Bài 2: Chị ấy từng dạy tôi học!
Bài 3: Hẹn gặp ở Tây Ninh
Bài 4: Ký ức của một nhà giáo
Bài 5: Các nhà giáo kháng chiến cùng vào cuộc!
Trong lá thư gửi đến Báo Bình Dương, thầy Nguyễn Xuân Đàm đề nghị báo nên thành lập một đoàn cán bộ đi tìm tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” với sự tham gia của ông và các cựu học viên Trường giáo dục Tháng Tám, khóa 2. Trước tấm lòng của thầy, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với các nhà giáo kháng chiến để cùng với họ lên đường đi tìm liệt sĩ. Mặc dù các thầy, cô nay tuổi đã cao nhưng trước một sự kiện “mang nhiều ý nghĩa như thế này” ai ai cũng nhiệt thành ủng hộ…
“Giống cháu tôi quá…!”
...Như bài trước đã đề cập: Trong lúc chúng tôi đang chuẩn bị hành trình mới tiếp tục tìm tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, thì nhận được điện thoại của bà Trần Thị Hữu, nguyên Chánh án TAND tỉnh Sông Bé (cũ) cho biết: “Ảnh cô gái đội mũ tai bèo hình như tôi đã gặp tại một bảo tàng ở phía Nam, trông quen lắm!”. Bà yêu cầu đến nhà để trao đổi kỹ hơn và chúng tôi đã nhanh chóng gặp gỡ người cán bộ lão thành này. Vừa bước vào nhà, bà Hữu đã nói ngay, mà khi nghe những thông tin của bà khiến chúng tôi không thể không nghi ngờ và hồi hộp. Bà nói: “Nó, người trong ảnh đội mũ tai bèo là cháu tôi! Tôi và mẹ của nó là chị em con cô, cậu”. Bà trải lòng: “Mấy hôm nay thấy Báo Bình Dương đang làm một việc rất có ý nghĩa, nhìn hình liệt sĩ đăng trên báo, tôi muốn chia sẻ thông tin nhưng cứ suy nghĩ mãi là có nên không(?). Hôm nay gặp nhà báo, tôi quyết định nói thẳng để cùng sàng lọc và nhận định sự việc, vì người trong ảnh rất giống cháu tôi”! Đến đây thì bà Hữu không còn khẳng định là cháu của mình nữa mà chỉ nói là giống. Những lời này của bà khiến chúng tôi tạm yên lòng; bởi lẽ hơn một tháng qua, chúng tôi đã điều tra kỹ sự việc và xác định: Liệt sĩ - tác giả nhật ký không phải người quê ở Bình Dương. Gặp gỡ các nhà giáo kháng chiến
Bà Hữu kể: Năm 1981, trong một chuyến du lịch bà đã nhìn thấy bức ảnh tại một bảo tàng ở Nam bộ rất giống cháu của mình - tên Nguyễn Thị The, còn có tên khác là Nguyễn Thị Thu, quê Bình Dương; là chiến sĩ quân bưu, nhập ngũ năm 1966 và hy sinh năm 1969. Mấy chục năm qua, bà Hữu có rất ít thông tin về người cháu gái đã hy sinh chưa tìm ra hài cốt; song khi nhìn hình đăng trên báo Bình Dương, bà nhớ lại bức ảnh đã từng gặp ở bảo tàng cách đây 30 năm trước, sao lại quá giống nhau! Hơn nữa, do các bài viết có nói về nhân vật Bảy Sáng - là người phát hiện ra kỷ vật trong nghĩa trang gia tộc và cung cấp cho Báo Bình Dương. Nhân vật Bảy Sáng xem ra có những chi tiết rất trùng khớp với ký ức của bà Hữu. Bà cho biết: “Sau giải phóng, tôi có gặp một đồng đội của cháu tôi kể lại: chị The (hoặc Thu) đã hy sinh tại địa bàn huyện Phú Giáo và được ông Sáng ở xã Phước Sang tổ chức chôn cất”.
