Thời gian gần đây, nổi lên tình trạng một số người có hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng. Chỉ vì ham lợi trước mắt mà một số người đã bị các đối tượng dụ dỗ để thu mua tài khoản ngân hàng nhằm mục đích thực hiện hành vi phạm tội. Theo cơ quan chức năng, việc mua bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu và là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.
Cơ quan công an làm việc với một đối tượng mua tài khoản ngân hàng để sử dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tình trạng cá nhân mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng còn diễn biến phức tạp. Một số người dân không ý thức được việc làm này là hành vi nguy hiểm, đã gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật. Các đối tượng thường lợi dụng vào tâm lý hám lợi của bị hại, tập trung vào các vùng nông thôn, khu vực có đông công nhân lao động để dụ dỗ mua bán, cầm cố tài khoản ngân hàng.
Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, bên cạnh thủ đoạn mua trực tiếp từ các khoản ngân hàng có sẵn, các đối tượng còn dẫn dụ người dân mở tài khoản thanh toán để bán, cho thuê, cho mượn hoặc sử dụng thông tin của người dân cung cấp để mở tài khoản nặc danh, mạo danh. Điều này không chỉ gây mất an ninh, an toàn đối với hoạt động thanh toán, hoạt động ngân hàng, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Lê Ngọc Phương Mai, Phó Giám đốc Ngân hàng ACB - Chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị thường xuyên cập nhật và đối chiếu dữ liệu thông tin khách hàng trên hệ thống của ngân hàng từ đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn các giao dịch liên quan tới các tài khoản không chính chủ. Qua đó, giúp bảo vệ tài sản và giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng.
Việc mua bán tài khoản ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà hậu quả là do chủ tài khoản gánh chịu, như bị dư nợ trong tài khoản ngân hàng mà không rõ nguyên nhân. Do đó, để tránh những hệ lụy phát sinh cho bản thân, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình, không chia sẻ hoặc cung cấp thông tin cho bất kỳ cho tổ chức cá nhân nào mà mình không quen biết. Cơ quan công an khuyến cáo, khi bị mất các giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng hoặc ngân hàng hỗ trợ. Khi phát hiện có đối tượng chào mời mua bán tài khoản ngân hàng thì nhanh chóng tố giác với cơ quan công an để có biện pháp xử lý, ngăn chặn.
Theo quy định tại Nghị định 143/2021/NĐCP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ- CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua bán, thông tin tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền từ 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán từ 10 tài khoản trở lên... Thậm chí tùy mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội danh tại Điều 291 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. |
NGỌC HÀ