Trong những ngày qua, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã phát huy tốt tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, đâu đâu cũng thấy những hình ảnh chia sẻ những khó khăn với người dân vùng lũ… Nhiều đoàn thiện nguyện, cứu trợ của Bình Dương đã hướng về miền Trung ruột thịt với tinh thần khẩn trương, kịp thời nhằm chia sẻ những khó khăn với đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt.
Một đoàn cứu trợ từ Bình Dương vượt lũ đến trao quà cho người dân của xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
Hướng về miền Trung
Với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” và hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, cán bộ, công chức, viên chức, nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện, người dân Bình Dương đã hỗ trợ, sẻ chia nhằm giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền Trung sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Nhiều đoàn như: Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương, Nhóm Tình thương An Thạnh, Nhóm áo tím Hoa Tình Thương, Nhóm Sen Vàng, Nhóm Sen Hồng Bình Dương… đã đến các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế để trao các phần quà chia sẻ với người dân vùng bị ngập nặng, làm ấm lòng người dân vùng rốn lũ.
Trong những ngày vừa qua, địa phương đã đón nhận những tấm lòng vàng đến chia sẻ với những khó khăn của bà con vùng lũ. Đặc biệt, hôm nay có đoàn đến thăm, tặng quà, chúng tôi hết sức cảm kích và biết ơn. Ở đâu bị ảnh hưởng nặng nhất, đoàn đều đặt chân đến, ân cần thăm hỏi, động viên, tặng quà tận tay từng hộ dân, điều này đã tiếp sức cho người dân Quảng Trị tự đứng lên trong khó nhọc”. (Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị) |
Trong chuyến đi mới đây, các đoàn đã ra Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Khó khăn lắm, họ mới đem được những phần quà trao tận tay người dân nghèo thông qua giới thiệu của lãnh đạo chính quyền địa phương. Anh Lê Văn Thái, đại diện Nhóm Tình thương An Thạnh kể, quãng đường di chuyển để vào vùng rốn lũ thật khó. Ngoài việc đáp máy bay đã khó, trên hành trình cùng đoàn, chúng tôi di chuyển đến Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, nhiều lần xe phải dừng lại chờ lũ rút… “Cảnh tượng biển nước mênh mông trước mặt mọi người càng làm cho chuyến đi trao quà thêm nhiều cảm xúc yêu thương. Trong đoàn ai cũng cố gắng vượt qua mệt mỏi, khó nhọc để đem những phần quà trao tận tay bà con vùng lũ lụt kịp thời, phát huy tốt tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc”, anh Thái chia sẻ.
Suốt một ngày dài rong ruổi, đến xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đoàn chúng tôi lại tiếp nối hành trình đến xã Triệu Thành, rồi Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Mỗi xã cách nhau hàng chục, thậm chí hơn trăm cây số. Đường sá xa xôi, phần vì mưa gió suốt, nước lạnh, phần đi nhiều nên ai cũng thấm mệt. Nhưng khi chứng kiến cảnh bà con chịu cảnh ngập lụt triền miên, nhà cửa, hoa màu nhiều nơi chìm trong biển nước, các thành viên lại ráng sức.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Dù trời mưa nặng hạt nhưng mọi người vẫn tích cực đội mưa, nỗ lực phân phát quà kịp thời trong niềm vui và sự xúc động nghẹn ngào của người dân. Chị Lê Thị Lan, một người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, đã không cầm được nước mắt. Chị xúc động nói: “Mừng quá! Với chừng đây, nhà tôi trang trải tiền mua thức ăn hơn nửa tháng. Tôi chỉ biết cảm ơn đoàn rất nhiều!”.
Tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tuy không còn tận mắt chứng kiến cảnh ngập lụt nhưng nhìn lớp lớp bùn non đọng lại trên đường, trong sân nhà dân và khuôn viên UBND xã cũng phần nào cảm nhận được độ lớn cơn lũ đi qua. Thấu hiểu được nỗi khổ của bà con vùng lũ, dù đường sá lầy lội, rất khó đi nhưng đoàn vẫn cố gắng đến tận UBND xã, ân cần thăm hỏi, động viên và thông qua chính quyền địa phương, trao tận tay từng hộ dân nơi đây mỗi hộ một phần quà 500.000 đồng tiền mặt.
