trở về, chúng tôi chuẩn bị cho một chuyến đi các tỉnh miền Tây Nam bộ thì bất ngờ nhận được điện thoại của một bạn đọc ở xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên - đó là ông Mai Văn Hồng. Qua trao đổi, ông Hồng nói: “Tôi nhìn hình ảnh đăng trên báo Bình Dương và nhận ra các chị này đã từng công tác cùng với mẹ của tôi”.

Nhận được tin vui, chúng tôi hớn hở, nhanh chóng lên đường tìm về Thạnh Hội - vùng đất này từng là cửa ngõ của chiến khu Đ, một thời “gian lao mà anh dũng”. Cùng với xã Thạnh Phước, người dân Thạnh Hội hôm nay có quyền tự hào về truyền thống bất khuất của cha ông trên mảnh đất cù lao tuy nhỏ nhưng đã gắn liền với những chiến công vang dội. Đó là trận đánh cầu Bà Kiên nổi tiếng, làm rạng rỡ tên tuổi người anh hùng đặc công Trần Công An. Qua cầu Thạnh Hội, hôm nay chúng ta nhìn thấy Bia chiến thắng khắc ghi chiến công của trận đánh oanh liệt này. Nhà ông Hồng sát chân cầu Thạnh Hội. Biết chúng tôi sắp đến, ông đã chuẩn bị một mâm cơm với ý niệm tâm linh là mời mẹ và các chị về đây cùng chứng giám cuộc chuyện trò. Phút đầu gặp gỡ đã để lại cho chúng tôi những bồi hồi khó tả và xúc động đến nao lòng. Ôi! Chiến tranh đã gây bao đau thương mất mát và giờ cũng làm cho con người trở nên gần gũi nhau hơn. Vâng! Sự gần gũi trong nỗi nhớ và tự hào về những người đã khuất!  

 Những trang viết trong quyển nhật ký

 

 Bà Bảy Thìn thời kháng chiến, cũng là đồng đội của tác giả quyển nhật ký

 

 Ông Hồng nhận diện ảnh hai người chị ở chiến khu Đ ngày trước

Mẹ ông Hồng, tức bà Mai Thị Thìn, người cán bộ phụ nữ ở chiến khu Đ rất được nhiều người biết. Sau ngày đất nước hòa bình, bà Thìn tiếp tục công tác tại chính quyền huyện Tân Uyên. Rất tiếc bà đã qua đời cách đây 2 năm, nếu không thì việc tìm kiếm liệt sĩ của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn nhiều. Giở lại nhật ký, có lần chị đã nhắc tên bà Bảy Thìn: “Ngày 9, 10, 11-8-1966, mấy ngày qua mình cùng cô Bảy, chị Hải đi A.H, C.Lưu về A. Mặc dù bệnh rất mệt nhưng vẫn quyết tâm đi…”.

Thắp nén nhang, ông Hồng kể lại: Đầu năm 1966, lúc đó ông khoảng 10 tuổi đang ở nhà với ông bà thì được chị Hoa từ xã Lạc An về đưa vô rừng thăm mẹ. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha là liệt sĩ khi ông còn nhỏ và mẹ đi kháng chiến khiến ông vô cùng thương nhớ, nay được dẫn vào rừng thăm mẹ, ông rất mừng. Đi đường vừa phải tránh quân địch nên chuyến đi từ Thạnh Hội vào Lạc An cũng phải mất mấy ngày mới vào tới nơi đơn vị mẹ đóng quân. Ông Hồng bùi ngùi: “Cách mẹ chỉ khoảng 30 cây số nhưng mấy năm rồi mới được gặp lại, hai mẹ con tôi ôm nhau mà khóc…”. Những ngày ở Lạc An, ông Hồng được bà Bảy Thìn cho đi học lớp thiếu sinh quân với mong muốn: con của mình sẽ tiếp bước cha anh lên đường đánh Mỹ. Nhưng do ngày ấy, bom B52 địch thả rất ác liệt nên lớp học đã không tổ chức được. Ông Hồng ở thăm mẹ 3 tháng rồi quay trở về địa phương theo học hết tú tài. Sau ngày giải phóng, ông là cán bộ Đoàn năng nổ. Mặc dù chỉ 3 tháng ở chiến khu cùng mẹ nhưng ông còn nhớ rất rõ hình ảnh hai người nữ chiến sĩ cách mạng mà báo Bình Dương đã đăng hình ảnh. Ông nói: “Hình chị đội mũ tai bèo đứng giữa rừng chiến khu Đ có bí danh là Sáu Mẫu, còn hình chị mặc áo dài ngồi bên gốc dừa là Bảy Nga. Hai chị này nằm chung hầm và cùng công tác với mẹ tôi”.

Ông Hồng nhớ lại: Do lớp đào tạo thiếu sinh quân tạm hoãn để tránh bom của địch nên tôi hàng ngày đều quấn quít theo chân chị Mẫu, chị Nga. Hai chị còn trẻ, rất đẹp và yêu mến tôi như đứa em ruột trong gia đình. Đêm xuống, khi tiếng súng tạm yên, dưới ánh trăng mờ giữa rừng chiến khu, hai chị đều dạy tôi học và ca hát. Tôi nhớ mãi hai bài hát mà các chị tập, ngoài bài hát trên còn có thêm một bài nữa. Dứt lời, ông Hồng say sưa cất giọng: Bồ câu trên trời về đây hát vang lừng, đắp xây hòa bình mừng anh em Việt - Miên - Lào cùng đoàn kết xã hội ngày mai...