Những ký ức năm xưa giờ hiện về, cộng với hình đăng trên báo, sự trùng tên giữa ông Bảy Sáng ở xã Tân Mỹ, Tân Uyên và ông Sáng (đã mất) ở xã Phước Sang, Phú Giáo đã khiến cho bà Hữu thấy người trong ảnh là “rất giống cháu gái” của mình. Thực tế, ông Bảy Sáng ở Tân Uyên không hề chôn cất người nữ liệt sĩ nào trong kháng chiến. Ở đây có chút nhầm lẫn là: bà Hữu tưởng rằng ông Sáng ở Tân Uyên đã chôn cất người cháu mình theo câu chuyện được đồng đội của cháu kể lại. Riêng về nội dung quyển nhật ký, bà Hữu cho rằng “cháu tôi thì không thể viết được như vậy!”.
Như vậy, những thông tin từ bà Hữu là không trùng khớp. Trước hết, năm nhập ngũ và năm hy sinh của cháu bà không trùng khớp với nhân vật mà chúng tôi đang tìm; thậm chí là cách nhau từ 3 - 4 năm. Tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” là một giáo viên kháng chiến, còn liệt sĩ The (Thu) là chiến sĩ quân bưu… và rất nhiều chi tiết khác đều không hợp lý. Chúng tôi tạm gác lại thông tin “Ảnh cô gái đội mũ tai bèo hình như có ở một bảo tàng…”. Bởi nếu chỉ có hình ảnh ở bảo tàng và cho dù đó là ảnh thật mà không có thông tin cá nhân thì cũng chẳng giúp được gì! Chúng tôi đang có trong tay hình ảnh của chị. Vấn đề ở đây là tìm ra nhân thân, gia đình, quê hương của chị. Đọc báo Bình Dương hàng ngày, theo dõi báo đăng nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, bà Hữu xúc động: “Tôi đọc rất nhiều lần. Quả là mỗi người có cách viết khác nhau, nhật ký của chị Trâm, anh Thạc đã hay, nay đọc nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của chị này, tôi thấy càng hay và xúc động quá. Chị ấy đã thể hiện một tinh thần mạnh mẽ của người chiến sĩ cộng sản. Những trang nhật ký, lúc nào chị cũng viết về Đảng với một ý thức trung kiên và phục vụ sự nghiệp cách mạng rất cao cả. Tôi khâm phục và học tập chị ấy nhiều hơn ”… Bà Hữu nói vậy khi tiễn chúng tôi ra về.
Nước mắt đồng đội!
Theo nguyện vọng của thầy giáo Đàm, người chúng tôi tìm gặp đầu tiên là cô Lê Thiên Hương, hiện ở TP.HCM. Thời kháng chiến, cô Hương công tác tại B3 và là học viên Trường Giáo dục Tháng Tám, khóa 2. Sau hòa bình, cô là Vụ trưởng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nay đã nghỉ hưu. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khá đẹp ở khu Phú Mỹ Hưng, ngay từ phút đầu, cô đã không kìm được xúc động. Cô đã khóc khi nhìn thấy bức ảnh người đồng đội, đồng nghiệp của mình đã hy sinh. Với giọng nói nhẹ nhàng, cô cho biết: “Đây đúng là đồng đội của tôi rồi! Lớp học thuộc khóa 2, Trường Giáo dục Tháng Tám năm 1964, tôi nhớ có một số đồng chí quê ở miền Tây như Quang, Triệu… và nhiều đồng chí nữ nữa. Đồng chí Quang, người Cần Thơ rất đẹp trai và đào giếng rất giỏi. Tuy vậy, sau khi lớp học bế giảng chúng tôi bặt tin nhau cho đến bây giờ. Không biết các đồng đội này còn sống hay đã hy sinh trong cuộc chiến rồi. Giọng đầy xúc