Hát để mình hạnh phúc - Truyền được lửa càng hạnh phúc hơn…

Cập nhật: 27-11-2015 | 09:30:00

Có lẽ những cái tên Kim Anh, Thanh Thảo hay Trần Phong không lạ lẫm gì trong giới nghệ sĩ, mộ điệu nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương ở huyện Dầu Tiếng. Đặc biệt, tên tuổi ấy đã gắn liền với nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi, hội diễn ở khắp các tỉnh, thành.

 Nghệ sĩ Thanh Thảo biểu diễn tại Liên hoan đờn ca tài tử ở tỉnh Hậu Giang

Giữ lửa cho niềm đam mê

Nghe có vẻ khá ấn tượng về tên tuổi, nhưng căn nhà của gia đình nghệ sĩ Thanh Thảo khiêm tốn nằm trong con đường nhỏ của thị trấn Dầu Tiếng. Đã qua cái tuổi 50, nhưng mỗi lần được trò chuyện, được là tài tử, cải lương, cô Thảo luôn trở về quá khứ.

Người xưa có câu “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Điều đặc biệt hơn đối với gia tộc cô Thảo, từ đời ông ngoại đến đời chị đều đam mê môn nghệ thuật này. Ngay từ thuở nằm nôi, giọng ru ầu ơ ngọt ngào của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn hai chị em cô. Quê cô ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Lúc học đến lớp 9, vì cuộc sống khó khăn nên cô đã nghỉ học theo mẹ nay đây mai đó với các đoàn nghệ thuật biểu diễn khắp nơi. Ấn tượng sâu sắc nhất đó là 2 chị em Thảo tham gia Đội Tuyên văn của tỉnh Tiền Giang sang tận Campuchia biểu diễn khi Thảo chỉ mới 12 tuổi…

Vì hoàn cảnh, gia đình Thảo quay về với cuộc sống thường ngày làm kinh tế mà không đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Nhưng niềm đam mê ấy vẫn không bao giờ phai nhạt, cô hăng hái tham gia vào phong trào văn nghệ quần chúng. Mảnh đất Dầu Tiếng là nơi cô viết tiếp niềm đam mê của mình. Nhờ sự động viên của mẹ (nghệ danh Kim Anh, 73 tuổi) và anh Hiểu (chồng chị) ủng hộ, nghệ sĩ Thanh Thảo làm cộng tác viên cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tham gia các hội thi, hội diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh và đạt nhiều giải cao, trong đó phải kể đến 2 huy chương bạc cấp Trung ương năm 2002 và 2009, 2 giải nhất cấp tỉnh năm 2005.

Truyền nghề

Nghệ sĩ Thanh Thảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử- cải lương (CLB) huyện Dầu Tiếng tâm sự: “Giữ được nghề là chuyện khó, truyền nghề nhất là truyền cho giới trẻ còn khó hơn…”. Nhưng bằng tình yêu, đam mê, chị không ngừng gìn giữ, phát huy giá trị của môn nghệ thuật này tại địa phương. Đến nay, toàn huyện Dầu Tiếng đã thành lập 9 CLB với trên 200 người tham gia sinh hoạt thường xuyên. Trong đó, có xã thành lập đến 2 CLB như xã Thanh Tuyền, Định An. Trao đổi với chúng tôi, cô Đỗ Thị Kim Phượng, Chủ nhiệm CLB ấp Đường Long (xã Thanh Tuyền) cho biết, niềm đam mê tài tử - cải lương có từ nhỏ và cha cô từng là gạo cội đơn ca tài tử tại địa phương. Anh Nguyễn Thế Phúc, Chủ nhiệm CLB xã Định Hiệp cũng cho biết, hàng tuần vào thứ 3, 5 và 7, các thành viên trong CLB gặp nhau cùng cất tiếng hát thỏa lòng đam mê của mình và đã thu hút đông đảo mọi người yêu thích tài tử - cải lương đến giao lưu… Nghệ sĩ Thanh Thảo còn cho biết thêm: “Ngày nay, một số bạn trẻ vẫn dành tình yêu đối với cổ nhạc đặc biệt là đờn ca tài tử - cải lương. Chúng tôi cố gắng dìu dắt các em tiếp tục nối niềm đam mê ấy cho thế hệ mai sau…”.

Có thể nói, niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương đã giúp các nghệ sĩ tiếp tục truyền cảm hứng đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay. Điều mà nghệ sĩ Thanh Thảo vui hơn cả khi CLB của huyện nhà vừa chính thức ra mắt và vẫn tiếp tục cùng nhau luyện tập để thỏa đam mê và hơn nữa là để lưu mãi giá trị truyền thống của cha ông ta.

 LÊ VÕ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên