“Chúng tôi mong muốn sau quá trình học tập, lao động, rèn luyện tích cực sẽ có thêm cơ hội được bước qua cánh cửa đưa mình đến với cuộc sống, tiếp tục đi trên con đường đang trải rộng trước mắt mình…”. Đó là phát biểu của một nữ phạm nhân tại buổi giao lưu được tổ chức tại Trại giam An Phước (Cục C10, Bộ Công an đóng tại huyện Phú Giáo, Bình Dương). Ở đó, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực của các phạm nhân mong sớm có ngày trở về làm lại cuộc đời…
Phạm nhân nữ tham gia buổi nói chuyện chuyên đề “Không bao giờ từ bỏ”
“Không bỏ cuộc”
Buổi giao lưu ấy do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp thực hiện với chủ đề “Không bao giờ từ bỏ” do Thạc sĩ Hà Trung Thành, giảng viên chính Học viện Cán bộ TP.Hồ Chí Minh trao đổi, chia sẻ kiến thức cho hơn 400 nữ phạm nhân. Nhiều nội dung sâu sắc về tư duy thay đổi cuộc đời, tích cực lao động, học tập và rèn luyện, cải tạo tốt, sớm trở về gia đình và tái hòa nhập cộng đồng đã được nêu ra.
Tại buổi giao lưu, những nữ phạm nhân cùng nhau hát và giao lưu với khách mời. Họ hứa sẽ không bỏ cuộc, không từ bỏ bản tính thiện lương của mình để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Những buổi sinh hoạt chuyên đề như thế này cũng thường được tổ chức tại đây để giúp phạm nhân thức tỉnh, tìm lại chính mình và càng mong muốn hơn ngày được trở về.
Phát biểu tại buổi giao lưu, nữ phạm nhân H.N.Q.T. đang chấp hành án tại Phân trại số 1 cho rằng: “Đây là động lực để chúng tôi phấn đấu, tìm lại giá trị của chính mình, tìm được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Chúng tôi mong muốn sau quá trình học tập, lao động, rèn luyện tích cực sẽ có thêm một cơ hội được bước qua cánh cửa đưa mình đến với cuộc sống, tiếp tục đi trên con đường đang trải rộng trước mắt mình…”.
Thượng tá Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám thị Trại giam An Phước, nói: “Tùy theo mức độ phạm tội và thái độ học tập, cải tạo của nữ phạm nhân mà chúng tôi sẽ giáo dục, tổ chức cho lao động, học nghề để sau này tái hòa nhập cộng đồng họ không bỡ ngỡ hay trở lại con đường cũ. Những buổi giao lưu, hỗ trợ như thế này rất ý nghĩa với phạm nhân. Tôi cũng đánh giá rất cao việc Hội LHPN tỉnh kết hợp với lãnh đạo trại giam, đón nữ phạm nhân trở về, giao cho các cơ sở hội nơi phạm nhân cư trú để giúp đỡ họ trong cuộc sống, tránh những mặc cảm, tổn thương sau khi họ đã thi hành án xong”.
Mong sớm trở về với vòng tay yêu thương
Nói về việc giúp đỡ phạm nhân nữ, Trung tá Đặng Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại giam An Phước, cho biết tổng số nữ cán bộ, hội viên của trại hiện nay là 64 chị, được chia thành 3 chi hội. Hội Phụ nữ Trại giam An Phước là hội phụ nữ 2 cấp, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy lãnh đạo đơn vị và Hội Phụ nữ Cục C10 Bộ Công an. Hội viên làm công tác chuyên môn được bố trí ở tất cả các lĩnh vực công tác như quản giáo, giáo dục, trực trại, trinh sát, bảo vệ, y tế, hậu cần, tham mưu. Hội viên là công nhân viên được bố trí làm công tác cấp dưỡng và cô nuôi dạy trẻ.
Các chi hội tham gia với nhiều phần việc cụ thể để giúp nữ phạm nhân, các cháu là con phạm nhân theo mẹ vào trại. Cán bộ, hội viên còn quyên góp tiền để mua sữa, bánh kẹo... cho các bé, cùng tham gia chương trình “Bếp ăn tập thể sạch sẽ - phục vụ tận tình chu đáo - bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”. Hội viên làm công tác cấp dưỡng phải bảo đảm quy trình chế biến thức ăn luôn bảo đảm hợp vệ sinh... Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Trại giam An Phước còn kết hợp với Đội Giáo dục - Hồ sơ, Ban Chỉ huy Phân trại số 1 tổ chức tặng quà cho 457 phạm nhân nữ nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, tặng quà cho 3 cháu là con phạm nhân trên 3 tuổi đang nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương...
Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết rất tâm huyết với chương trình đón và giúp đỡ nữ phạm nhân trở về. Theo bà Nga, các cơ sở hội phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chị như thế nào sau khi thi hành án để giúp đỡ họ như dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay. Hội LHPN tỉnh kết hợp với Hội Nữ doanh nhân và nhiều doanh nghiệp khác cũng có thể giới thiệu việc làm cho nữ phạm nhân trẻ tuổi. Những nữ phạm nhân lớn tuổi khi trở về họ còn gia đình hay không, họ sẽ sống như thế nào chúng ta cũng phải tính tới.
Toàn tỉnh hiện có hơn 500 chi hội phụ nữ, trong đó có hơn 800 chi hội nhà trọ, 79 chi hội ngoài Nhà nước, hơn 3.000 tổ phụ nữ sẽ là mái nhà chung, là cánh tay yêu thương để đón các nữ phạm nhân sau khi mãn hạn tù. “Tôi tin với tấm lòng yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ mà chúng ta dành cho nhau, các chị sẽ được giúp đỡ tận tình trong ngày trở về...”, bà Nga cho biết.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Trại giam An Phước, đoàn công tác đã trao 200 phần quà đến 200 phạm nhân; hỗ trợ 100 phạm nhân nữ với tổng trị giá 50 triệu đồng, trao 1 phần quà trị giá 2 triệu đồng cho phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, không liên lạc được với gia đình; trao 8 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng cùng 40 triệu đồng tiền mặt cho 8 trẻ là con của phạm nhân theo mẹ vào trại… |
QUỲNH NHƯ