cảm, bùi ngùi, mắt cô Hương hoen lệ! Từ những thông tin ban đầu của cô, chúng tôi thấy rất khớp với nội dung trong nhật ký. Trong những trang viết, có lần chị đã nhắc tới một người bạn tên Quang ở Cần Thơ. Do thời gian gặp nhau đã quá lâu, hơn nữa trong thời chiến “trên bom dưới đạn”, vừa phải lo chiến đấu, nằm hầm nên mọi người rất ít có thời gian trò chuyện bên nhau, vì thế dù đã rất cố gắng nhưng cô Hương vẫn không nhớ ra được họ tên người đồng đội của mình. Tuy là vậy, bằng sự quan tâm rất đỗi chân thành, cô lên xe cùng đi với chúng tôi tìm đến nhà một người đồng đội khác; khi ấy đã gần 23 giờ đêm! Cô Thiên Hương đang đọc nhật ký của đồng đội
Người tiếp theo mà chúng tôi gặp là bà Nguyễn Phi Vân, ở cách nhà cô Hương khoảng 5km. Cũng như người bạn của mình, vừa mới nhìn qua các bức ảnh, bà Vân đã không giấu được xúc động. Im lặng hồi lâu và dường như thấu hiểu được sự có mặt của chúng tôi, bà Vân lên tiếng ngay: “Tôi đề nghị cô Hương cùng các bạn ở khu vực Nam bộ liên hệ với thầy Đàm tổ chức buổi họp lớp càng nhanh càng tốt. Tôi cho rằng, nếu họp lớp chắc chắn các học viên ngày ấy sẽ nhận ra được người đồng đội trong ảnh”. Ý kiến của bà Vân làm lóe lên tia hy vọng trong chúng tôi, ai cũng biểu lộ sự vui mừng và thầm cảm ơn sự đồng hành chí nghĩa, chí tình của các nhà giáo kháng chiến.
Chia tay các nhà giáo kháng chiến, trên đường về Bình Dương, chúng tôi tranh thủ ghé qua Thủ Đức tìm gặp ông Dương Quốc Đạt, cũng là học viên Trường Giáo dục Tháng Tám để trao đổi thông tin trước về kế hoạch họp lớp của bà Vân đề xuất. Ông Đạt đồng ý ngay. Vậy là, sau gần 1 tháng trên đường đi tìm tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, chúng tôi nay đã thấy những tia sáng ở cuối đường hầm. Trong những ngày này, thật bất ngờ khi có một tin vui nữa đã đến với chúng tôi đó là: Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa một thông tin rất đáng lưu tâm “Có một nhà giáo quê ở miền Tây, tên N.T.T, hy sinh năm 1966 tại chiến trường miền Đông”.
Bài 6: Xuôi về miền Tây
KIẾN GIANG - NHÂN QUANG
Cảm nhận từ nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”: Cuộc đời chị là niềm tự hào, là bài học cho mọi người...
Loạt bài viết Hành trình tìm liệt sĩ: Ai là tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”? đăng trên báo Bình Dương lại tiếp tục nhận được sự quan tâm, ưu ái của độc giả. Xin ghi lại những ý kiến cảm nhận rất đáng trân trọng dưới đây
Cô NGUYỄN THỊ VIỆT NHÂN, cán bộ hưu trí (phường Hiệp Thành, TP.TDM): “Không chỉ là bài học cho giới trẻ!”
Tôi là độc giả trung thành của báo Bình Dương từ lâu nay. Với 2 loạt bài này, tôi ấn tượng ngay từ khi đăng kỳ đầu và bức hình đầu tiên. Đó là hình ảnh vô cùng đẹp đẽ của thế hệ trẻ thời chiến tranh. Từ gương mặt nữ chiến sĩ trẻ trung, xinh xắn và duyên dáng đó luôn ngời sáng một niềm tin vào tương lai, vào hòa bình cho dân tộc.