Sau 3 tháng sống cùng mẹ và các chị, vào khoảng tháng 4-1966, ông Hồng phải trở về nhà để tiếp tục học hành. Trong ký ức, ông nhớ rất rõ kỷ niệm đối với chị Mẫu và chị Nga, mà rằng: Ngày chuẩn bị rời chiến khu, ông được hai chị dẫn xuống một khúc sông và bảo “ngồi ngâm đôi chân vào nước”. Sau này ông mới hiểu việc làm như vậy là nhằm cho đôi chân tan hết vết hằn do mang dép lốp cao su, để lỡ có gặp biệt kích Mỹ thì chúng không nghi ngờ đây là con em Việt cộng ở chiến khu ra. Chiến tranh là thế đấy! ngay cả trẻ em cũng là đối tượng xét nét của quân thù! Thế rồi, kỷ niệm mà ông Hồng khắc sâu trong tim cũng là lần chia tay vĩnh viễn của mấy chị em. Ông Hồng có biết đâu, khi rời chiến khu Đ vào tháng 4-1966 thì đến ngày 10-10- 1966 (âm lịch), các chị ấy đã hy sinh, mãi mãi nằm xuống trong lòng đất chiến khu này. Vì rất kính yêu, thương mến hai chị, nên sau ngày hòa bình, ông đã nhiều lần dò hỏi tin tức nhưng mẹ ông bảo “hai người ấy đã hy sinh”! Có một người cùng đơn vị với các chị mà ông còn nhớ rõ, đó là ông Tám Phú, người ở xã Lạc An. Sau này hình như ông Tám Phú công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương và đã qua đời cách đây mấy năm. Dù đã nghe mẹ nói “hai chị đã hy sinh” nhưng ông vẫn chưa tin. Khoảng năm 1978, tình cờ gặp lại ông Tám Phú, qua lời kể của ông Phú, ông Hồng mới tin rằng “các chị ấy đã hy sinh” là thật. Từ đó cho đến nay, hàng năm cứ đến ngày giỗ mẹ, ông Hồng đều bồi hồi tưởng nhớ về chị Mẫu, chị Nga với lòng thương tiếc khôn nguôi!

Như vậy, qua câu chuyện của ông Hồng, chúng tôi đã có thêm những thông tin mới khá lạc quan. Bước đầu nhận định, tác giả của cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” đã từng công tác chung với bà Bảy Thìn ở chiến khu Đ. Tuy nhiên, họ tên người cụ thể, quê quán của chị ấy ở đâu? vẫn còn là “ẩn số” thôi thúc chúng tôi phải tiếp tục cuộc hành trình .

“Hình này có ở bảo tàng Củ Chi mà”...?

Tiếp tục cuộc tìm kiếm liệt sĩ, chúng tôi đi về Lạc An - địa danh nổi tiếng của vùng đất chiến khu Đ. Nhờ có ông Bảy Sáng mà nhiều cựu binh thời đánh Mỹ nghe tin đã tề tựu tại nhà ông Nguyễn Minh Đời (Tám Minh) để cùng nhận diện người trong ảnh. Cho dù cố gắng hồi tưởng nhưng xem ra các đồng đội năm xưa nay “không thể nhớ ra nổi người trong ảnh”. Ông Tám Minh nói: “Đọc nhật ký, tôi khẳng định đúng là chị này có thời gian công tác ở địa phương này. Nhưng chị là “dân” chính trị còn chúng tôi là “dân” quân sự chỉ lo đánh giặc, mà theo quy định bí mật nên rất ít gặp nhau…”. Vậy là nỗ lực tìm liệt sĩ lại đi vào ngõ cụt!

Trong lúc này, chúng tôi lại nhận được điện thoại của ông Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Bình Dương cho thông tin: “Có một liệt sĩ tên là Đoàn Như Thủy, quê xã Thanh Tuyền, Dầu Tiếng - là giáo viên, đã hy sinh năm 1968. Các cháu lên đó xác minh thử xem!”. Tiếp chúng tôi tại xã Thanh Tuyền, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã rất nhiệt tình hợp tác; song ở đây có chút nhầm lẫn, bởi liệt sĩ Đoàn Như Thủy ở xã Thanh Tuyền không phải là giáo viên mà là chiến sĩ, hy sinh năm 1968 tại chiến trường Campuchia và lại là nam. Tuy nhiên, để cho thông tin được kiểm chứng rõ ràng, chúng tôi tìm đến bia tưởng niệm của xã Thanh Tuyền và cả xã Thanh An dò tìm xem “có ai là liệt sĩ Đoàn Như Thủy khác hay không”? Kết quả là không! và rất đỗi tình cờ, chúng tôi gặp được ông Dương Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Vừa xem qua bức ảnh mà chúng tôi cầm trên tay, ông Nhàn nói ngay: “Hình này có ở bảo tàng Củ Chi mà”! Thế là thêm một tin vui!

…Nhân dân khắp nơi quyết đứng lên đều, đồng tâm chống Mỹ gây bao chiến tranh, gây bao điêu tàn, làng mạc xác xơ… thù cao như núi,…. Đã đến lúc rồi, nhân dân nổi dậy, quyết đánh tan loài hung ác là đế quốc Mỹ… Thắp một nén nhang như để báo với hương hồn của người chị, ông Hồng xúc động cất cao tiếng hát mà ông cho rằng, lời bài hát trên được chị - tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” đã dạy ông hát từ thuở ông theo mẹ vào chiến khu Đ.

 Bài 3: Hẹn gặp ở Tây Ninh

  KIẾN GIANG - NHÂN QUANG

* Nhật ký Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh

- Bài 1: Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh

- Bài 2: Sống như anh

- Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian

- Bài 4: Nỗi lòng người lính già

- Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất

- Bài cuối: Ai đã gây cảnh đau lòng!

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=400
Quay lên trên