Nhằm tạo sân chơi và định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho các em thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi Bình Dương vừa tổ chức Hội thi “Tiếng hát Sơn Ca”. Qua 2 tháng diễn ra sôi nổi với gần 200 thí sinh tham gia tranh tài, hội thi đã góp phần thu hút sự quan tâm của các bậc cha mẹ về cách dạy con chọn bài hát phù hợp với lứa tuổi.
Hội thi “Tiếng hát Sơn Ca” là một hoạt động truyền thống do Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức, nhằm phát hiện tài năng, những nhân tố xuất sắc góp phần xây dựng và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ Bình Dương. Đây không chỉ là dịp để các em thiếu nhi thể hiện tài năng của mình mà còn là dịp để các bậc cha mẹ nhận ra sự cần thiết khi chọn bài hát phù hợp với lứa tuổi của các em.
Các thí sinh đoạt giải tại hội thi
Các thí sinh được chia thành nhiều bảng thi và thi diễn theo hình thức: Đơn ca và nhóm ca với gần 150 tiết mục. Trải qua nhiều vòng thi (sơ khảo, bán kết 1, bán kết 2), 11 thí sinh thi đơn ca và 4 nhóm ca đã xuất sắc bước tiếp vào vòng chung kết. Tại vòng chung kết, đông đảo khán giả và phụ huynh đã có dịp thưởng thức tài năng ca hát của các thí sinh với nhiều tiết mục được dàn dựng đặc sắc.
Bên cạnh các em vừa hát vừa biểu diễn hồn nhiên rất dễ thương thì vẫn còn nhiều em phải “gồng” người khi dự thi bằng những bài hát dành cho người lớn. Nhìn những gương mặt trong sáng như thiên thần ấy đang nhăn nhó, biểu cảm, hát luyến láy theo từng nốt nhạc lời ca trong bài “Hồ trên núi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, hay “Nỗi buồn mẹ tôi” của Minh Vy, “Đất nước lời ru” của nhạc sĩ Văn Thành Nho… thì hầu hết người xem đều công nhận rằng các em già quá so với tuổi của mình. Thiếu nhi hát bài của người lớn, hát những ca từ của người lớn, bằng cảm xúc của người lớn là việc không thuận với tự nhiên. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức và đời sống tinh thần của các em.
Đại diện cho Ban giám khảo hội thi, nhạc sĩ Trương Quang Lục đã nhận xét: “Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng viết “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Vì thế để cho những “búp trên cành” ấy được sống trọn với lứa tuổi của mình, được tự do hồn nhiên ngây thơ thì cần lắm sự quan tâm của các bậc cha mẹ ngay cả với từng lời ca tiếng hát của các em. Mặt khác, việc cố gắng “gồng” mình hát như thế sẽ dễ làm tổn thương dây thanh đới, gây khản tiếng, mất tiếng của các em”.
Việc tập cho trẻ nghe và hát theo những bài nhạc người lớn đã vô tình làm mất đi vẻ ngây thơ vốn có của trẻ. Trong việc nuôi dạy con cái, vai trò của gia đình rất quan trọng, các bậc cha mẹ cần chú ý quan tâm đến con cái ngay cả những việc nhỏ và đơn giản nhất như lời ca tiếng hát. Thay vào đó, chúng ta hãy để trẻ vui hát ca như chim Sơn Ca với những câu hát dễ thương như: “Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con”; “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm…”.
“Chúng tôi rất vui mừng khi hội thi ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, thu hút gần 200 thí sinh đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia. Sự tham gia nhiệt tình của các thí sinh và những lời khuyên, những ý kiến đóng góp chân thành của ban giám khảo đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả nhí và phụ huynh quan tâm theo dõi”.
(Anh Nguyễn Phan Thái Anh, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh)
MINH HIẾU