Tôi càng xúc động hơn khi thấy thủ bút của tác giả cuốn nhật ký. Đó là những dòng chữ nắn nót, được gửi gắm tình yêu, lý tưởng như tất cả bạn bè của tuổi trẻ thế hệ chúng tôi hồi đó. Đó là mỗi người một công việc nhưng luôn ghi nhật ký của bản thân, ghi lại những bài học cách mạng làm... quyển sách gối đầu giường! Ban đầu đọc nội dung trích từ nhật ký, tôi cứ ngỡ cô gái đó là một cán bộ tuyên huấn. Bởi, cách viết của chị rất súc tích, ngắn gọn, sau mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật mà chị kể lại đều có định hướng, có rút ra bài học cho bản thân mình với những lời quyết tâm, tự hứa với mình rất mạnh mẽ. Có thể kể đến như đoạn chị kể về chú Năm, người thầy của chị: “Qua lời kể chú Năm, mình soi rọi bản thân, phải cần học thêm tư tưởng…”. Sau khi có được nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm, chúng ta đã phát động một phong trào học tập tấm gương của chị Trâm thật mạnh mẽ trong lớp trẻ. Theo tôi nghĩ, tất cả những tư liệu quý này, những tình cảm và lý tưởng cách mạng cao đẹp này của các chị không chỉ là bài học cho lớp trẻ mà cho tất cả mọi người. Những người lớn tuổi như chúng tôi chẳng hạn, rất xúc động, tự hào và từ niềm tự hào đó sẽ dạy dỗ con cháu mình biết sống tốt hơn, có lý tưởng và hoài bão trong công việc, cuộc sống...
Tôi đánh giá cao sự nhiệt tình của những cán bộ, những nhà báo cất công thực hiện loạt bài này. Việc tìm ra tác giả cuốn nhật ký, tìm được gia đình chị, vùng đất sinh ra người con anh hùng như chị là một việc làm ý nghĩa, thể hiện lòng tri ân của những người còn sống đối với người hy sinh vì độc lập dân tộc, là tấm lòng của người đi sau với người đi trước đã góp phần gìn giữ non sông, đất nước ta được như ngày hôm nay…
HOÀI HƯƠNG (Biên tập viên website tỉnh Bình Dương): “Thắp lên một ngọn lửa của tuổi trẻ”
Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” lại lần nữa đem đến cho chúng ta nỗi niềm tâm tư của thanh niên Việt Nam - những chiến sĩ cộng sản luôn vững vàng trong chiến đấu. Dù không tránh khỏi những khoảnh khắc của lòng mình: rưng rưng nhớ nhà, vui mừng đón đợi thư, tình cảm với người yêu thương... nhưng những điều đó chỉ như lướt qua, còn lại chị dành hết cho cuộc chiến đấu thiêng liêng của dân tộc, cho trọng trách của một đảng viên. Ở đó có sự tin tưởng cho một ngày mai, sự kiên định trong tư tưởng, bởi con đường đi của cuộc đấu tranh là tất yếu. Giản dị với suy nghĩ “phải cố gắng với bổn phận của mình để xứng đáng là đứa con yêu của ba má, đứa em của các chị, đứa con của cách mạng, của Đảng” với tư tưởng “căm thù - hành động - công tác - học tập tốt”.
Cuốn nhật ký thắp lên trong mỗi người đọc một ngọn lửa của tuổi trẻ, của lòng tự hào. Càng đọc càng gây nên sự cảm động và trân trọng. Từ nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm... rồi đến nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Mình” -tất cả đều đưa đến cho chúng tôi câu hỏi “Mình đã làm được gì”, “Phải làm gì?”. Tôi và đồng nghiệp, luôn nỗ lực trong công việc, trong cuộc sống để cảm thấy mình có ích hơn. Những việc có ích, dù nhỏ cũng có thể góp phần cùng xã hội tiến bộ, phát triển. Cuốn nhật ký của chị là ngọn lửa tiếp tục thắp lên trong lòng người đọc, nhất là thế hệ trẻ chúng tôi phải có trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội, đất nước.
Thông tin tìm ra được tác giả của cuốn nhật ký đã phần nào vơi bớt sự đau đáu của người đọc trước sự hy sinh của chị, cảm giác được an ủi khi cuốn nhật ký không vô danh. Như thế, cuốn nhật ký được chúng ta đón nhận trọn vẹn từ danh tính, con người, tư tưởng mà chị đã thể hiện.
QUỲNH NHƯ (ghi)
* Nhật ký Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh
- Bài 1: Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh- Bài 2: Sống như anh
- Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian
- Bài 4: Nỗi lòng người lính già
- Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất
- Bài cuối: Ai đã gây cảnh đau lòng!