Hệ thống ngân hàng thương mại: Đẩy mạnh tín dụng xanh, đóng góp phát triển bền vững

Cập nhật: 27-05-2021 | 08:59:36

Tín dụng xanh (Green Credit- TDX) là nghiệp vụ cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất, kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung. Tại Bình Dương, TDX cũng là định hướng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong những năm vừa qua. Hệ thống NHTM trên địa bàn đang tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường để thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng này.


Hệ thống NHTM trên địa bàn tỉnh tích cực hướng dòng tín dụng vào các dự án xanh. Trong ảnh: Tư vấn doanh nghiệp vay vốn tại BIDV Bình Dương

 Xu hướng tất yếu

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương, cho biết xu hướng tăng trưởng TDX đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu kép là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Với người dân và các tổ chức DN, TDX là giải pháp quan trọng, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống và quy trình sản xuất đến môi trường và xã hội, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. Về phía NHTM, việc triển khai chương trình TDX giúp giảm thiểu các khoản nợ khó đòi, tăng cường mức độ ổn định tài chính và bảo vệ hình ảnh thương hiệu trên thị trường.

Một trong những vấn đề lớn đối với Việt Nam đó là môi trường đang chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường… Đứng trước thách thức đó, cùng với các bộ, ngành khác trong cả nước, TDX là định hướng mà NHNN đã đặt ra cho các NHTM nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. NHNN cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các NHTM phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, 100% các NHTM cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng.

Tăng dòng vốn vào TDX

Sự tăng trưởng kinh tế của Bình Dương góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của đời sống xã hội, nhưng kéo theo đó là những tác động kém tích cực đến môi trường. Khi đó, vai trò của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là hệ thống NHTM được đánh giá cao với xu hướng TDX. Trên địa bàn có những điển hình NHTM chú ý phát triển TDX như Ngoại Thương (Vietcombank), Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Tiên Phong TPbank)…

Hệ thống Vietcombank trên địa bàn tỉnh đang thực hiện cho vay TDX với dư nợ gần 840 tỷ đồng và 39 dự án. Đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong cấp tín dụng là mục tiêu bắt buộc được Vietcombank quy định, từ đó giúp giảm thiểu được nhiều rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng. Tương tự, hệ thống NHTM Agribank Bình Dương cũng có 3 dự án TDX với dư nợ gần 175 tỷ đồng. Agribank có văn bản nội bộ quy định cụ thể về cho vay TDX nhằm thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án TDX trước khi phê duyệt cấp tín dụng đối với khách hàng. Các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được Agribank phân tích, đánh giá cụ thể, bảo đảm phù hợp theo quy định, hướng dẫn. Ngoài ra, định kỳ, Agribank cũng thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay kết hợp đánh giá rủi ro môi trường mà dự án đang thực hiện để có những rà soát, giám sát kịp thời.

Để có được kết quả này, theo ông Võ Đình Phong, thời gian qua NHNN luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường bao gồm lĩnh vực nông nghiệp xanh, quản lý nước bền vững, lâm nghiệp bền vững, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Với những hoạt động tích cực, lĩnh vực TDX của các NHTM trên địa bàn tỉnh đang chuyển hướng rõ rệt. “Với mạng lưới gồm 79 chi nhánh NHTM, 181 phòng giao dịch, có thể nói hệ thống ngân hàng đóng một vai trò quyết định trong việc thúc đẩy những khoản đầu tư hướng tới phát triển môi trường bền vững và trách nhiệm cộng đồng. Khi dòng vốn ngân hàng đang chảy ngày càng mạnh vào các dự án xanh, TDX sẽ chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong cơ cấu tín dụng của các tổ chức tín dụng”, ông Võ Đình Phong phân tích.

Trong quý I-2021, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 1.443 tỷ đồng, giảm 5,78% so với năm 2020 (ảnh hưởng Covid-19), tăng 69,55% so với năm 2019. Trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 62%. Hiện dư nợ TDX được tập trung vào lĩnh vực quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn, chiếm 60% tổng dư nợ TDX. Số lượng dự án của TDX được cấp năm 2016 là 10 dự án, đến năm 2020 là 102 dự án.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=749
Quay lên trên