“Hãy đặt niềm tin vào tuổi trẻ”
Chỉ với một cụm từ “hoạt động Đoàn” nhưng khi đi vào thực tiễn thì lại có nhiều trạng thái, sắc màu khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và “lực” của từng tổ chức Đoàn. Hai vấn đề thường gặp nhất của ĐVTN khối cán bộ công chức, viên chức chính là áp lực về thời gian và kinh phí cho hoạt động Đoàn.
Chuyện nhỏ... nhưng không nhỏ
Một lần nữa, 2 vấn đề về “thời gian” và “kinh phí” được cán bộ Đoàn tại các cơ sở và ĐVTN nêu ra trong một buổi tọa đàm gần đây của Đoàn thuộc khối Các cơ quan tỉnh với cấp ủy Đảng. Anh Trịnh Hữu Tình - Bí thư Đoàn cơ sở Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương nêu thực trạng, hầu hết cán bộ Đoàn các cơ quan đều hoạt động kiêm nhiệm nên áp lực của việc phân bố thời gian giữa công tác chuyên môn và hoạt động Đoàn là rất khó khăn. Do đặc thù của công việc, nên hầu hết ĐVTN Đài Phát thanh - Truyền hình đều có thời gian dành cho công tác chuyên môn là khác nhau và áp lực công việc lại chạy theo dòng sự kiện nên thời gian làm việc không dễ sắp xếp, vì thế khó khăn trong công tác tập hợp, tham gia công tác Đoàn của ĐVTN là hẳn nhiên.
ĐVTN mạnh dạn đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác ĐoànTình trạng này cũng bắt gặp ở Chi đoàn Báo Bình Dương. Một ĐVTN là phóng viên thuộc Chi đoàn Báo Bình Dương, cho biết: “Theo sự phân công của Đoàn, tôi tham gia vào đội thi văn nghệ hát các ca khúc cách mạng do Đoàn khối tổ chức. Quả thật, tôi đã phải chịu rất nhiều áp lực của thời gian tham gia phong trào này và công việc chuyên môn. Tôi cũng như những phóng viên khác đều phải nộp bài về tòa soạn đúng theo kế hoạch. Và dù tôi có hoạt động Đoàn đi nữa thì tôi cũng phải bảo đảm lượng bài vở nộp về cơ quan đúng hạn. Tôi đã phải cố gắng gấp đôi để hoàn thành cả hai nhiệm vụ trong cùng một lúc”.
ĐVTN Chi đoàn Thanh tra tỉnh cho biết: “Dù có tham gia bất cứ phong trào gì đi nữa thì công việc chuyên môn cũng phải được thực hiện đầy đủ, nếu không chúng mình sẽ phải bị phê bình như thường. Lúc ấy, chúng mình khó có thể lấy hoạt động Đoàn ra để làm lý do vì bắt buộc người trẻ phải tham gia công tác Đoàn nhưng nhiệm vụ chuyên môn mới là quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị”...
Hoạt động Đoàn, vướng kinh phí
Bí thư Đoàn khối Các cơ quan tỉnh Trần Thị Hồng Hạnh, cho biết: “Nguồn kinh phí dành cho hoạt động Đoàn là rất hạn chế trong điều kiện nhu cầu của ĐVTN về tổ chức sân chơi lành mạnh, vui chơi, bổ ích ngày càng đa dạng, phong phú”. Nếu như công đoàn được trích kinh phí hoạt động, còn tổ chức Đoàn thì không có nguồn kinh phí, ngoại trừ nguồn thu từ Đoàn phí. Theo quy định, đoàn viên có lương thì đóng Đoàn phí là 2.000 đồng/tháng, không lương thì 1.000 đồng/tháng, trong đó 1/3 số tiền phải nộp cho Đoàn cấp trên, chỉ giữ lại 2/3 số kinh phí để hoạt động. Giải pháp hiện nay là hoạt động Đoàn phải xin kinh phí từ cơ quan hoặc phối hợp với công đoàn cơ quan, thế nhưng không phải hoạt động nào cũng được tạo điều kiện cho kinh phí...
Một điều tưởng như nghịch lý là trong khi cấp bộ Đảng cơ quan luôn mong muốn tổ chức Đoàn hoạt động tốt, giữ thành tích cao trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, vì thế lẽ nào Đảng ủy lại không tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ĐVTN hoạt động phong trào, thế nhưng vì sao tổ chức Đoàn vẫn gặp khó khăn, vướng mắc khi tổ chức các hoạt động? Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh Đoàn Hữu Nhơn khẳng định, Đảng ủy luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho ĐVTN hoạt động Đoàn. “Đoàn cần lên kinh phí hoạt động cho Đoàn trong năm để trình duyệt từ đầu năm, để quyết một lần, chứ không nên cứ để tới mới xin thì đôi khi vì bận rộn nhiều công việc chuyên môn cấp bộ Đảng khó quan tâm sâu sát được!”.
Thực tế nếu được duyệt kinh phí tổng thể ngay từ đầu hoặc phối hợp tốt với công đoàn để hoạt động Đoàn thì sẽ khắc phục được những vướng mắc như trên, thế nhưng việc lên kế hoạch hoạt động cho cả năm cũng không phải dễ thực hiện bởi vì còn phụ thuộc vào hoạt động chung của khối, của cụm, rồi của đơn vị, vì thế, hầu như không mấy chi đoàn lên kế hoạch hoạt động được cho cả năm ngay từ đầu năm. Bí thư Chi đoàn HĐND tỉnh Nguyễn Trường Nhật Phượng kỳ vọng: “Dung hòa hoạt động phong trào và hoạt động cơ quan, là một vướng mắc thật sự. Vướng mắc ấy được tháo gỡ hay không, phần lớn là do sự tạo điều kiện của Đảng ủy”. Chị còn mạnh dạn kiến nghị: “Trẻ hóa cán bộ Đoàn vấn đề quan trọng là làm thế nào để người già ủng hộ người trẻ. Trẻ hóa cán bộ không đơn thuần là trẻ hóa tuổi tác mà phải trẻ hóa về tư duy”.
Nếu hoạt động Đoàn xung kích, đảm nhận những phần việc, công trình ích lợi cho cơ quan, đơn vị thì khả năng nhận được sự ủng hộ, đồng tình từ cấp Đảng bộ là đều rất đáng để cho các cơ sở Đoàn suy nghĩ. Đơn cử, ĐVTN Chi đoàn HĐND tỉnh đã mạnh dạn tham mưu và trực tiếp thực hiện trang website bầu cử để phục vụ cho người dân trước, trong và sau bầu cử. Đây là việc làm mang tính thời sự và có ý nghĩa, nên được cấp Đảng động viên. “Hãy đặt niềm tin mạnh mẽ vào chúng tôi để chúng tôi khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình” - Nhật Phượng nói thêm.
NGỌC TRINH