Ông Trần Thế Nhân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, bày tỏ: “Xã trải qua 4 cơn lũ, quá ê chề. Nước xuống rồi lại lên, hoa màu hư hại hết. Người dân không làm gì ra tiền mà tiêu. Thay mặt cấp ủy, chính quyền và bà con, chúng tôi rất biết ơn tấm lòng thiện nguyện của đoàn. Đang trong lúc mưa gió thế này mà các thành viên vẫn đến tận nơi chia sẻ, tặng quà, làm chúng tôi hết sức cảm động!”
Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị, nói: “Trong những ngày vừa qua, địa phương đã đón nhận những tấm lòng vàng đến chia sẻ với những khó khăn của bà con vùng lũ. Đặc biệt, hôm nay có đoàn đến thăm, tặng quà, chúng tôi hết sức cảm kích và biết ơn. Ở đâu bị ảnh hưởng nặng nhất, đoàn đều đặt chân đến, ân cần thăm hỏi, động viên, tặng quà tận tay từng hộ dân, điều này đã tiếp sức cho người dân Quảng Trị tự đứng lên trong khó nhọc”.
“Nặng lòng với Huế”
Rời Quảng Trị, các đoàn lại tiếp tục hành trình cứu trợ và lần lượt đến tận các xã: Phú Hồ, huyện Phú Vang; Hương Thọ, Hương Chữ, Hương Toàn, TX.Hương Trà và Quảng Phước, Quảng An, huyện Quảng Điền. Đây là những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão và các đợt lũ chồng lũ vừa qua tại cố đô Huế. Trong khi ở các xã thuộc địa bàn TX.Hương Trà, nhiều diện tích cây trồng bị gãy, đổ la liệt, nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hỏng nặng do hậu quả cơn bão để lại, kèm theo ngập lụt, thì tại 2 huyện Phú Vang và Quảng Điền, người dân phải “sống chung với lũ”.
Ông Nguyễn Xuân, ngụ xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế kể, Phú Hồ là vùng thấp trũng, người dân sống chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa trong năm. Cuộc sống vốn đã khó khăn, lũ chồng lũ nên lại càng khó khăn hơn. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều thôn trong xã phải đi xuồng mới tiếp cận được. “Thế nhưng, không ngại gian khó, các thành viên trong đoàn đích thân chèo ghe, vượt đồng, sang bên kia bờ để trao quà tận tay cho bà con, thật cảm động!”, ông Nguyễn Xuân chia sẻ.
Trước những nghĩa cử cao đẹp của các đoàn Bình Dương, chính quyền và bà con vùng rốn lũ rất xúc động. Đoàn đã trao tình cảm yêu thương ngọt ngào đến bà con và chính quyền vùng lũ lụt. Nhìn những nụ cười tươi của bà con lúc nhận quà, cả người cho và người nhận đều xúc động! Ông Dương Văn Phú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, cảm động nói: “Nhận được những món quà quý giá như thế này, bà con vui một, chính quyền, đoàn thể chúng tôi vui gấp đôi. Vì nỗi lo thiếu ăn trong dân sẽ vơi đi. Thời gian còn lại có điều kiện để mọi người tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ.”
Kết nối yêu thương
Với hành trình kéo dài 1 tuần, trải qua nhiều hiểm nguy, có lúc tưởng chừng bị mưa bão đe dọa phải bỏ cuộc giữa chừng nhưng rồi, các đoàn cứu trợ của tỉnh đã kịp thời trao quà tận tay người dân vùng lũ. Đằng sau những món quà ẩn chứa tất cả tấm lòng, tình cảm của nhân dân miền Nam vì đồng bào miền Trung ruột thịt; vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái của người Việt Nam.
Những phần quà kịp thời của người dân Bình Dương đã thể hiện ý chí quyết tâm, đồng lòng của toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn để giúp người nghèo và người dân các tỉnh miền Trung sớm vượt qua khó khăn. Miền Trung đang lao đao, cả nước thao thức cùng miền Trung ruột thịt. Miền Trung không cô độc, trong khó khăn, vẫn còn đó hàng triệu tấm lòng người dân cả nước và kiều bào trên khắp năm châu hướng đến. Những phần quà hỗ trợ ban đầu kịp thời có ý nghĩa sâu sắc động viên người dân vùng bị ảnh hưởng lũ lụt vượt qua khó khăn trong những ngày tới…
HỒ VĂN