HĐND tỉnh - Cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương – Bài 1

Cập nhật: 25-04-2016 | 09:45:48

LTS: Từ số báo hôm nay (25-4), Báo Bình Dương sẽ đăng tải chân dung của những người từng là đại biểu HĐND tỉnh qua các thời kỳ. Họ sẽ chia sẻ những kinh nghiệm hay, những nét nổi bật hoạt động HĐND trong những nhiệm kỳ qua; bên cạnh đó là những mong muốn, gửi gắm niềm tin vào một nhiệm kỳ HĐND mới - nhiệm kỳ 2016-2021.

 

HĐND tỉnh - Cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương – Bài 1

Bài 1: Ông Võ Ký - Hãy tin tưởng những người trẻ

Ông Võ Ký tham gia HĐND tỉnh từ khóa đầu tiên, đồng thời, ông cũng là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa chuyên trách đầu tiên (khóa IV). Dù thời đó, vai trò của HĐND không rõ nét và quyền lực như hiện nay nhưng cũng đã thể hiện được quyền làm chủ của nhân dân.

 Ông Võ Ký sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bình Hòa, một trong những cái nôi của kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, vùng đất này vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng là “Làng kháng chiến kiểu mẫu” của Nam bộ bởi cả làng không ai theo giặc. 15 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng. Ông kể: Sau phong trào học sinh - sinh viên ngày 9-1-1950, tỉnh ta lựa chọn những con em gia đình cách mạng đưa vô chiến khu. Ông nằm trong số đó, bởi trong gia đình ông có nhiều người theo cách mạng. Vào căn cứ, ông được đưa về làm liên lạc cho Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thủ Dầu Một, rồi đến tỉnh Thủ Biên. Nhiệm vụ hàng ngày của ông là chuyển thư từ, công văn đến các cơ quan khác trong tỉnh. Trong những giai đoạn chiến tranh ác liệt, người liên lạc như ông, ngoài cầm công văn, thư từ phải cầm theo vũ khí để chống lại kẻ địch và thú dữ trong rừng.

Hàng ngày, ông Võ Ký vẫn theo dõi tình hình phát triển của tỉnh nhà trên sách, báo

Sau Hiệp định Giơnevơ, tháng 10-1954, ông tập kết ra Bắc. Sau đó được cho đi học trường học sinh miền Nam, rồi trường bổ túc văn hóa Công nông Trung ương. Đến năm 1961, ông được đưa sang Liên Xô học trường Kinh tế- Tài chính Maxcơva. Tháng 11-1965, ông tốt nghiệp và về nhận công tác ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội. Đến năm 1976, ông chuyển công tác về Ủy ban Kế hoạch tỉnh Sông Bé (từ năm 1996, được đổi thành Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh). Ở đây, ông Võ Ký lần lượt giữ các chức vụ Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh Sông Bé. Đến năm 1982, ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé. Đến tháng 11-1994, ông được bầu là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa IV, đây là khóa chuyên trách đầu tiên của HĐND tỉnh.

Ông Võ Ký cho biết, ông tham gia đại biểu HĐND tỉnh ngay từ khóa đầu (ông được bầu bổ sung). Khi ấy, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND chưa rõ nét và chưa thể hiện được quyền lực như hiện nay, nhưng HĐND tỉnh khi ấy cũng đã quyết định nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh để không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương.

Cụ thể, ngày 21-6-1977, tại kỳ họp khóa I, HĐND tỉnh đã thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, chỉ tiêu và biện pháp cụ thể, kế hoạch năm 1977, tìm mọi biện pháp về khôi phục phát triển kinh tế, phát triển y tế - văn hóa - giáo dục để xây dựng tỉnh ta thành một tỉnh công - nông - lâm nghiệp, tiến quân mạnh mẽ vào 3 cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng văn hóa tư tưởng. Trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt như Đại hội lần thứ I Đảng bộ tỉnh Sông Bé đã đề ra.

Từ đó để tỉnh Sông Bé tạo ra một bước phát triển nhảy vọt về lương thực bảo đảm tự túc trong tỉnh và có dư để làm nghĩa vụ cho cả nước, tạo ra bước phát triển mới về sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và bước phát triển cân đối về y tế - văn hóa - giáo dục, xây dựng Sông Bé thành một tỉnh giàu mạnh, nâng cao dần đời sống quần chúng, tiến đến ấm no, hạnh phúc và có văn hóa. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng thảo luận và quyết toán ngân sách năm 1976, xây dựng dự toán ngân sách năm 1977 cho phù hợp với tình hình phát triển và tiềm năng kinh tế của địa phương xây dựng cho tỉnh nhà một ngân sách chủ động, tích cực.

Ông Võ Ký cho biết, giai đoạn đó, bên cạnh những thuận lợi thì tỉnh nhà đứng trước hàng loạt khó khăn, trong đó có hai tồn tại được xem là mấu chốt, đó là cán bộ chính quyền của chúng ta còn bộc lộ những vi phạm quyền làm chủ tập thể nhân dân. Dù ở mức độ khác nhau và từng nơi khác nhau nhưng cán bộ chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa quan tâm lo lắng cho quần chúng, còn vun vén cho mình, cho gia đình bà con mình, nhất là trong việc phân phối hàng hóa. Còn về quần chúng thì tốt nhưng chúng ta chưa đi đúng đường lối quần chúng nên giác ngộ về nghĩa vụ người công dân đối vói chính quyền chưa cao, chưa tốt, là chỗ dựa cho kẻ địch, kẻ xấu xuyên tạc kích động gây hoài nghi giữa quần chúng đối với chính quyền, làm giảm hiệu lực của Nhà nước vô sản liêm chính. Vì vậy người cán bộ phải đi sâu phát động giáo dục quần chúng giác ngộ hơn nữa về nghĩa vụ người công dân trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chính quyền.

Ông Võ Ký chia sẻ, càng về sau, hoạt động của HĐND càng thể hiện tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động. Thể hiện qua việc tổ chức các kỳ họp, chức năng giám sát, tiếp xúc cử tri và thông qua những quyết sách có giá trị cao được nhân dân tín nhiệm.

Một kỳ HĐND tỉnh mới sắp bắt đầu, ông Võ Ký cũng mong muốn nhân dân sẽ lựa chọn những đại biểu xứng đáng để đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt nên ưu tiên cho những người nữ, trẻ, bởi đó là thế hệ kế thừa, xông xáo, không ngại khó, ngại khổ đương đầu với khó khăn, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển đi lên.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=702
Quay lên trên