Hấp dẫn thị trường nội địa

Cập nhật: 16-04-2011 | 00:00:00

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu ở Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn. Song nhờ biết quan tâm đến thị trường nội địa nên dần dần thị trường này chính là “hậu phương” vững chắc giúp DN gia tăng nội lực để cạnh tranh tốt hơn ở thị trường xuất khẩu.

Tiềm năng

 Giám đốc DNTN Đại Hồng Phát Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, sản phẩm gốm sứ của đơn vị làm ra chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, Mỹ nhưng chúng tôi vẫn đánh giá cao thị trường nội địa và cho rằng hiện nay thị trường này rất hấp dẫn. Như để minh chứng cho ý kiến này, bà Vân kể: “Trong lần đến với hội chợ Expo dành cho sản phẩm gỗ và thủ công mỹ nghệ tại TP.HCM, Đại Hồng Phát mang đến hội chợ nhiều mặt hàng mà DN xuất khẩu để thử xem sao. Thật bất ngờ, người tiêu dùng trong nước đã đón nhận và tranh mua sản phẩm gốm sứ như bình trà, tách trà, hũ đựng đường... do DN sản xuất. Kết quả mang lại ngoài mong đợi, vừa đạt doanh số bán hàng cao, vừa được người tiêu dùng đón nhận sản phẩm mà trước đó DN chỉ dành cho xuất khẩu”.

Sản phẩm gốm sứ xuất khẩu của DN Bình Dương được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng

Cũng có DN xác định thị trường trong nước ngay từ khi thành lập. Ở lĩnh vực sản xuất gỗ, ông Trần Việt Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Việt Hùng (Bến Cát) kể: “Những năm trước trong lúc nhiều DN tập trung cho xuất khẩu thì ngay tại thị trường nội địa sản phẩm gỗ của nước ngoài lại cứ mở rộng và lấn dần. Cụ thể, mỗi bộ sản phẩm gỗ nhập từ Mỹ, Pháp... có giá 5.000 - 7.000 USD, thậm chí cả chục ngàn USD mà vẫn bán được tại thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy mức độ tiêu dùng của thị trường nội địa là rất tốt. Nếu xét kỹ tại sân nhà, chúng ta có lợi thế hơn các DN nước ngoài do hiểu biết tập quán tiêu dùng. Vì vậy ngay từ khi thành lập năm 2004, Việt Hùng đã xác định và tập trung cho thị trường nội địa. Thông qua việc đầu tư 3 siêu thị tại TX.Thuận An, TX.TDM và Bến Cát, bước đầu đem lại hiệu quả tốt”.

Mở rộng thị trường trong nước

Không chỉ có các DN trên thấy được tầm quan trọng của thị trường nội địa mà nhiều thương hiệu lớn thuộc nhiều lĩnh vực của Bình Dương thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam. Cụ thể như trong lĩnh vực gốm sứ có Công ty TNHH Minh Long I, trong thức uống có Tân Hiệp Phát, trong sản phẩm gỗ có Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), trong nông sản phẩm có Công ty Cổ phần Vinamit... Chính việc xác định tầm quan trọng của thị trường nội địa và có chiến lược điều chỉnh thích hợp trong từng thời điểm nên các thương hiệu này đã tạo nên thành công lớn.

Ở Công ty TNHH Minh Long I,  từ năm 1996 trở về trước có tới 98% sản phẩm của công ty dành cho xuất khẩu và chỉ có 2% cho thị trường trong nước. Tuy nhiên sau năm 1996, tỷ trọng hàng phục vụ nhu cầu nội địa của Minh Long I liên tục tăng nhanh, đến nay chiếm đến khoảng 65% lượng sản phẩm sản xuất của DN. Còn ở TTF, trước đây sản phẩm của công ty chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên trong những năm qua, sản phẩm của TTF đã được người tiêu dùng trong nước quan tâm và doanh số nội địa của công ty liên tục tăng và đạt khoảng trên 600 tỷ đồng hàng năm. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm nội thất thương hiệu Việt, giống như Minh Long I, TTF đã xây dựng nhiều siêu thị tại các tỉnh, thành để nỗ lực duy trì chính sách bán hàng lẻ với giá sỉ nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Theo ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TTF: “Trong chiến lược phát triển thị trường nội địa, TTF tập trung xây dựng hệ thống phân phối vững mạnh trong những năm sắp tới. Cụ thể Trường Thành sẽ tiếp tục tăng số lượng đại lý lên 20 đơn vị tại các tỉnh thành trọng điểm của cả nước và hoàn thiện các chính sách chăm sóc khách hàng cho hệ thống phân phối của mình. Mục tiêu của công ty là chiếm ít nhất 10% thị phần từ sau năm 2012”.

Theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận xét “Bình Dương có rất nhiều DN lớn và đặc biệt nhiều DN có tên tuổi như Minh Long I, Tân Hiệp Phát... có sản phẩm rất nổi tiếng. Trong thời kỳ hội nhập với sự năng động, quyết tâm, sự khéo léo, đặc biệt có lợi thế là hiểu biết về văn hóa, về lịch sử, về truyền thống cũng như là tập quán mua sắm, tiêu dùng của người Việt Nam thì DN Bình Dương chắc chắn khẳng định được mình và chiếm được ưu thế ở thị trường nội địa”.

TRỌNG MINH

* Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam: Thị trường trong nước rất hấp dẫn

Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới hiện nay. Chúng ta có thị trường rộng lớn với số dân hơn 86 triệu dân thì có khoảng 60 triệu người tiêu dùng, trong thời gian tới sẽ còn tăng nữa. Bên cạnh thị trường Việt Nam đang rộng mở, người tiêu dùng Việt Nam còn trẻ, đời sống ngày càng được cải thiện nên xu hướng tiêu dùng tăng nhanh. Trong thời gian vừa qua chúng ta có giảm thiểu một chút do lạm phát nhưng về lâu dài, thị trường Việt Nam vẫn là thị trường nóng bỏng.

* Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Dũng Vũ Thị Ngọc Trinh: Hàng Việt đã được chứng minh

Về góc độ tiêu dùng, để DN đứng được ở thị trường nội địa thì tư tưởng “sính hàng ngoại” cũng cần đả thông. Trong khi hàng Việt Nam đã khẳng định được chất lượng, đẳng cấp ở thị trường quốc tế, cả thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu... Thế nhưng một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng trong nước hiện nay vẫn còn tư tưởng sính hàng ngoại. Không phải cái gì ngoại cũng tốt, cần hiểu hàng ngoại cũng năm bảy đường. Người tiêu dùng nên cân, đo, đong, đếm mà chọn lựa bởi lẽ hàng Việt Nam bây giờ chất lượng đã được chứng minh.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên