LTS: Hướng đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Báo Bình Dương xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài tư liệu về những hoạt động cơ bản của HĐND tỉnh Sông Bé - Bình Dương từ khóa I đến nay. Trải qua 8 khóa hoạt động, HĐND tỉnh Sông Bé - Bình Dương đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Bài 1: HĐND tỉnh khóa I (1977-1981): Xây dựng Sông Bé thành tỉnh công - nông - lâm nghiệp
Ngày 15-5-1977, nhân dân tỉnh Sông Bé nô nức đi tham gia cuộc bầu cử HĐND tỉnh. Kết quả của cuộc bầu cử, 71 đại biểu đã được bầu vào HĐND khóa I với số phiếu tập trung cao và số lượng cử tri đi bầu lớn đã thể hiện quyền làm chủ, lòng tin tưởng và sự ủng hộ cũng như quyết tâm xây dựng chính quyền của nhân dân.
Sau cuộc bầu cử của nhân dân trong tỉnh, ngày 21-6-1977, HĐND tỉnh tiến hành kỳ họp lần thứ I. Từ kỳ họp này, HĐND tỉnh thay mặt cho 680.000 nhân dân trong tỉnh xác định thành tích và những tồn tại của tình hình quản lý nhà nước; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - văn hóa năm 1976 và 6 tháng đầu năm 1977 để có những biện pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, trước hết là kế hoạch năm 1977. Trong kỳ họp HĐND tỉnh đã thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, chỉ tiêu và biện pháp cụ thể, kế hoạch năm 1977, tìm mọi biện pháp về khôi phục phát triển kinh tế, phát triển y tế- văn hóa - giáo dục để xây dựng địa phương thành một tỉnh công - nông - lâm nghiệp, tiến quân mạnh mẽ vào 3 cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng văn hóa tư tưởng. Trong đó, cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt như nghị quyết của Đảng đã đề ra; từ đó để tỉnh Sông Bé tạo ra một bước phát triển nhảy vọt về lương thực bảo đảm tự túc trong tỉnh và có dư để làm nghĩa vụ cho cả nước, tạo ra bước phát triển mới về sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và bước phát triển cân đối về y tế - văn hóa - giáo dục; xây dựng Sông Bé thành một tỉnh giàu mạnh, nâng cao dần đời sống quần chúng nhân dân, tiến đến ấm no, hạnh phúc và có văn hóa.
Một số tài liệu quan trọng của kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Sông Bé khóa I. Ảnh: THU THẢO
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng thảo luận và quyết toán ngân sách năm 1976, xây dựng dự toán ngân sách năm 1977 cho phù hợp với tình hình phát triển và tiềm năng kinh tế của địa phương xây dựng cho tỉnh nhà một nguồn ngân sách chủ động, tích cực. Cụ thể, kỳ họp xác định bên cạnh những thuận lợi, tỉnh đang đứng trước hàng loạt khó khăn, trong đó có hai tồn tại được xem là mấu chốt: Đó là một số cán bộ chính quyền còn bộc lộ những vi phạm quyền làm chủ tập thể nhân dân. Dù ở mức độ khác nhau và từng nơi khác nhau nhưng một số cán bộ chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa quan tâm lo lắng cho quần chúng, còn vun vén cá nhân, đặc biệt là trong việc phân phối hàng hóa. Còn về quần chúng thì tốt nhưng chúng ta chưa đi đúng đường lối quần chúng nên giác ngộ về nghĩa vụ người công dân đối với chính quyền chưa cao, chưa tốt… Vì vậy, người cán bộ sẽ phải đi sâu phát động, giáo dục quần chúng giác ngộ hơn nữa về nghĩa vụ người công dân trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chính quyền.
Ngay trong kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của sản xuất lương thực. Sông Bé là vùng thiếu lương thực, vì vậy trong nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là cần dấy lên phong trào sôi nổi thi đua lao động sản xuất lương thực với quyết tâm tự túc hoàn thành và điều hòa cân đối chung cho cả tỉnh để mùa sau vươn lên thực hiện góp phần cung cấp lương thực cho cả nước. Trước mắt, ở vùng phía Bắc phải nhanh chóng hoàn thành tỉa vụ lúa rẫy đạt diện tích; triển khai tỉa bắp, trồng mì. Các huyện phía Nam nhanh chóng hoàn thành các công trình tưới tiêu thủy nông, chăm sóc lúa hè thu và chuẩn bị vụ lúa mùa. Song song đó, cần chuẩn bị trồng mì ngắn ngày trên các vùng đất đồi và các loại hoa màu khác. Mặt khác, cần khẩn trương đẩy mạnh việc sản xuất thủ công nghiệp, trước mắt là đồ gốm sứ bảo đảm kế hoạch đề ra; cải tiến khâu lưu thông phân phối, nhất là phân phối cho công bằng hợp lý, đúng đối tượng đến tay người tiêu dùng.
Cũng trong kỳ họp thứ I, HĐND tỉnh đã bầu ra UBND tỉnh để lãnh đạo toàn bộ hoạt động kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, quản lý lãnh thổ theo quy định của Chính phủ và theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng bầu ra Ủy ban Thẩm phán để theo dõi và thi hành pháp luật tại địa phương. HĐND tỉnh khóa I trải qua 10 kỳ họp, đã thông qua được nhiều chính sách quan trọng để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, hoàn thành nhiệm vụ trọng đại trước nhân dân. (Còn tiếp)
THU THẢO (thực hiện)