Đó là chủ đề kịch bản chương trình văn nghệ tuyên truyền của Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng tại hội thi Tuyên truyền lưu động Bình Dương năm 2023. Với sự phối hợp hài hòa các hình thức tuyên truyền, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về phòng, chống bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Đội thi của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng biểu diễn chương trình “Đừng lạc hậu nữa” tại hội thi Tuyên truyền lưu động Bình Dương năm 2023
Lạc hậu với suy nghĩ “Trời sinh voi, sinh cỏ”!
Với suy nghĩ lạc hậu “trời sinh voi, sinh cỏ”, nhân vật người cha trong tiểu phẩm “Đừng lạc hậu nữa” do Phạm Thanh Phong làm tác giả, đạo diễn đã khiến khán giả phẫn nộ vì những hành vi sai trái của mình. Nhà đã có 4 người con gái, nhưng người cha này vẫn muốn sinh thêm một đứa con nữa để có con trai nối dõi.
Không những vậy, anh còn thường xuyên say xỉn, không làm việc, để mặc việc kiếm tiền chăm lo đời sống gia đình cho vợ và các con. Túng quẫn quá nên 2 đứa con của anh phải vừa bán vé số vừa ăn trộm mủ cao su. Những bữa không đủ tiền để mua rượu thì anh lại mắng chửi, đánh đập vợ con. Hậu quả của một lần mạnh tay là người vợ đang mang thai chuyển dạ đau đớn phải nhờ hàng xóm cứu giúp. Do lớn tuổi lại đã sinh nhiều con nên chị phải sinh mổ. Trong khi đó, trong tay người chồng không có đồng tiền nào hết. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, cô Tám hàng xóm đã thường xuyên giúp đỡ và khuyên bảo người chồng về hành vi sai trái của bạo lực gia đình, cần thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tích cực làm việc để cải thiện đời sống.
Theo anh Phạm Thanh Phong, cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng, câu chuyện này tuy không mới nhưng qua đây đội muốn cảnh tỉnh và nâng cao nhận thức của mọi người về phòng, chống bạo lực gia đình. Đâu đó vẫn còn tồn tại những tư tưởng, quan niệm lạc hậu rằng “trời sinh voi, sinh cỏ”. Tư tưởng bất bình đẳng giới đã khiến không ít gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, kiệt quệ.
Nâng cao ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình
Xen kẽ với các phân đoạn của kịch bản là những tiết mục biểu diễn hát múa đặc sắc và những thông tin tuyên truyền đầy bổ ích về công tác xây dựng hạnh phúc gia đình trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Những bài hát quen thuộc về gia đình, như: “Nhà là nơi…”, “Ơi cuộc sống mến thương” cũng đã góp phần khơi dậy trong mỗi người tình yêu thương gia đình, yêu thương cuộc đời và biết sống có ích hơn cho xã hội, cho quê hương, đất nước.
Theo tuyên truyền viên Quốc Huy, trong những năm qua, công tác gia đình huyện Dầu Tiếng có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, có 89 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững ở 89 khu phố, ấp. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai có hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không - 3 sạch”. Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình tại huyện Dầu Tiếng đã có những chuyển biến tích cực.
Hàng năm, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng đã triển khai tốt công tác tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức liên hoan gia đình văn hóa và thể thao tiêu biểu. Huyện Dầu Tiếng cũng đã cử nhiều gia đình tham gia Liên hoan gia đình văn hóa - thể thao tỉnh và đại diện Bình Dương tham gia Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam bộ và đạt nhiều thành tích cao.
THỤC VĂN - TÚ BÌNH