Hệ thống ngân hàng “phủ sóng” về nông thôn

Cập nhật: 18-09-2020 | 07:20:46

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng tín dụng với các đơn vị, địa bàn đang hoạt động, việc đẩy mạnh tiếp cận, khai thác các thị trường mới, vùng xa, vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh là bước đi cần thiết nhằm thu hút vốn đầu tư, đáp ứng cho sản xuất, thương mại và hạn chế tín dụng đen trên địa bàn.

 Hệ thống ngân hàng tăng cường “phủ sóng” vùng nông thôn, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Sacombank Bắc Tân Uyên

 Lợi thế tiên phong

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương, thời gian qua, việc phát triển hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được mở rộng. Các NHTM như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngoại thương (Vietcombank), Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank); Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)… đã tăng cường sự hiện diện của mình về các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh như Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng… Người dân ở những địa bàn này được trải nghiệm cách thức quản trị tài chính mới, sử dụng dịch vụ ngân hàng cho các nhu cầu.

Năm 2017, Phòng giao dịch (PGD) Sacombank Bắc Tân Uyên có mặt tại một vùng quê xa xôi, thưa thớt dân được đánh giá là một quyết định khá mạo hiểm tại thời điểm đó, nhưng cũng mang ý nghĩa bước ngoặt trong định hướng của Sacombank. Với lợi thế tiên phong, Sacombank đã tận dụng cơ hội để kết nối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân để cung cấp và phổ biến các dịch vụ tài chính cho người dân như chuyển lương qua tài khoản, thu hộ tiền điện, cho vay doanh nghiệp, cá nhân, chuyển tiền trong và ngoài nước… Sau gần 3 năm hoạt động, đến nay tỷ lệ người dân đến giao dịch tại Sacombank Bắc Tân Uyên tăng cao, doanh số cho vay đạt 200 tỷ đồng, huy động tiết kiệm đạt gần 400 tỷ đồng. Cùng với đó là dịch vụ thẻ, chuyển tiền cũng tăng với tỷ lệ 2 con số. PGD đạt danh hiệu xuất sắc trong khối PGD Sacombank.

“Chúng tôi hết sức bất ngờ và phấn khởi với con số tăng trưởng này. Việc tiên phong đặt PGD tại Bắc Tân Uyên, các địa bàn khác thuộc phía Bắc của tỉnh là một quyết định đúng đắn. Không chỉ cho thấy tiềm năng phát triển của ngân hàng trong vòng 3 - 5 năm tới, mà còn phục vụ cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Phạm Thanh Kỳ, Giám đốc Sacombank - Chi nhánh Bình Dương đánh giá.

Không chỉ có Sacombank, một số NHTM như BIDV, Vietcombank, MB... cũng mạnh dạn phát triển mới PGD tại các địa phương như Bàu Bàng, Tân Uyên, Phú Giáo. Các đơn vị luôn có bước phát triển tốt cả về quy mô tăng trưởng doanh số cho vay, huy động và các dịch vụ ngân hàng khác. Bên cạnh đó, nhờ giao dịch nhanh chóng, thủ tục đơn giản đã giúp cho ngân hàng tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều phân khúc khách hàng ở khu vực nông thôn, mang lại lợi thế bán lẻ rất lớn trong mục tiêu kinh doanh.

Tiếp tục mở rộng

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, 5 năm trở lại đây các ngân hàng đã lưu ý tập trung hướng mở rộng mạng lưới nông thôn nhằm đáp ứng chủ trương nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng và khả năng tiếp cận của người dân vùng nông thôn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 181 PGD và 59 đầu mối chi nhánh NHTM. Nhìn chung, các ngân hàng đã phủ rộng mạng lưới đến 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, nhìn từ thực tế sự hiện diện của các PGD vẫn chưa đồng đều, sự tập trung của mạng lưới ngân hàng tại khu vực đông dân cư khá dày đặc. Trong khi đó, ở rất nhiều khu vực khác người dân phải vượt vài chục km để đến được với ngân hàng. Chị Vũ Thị Kim Trang, ở ấp Dòng Sỏi, xã An Tây, TX.Bến Cát, cho biết từ trước đến nay xã An Tây vẫn thiếu bóng dáng của ngân hàng, việc gửi tiền nhàn rỗi, vay vốn chưa thuận tiện. “Vì vậy, người dân chúng tôi rất mong được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng tại địa bàn một cách sớm nhất”, chị Vũ Thị Kim Trang nói. Ông Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch UBND xã An Tây, cho biết: “Địa phương chào đón ngân hàng về khai thác cơ hội kinh doanh, kịp thời đáp ứng vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân vay vốn, hạn chế tín dụng đen, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn”.

Được biết, NHNN - Chi nhánh Bình Dương đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho BIDV - Chi nhánh Mỹ Phước và Vietcombank - Chi nhánh Bắc Bình Dương thành lập PGD tại xã An Tây. Trong thời gian tới, khách hàng ở một số địa bàn sẽ được tiếp cận với các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng một cách nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện nhất.

 Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, mạng lưới ngân hàng không chỉ là điểm mạnh về hạ tầng trong thu hút đầu tư, mà còn giúp địa phương nhanh chóng tiến tới mục tiêu không dùng tiền mặt. Không những vậy, sự xuất hiện thêm các PGD ngân hàng và quỹ tín dụng sẽ góp phần hạn chế tích cực tín dụng đen trên địa bàn.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3099
Quay lên trên