Hệ thống ngân hàng tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế

Cập nhật: 19-01-2021 | 07:55:25

Trong khi người gửi tiết kiệm luôn mong lãi suất huy động tăng thì ngược lại doanh nghiệp (DN), khách hàng cá nhân luôn kỳ vọng lãi suất cho vay giảm. Đâu là mức tăng, giảm giữa đầu vào và đầu ra lãi suất trong năm 2021?

 Hệ thống ngân hàng đang nỗ lực giảm thêm lãi vay để hỗ trợ khách hàng

 Lãi suất tiết kiệm chựng lại

Có khoản tiền 500 triệu đồng gửi tiết kiệm đến hạn tất toán, chị Lê Thị Huỳnh, ngụ phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một băn khoăn không biết nên tiếp tục gửi vào ngân hàng hay tìm kênh đầu tư khác. “Thấy lãi suất giảm nhiều so với đầu năm ngoái, tôi dự định rút tiền, chuyển sang hùn hạp kinh doanh nhưng thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng chưa ổn nên còn đang ngần ngại”, chị Huỳnh nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ cuối năm 2020 đến nay, làn sóng hạ lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chựng lại. Tuy có một vài NHTM đã điều chỉnh lãi suất huy động nhích nhẹ lên hơn so với tháng trước, nhưng nhìn chung không nhiều. Tại NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), biểu lãi suất tiền gửi mới nhất áp dụng từ đầu năm 2021 niêm yết ở mức tăng 0,1 đến 0,5% so với biểu lãi suất trước đó, cả ở kỳ hạn ngắn và dài. Trong đó, kỳ hạn 12 đến 23 tháng, lãi suất cao nhất đã tăng từ 4,2%/năm lên 4,5%/năm. Còn đối với các ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank tiếp tục duy trì lãi suất kỳ hạn 1,2 và 24 tháng ở mức 5,6%/năm…

Lãi vay liệu có giảm thêm?

Trong thực tế, khách hàng khi có nhu cầu vay vốn thì luôn mong muốn tìm được một nơi cho vay với lãi suất thấp nhất. Trong khi người gửi luôn muốn hưởng lãi từ tiền nhàn rỗi cao, đây là một yêu cầu bình thường trong kinh tế. Vậy các NHTM làm gì để cân bằng giữa hai nhu cầu này. Ghi nhận thực tế diễn biến thị trường tiền tệ cho thấy, lãi suất huy động đã về đáy trong nhiều năm qua và khó có thể giảm thêm.

Với tình hình hiện nay phải đặt bài toán này so với lạm phát. Năm 2020 chỉ số CPI giữ bình quân 3,23%, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ. Trong khi đó, từ nhận định của các chuyên gia kinh tế, các kịch bản của năm 2021 có thể tác động lên CPI bình quân được dự báo ở mức 4 đến 4,5%/năm. Tuy vậy, thị trường vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục đi xuống để hỗ trợ người vay. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2020, triển vọng 2021 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố gần đây, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - trưởng BIDV nhận định trong năm 2021 lãi suất huy động sẽ chịu nhiều áp lực tăng khi nhu cầu tín dụng phục hồi, áp lực lạm phát cũng cao hơn, đòi hỏi cơ quan quản lý rất lưu ý vấn đề này.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Bình Dương, năm 2020 dù lãi suất huy động giảm nhưng dòng tiền vẫn chạy vào ngân hàng với tổng mức huy động trên địa bàn tỉnh ước tăng 11,5% so với năm 2019. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 nên người dân, DN còn e ngại đổ vốn vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các DN vừa và nhỏ, năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất, kinh doanh nhiều hơn, sẽ khiến lãi suất huy động khó giảm thêm. “Vì vậy, các ngân hàng nên giảm thêm lãi vay để khuyến khích khách hàng vay vốn, thúc đẩy dòng vốn vào đầu tư kinh doanh nhiều hơn”, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long, nêu ý kiến.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - chi nhánh Bình Dương, dự đoán mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay có thể giảm nhẹ nhờ lãi suất huy động đang giữ mức ổn định ở mức thấp, qua đó tạo tiền đề kéo lãi vay giảm, nhất là ở các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Lãi suất cho vay được dự báo giảm từ 0,3 - 0,5%/ năm do độ trễ giữa lãi suất huy động và cho vay cần ít nhất 6 tháng, thậm chí dài hơn trong bối cảnh NHTM ưu tiên chất lượng tín dụng.

Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank-chi nhánh Bình Dương, cho rằng kinh tế phục hồi nhanh sau dịch bệnh Covid-19 và vắc xin điều trị bệnh đang có tín hiệu khả quan khiến thị trường khởi sắc, nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao hơn năm 2020. Từ đó, có thể kéo lãi suất huy động tăng do ngân hàng hút vốn. Ở chiều ngược lại, dòng tiền vẫn đang đổ vào hệ thống ngân hàng, thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào. Tại Vietcombank Bình Dương, trong năm 2020 tổng huy động vốn toàn bộ hệ thống tại địa bàn tỉnh tăng 14%, điều này giúp ổn định lãi suất huy động. Cũng theo ông Nguyễn Thái Minh Quang, hiện mục tiêu giảm lãi vay vẫn được hệ thống Vietcombank duy trì nhằm góp phần kéo chi phí tài chính của DN trong nước xuống thấp hơn. Do đó mặt bằng lãi suất cho vay sẽ ổn định với mức thấp trong năm 2021 để tăng cường cho vay DN sản xuất, kinh doanh.

Hiện 5 lĩnh vực cho vay ưu tiên đang được Vietcombank áp dụng mức 4,5%/năm; cho vay ưu đãi ngắn hạn 6,5%/ năm đối với DN. Đối với cho vay nhóm khách hàng cá nhân trong lĩnh vực nông thôn chỉ từ 4,5%/năm và tối đa 10%/năm. Vietcombank đang tiến tới đẩy mạnh tiết giảm hơn các chi phí, đẩy mạnh đầu tư các gói ưu đãi cho vay nhằm giảm thêm lãi vay, phục vụ tối đa nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội tinh nhà.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=355
Quay lên trên