“Dầu Tiếng yêu thương”, “Về Dầu Tiếng quê em”, “Tự hào Dầu Tiếng quê ta”, “Dầu Tiếng quê mình ơi”, “Dầu Tiếng vang mãi bài ca”… là những ca khúc vừa đoạt giải trong cuộc thi sáng tác ca khúc về huyện Dầu Tiếng năm 2020. Với những ca từ đẹp, giai điệu hay, các ca khúc đã chuyển tải tình cảm của các nhạc sĩ dành cho huyện nông thôn mới đang từng ngày vươn mình phát triển này.
Tiết mục “Rất xanh màu xanh Dầu Tiếng” của nhạc sĩ Phạm Toán do tốp ca và nhóm múa Ngôi Sao Việt biểu diễn
Tự hào Dầu Tiếng
Có dịp thưởng thức các ca khúc mới về Dầu Tiếng trong lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác ca khúc về huyện Dầu Tiếng năm 2020, chúng tôi như càng hiểu rõ thêm về vùng đất và con người nơi đây. Bằng ngôn ngữ của âm nhạc, các nhạc sĩ đã ghi lại những hồi ức, những dấu ấn, những chiến tích hào hùng của quân và dân Dầu Tiếng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước khi hòa bình. Những công lao to lớn, những thành quả đạt được từ ngày tái lập huyện đến nay cũng được thể hiện rõ trong nhiều ca khúc mới này.
Với sự đầu tư công phu, các ca khúc đã nói lên nhiều cung bậc tình cảm sâu sắc, chân thật và hết sức đa dạng về người dân Dầu Tiếng... Đó là những người nông dân trong những trang trại, đến những công nhân trên các nông trường cao su đầy gió hay trong các khu công nghiệp rộn tiếng máy. Các ca khúc đã mang đến cho người nghe sự phong phú về chất liệu âm nhạc. Nhiều ca khúc vừa đậm chất trữ tình, vừa mang âm hưởng dân gian, lại có nhịp điệu trẻ trung, sôi nổi mang hơi thở của cuộc sống hiện đại qua những góc nhìn đa chiều của các tác giả.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Cẩm Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng, cho biết cuộc thi sáng tác ca khúc về huyện Dầu Tiếng năm 2020 được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa; quảng bá những thương hiệu, địa danh, khu du lịch trên địa bàn huyện, đồng thời giới thiệu đến đông đảo quần chúng những kết quả, những thành tựu đã đạt được sau 20 năm tái lập huyện Dầu Tiếng.
Cuộc thi được phát động từ tháng 3 đến tháng 6-2020, nhưng do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên Ban tổ chức quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31-10-2020. Sau khi kết thúc thời gian phát động, đến ngày 31-10-2020, Ban tổ chức đã nhận được 58 tác phẩm của 35 tác giả chuyên và không chuyên tham gia. Trong đó, có 15 tác giả thuộc Câu lạc bộ sáng tác ca khúc Bình Dương tham gia 28 tác phẩm và 30 tác phẩm còn lại thuộc 20 tác giả đến từ các tỉnh: Đồng Nai, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận... Ngoài ra, còn có 2 tác phẩm tham gia hưởng ứng cuộc thi của nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến và nhạc sĩ Lê Trần Nguyễn.
Hơn cả một cuộc thi
Nhằm thẩm định các tác phẩm một cách công tâm, Ban tổ chức đã tiến hành thành lập Hội đồng Ban giám khảo. Qua 15 ngày thẩm định, hội đồng đã chọn được 12 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Theo nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, hầu hết các tác phẩm tham gia cuộc thi đều mang giá trị nghệ thuật cao, nhiều ca khúc có ca từ đẹp, giai điệu hay, rất đời thực, gần gũi, ca ngợi nhiều địa danh, tiềm năng, thế mạnh ngành nghề trọng điểm, kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nội dung các ca khúc đều tập trung ca ngợi những thành tựu to lớn mà Dầu Tiếng đã đạt được trong thời gian qua, cũng như những cảm nhận rất riêng của các nhạc sĩ về một miền quê năng động, thơ mộng, mến khách.
Ghi nhận những đóng góp của các nhạc sĩ tham gia cuộc thi, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, đã đánh giá cao chất lượng các tác phẩm và bày tỏ mong muốn 12 tác phẩm đạt giải trong cuộc thi này sẽ góp phần không nhỏ cho sự phát triển về lĩnh vực văn hóa của huyện nói riêng và của toàn huyện Dầu Tiếng nói chung trong thời gian tới. Các ca khúc sẽ lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân không chỉ trong huyện Dầu Tiếng, trong tỉnh Bình Dương mà còn giới thiệu đến các tỉnh thành gần xa biết, hiểu rõ hơn về đất và người Dầu Tiếng để từ đó giúp huyện Dầu Tiếng ngày càng phát triển về mọi mặt.
Cuộc thi đã kết thúc và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người tham gia và nhân dân huyện Dầu Tiếng. Cuộc thi đã góp phần cổ vũ động viên nhân dân huyện Dầu Tiếng hăng say lao động, xây dựng quê hương ngày một phát triển, vươn lên tầm cao mới.
Kết quả cuộc thi, tác phẩm “Dầu Tiếng yêu thương” của Nguyễn Phượng và tác phẩm “Về Dầu Tiếng quê em” của Nguyễn Quang Tâm đoạt giải nhì. Giải ba thuộc về tác phẩm “Tự hào Dầu Tiếng quê ta” của Phạm Thanh Phong và tác phẩm “Dầu Tiếng quê mình ơi” của Vũ Trung. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải khuyến khích cho các tác giả có tác phẩm chất lượng cao tại cuộc thi. |
THỤC VĂN