Hình thức táng tục của cư dân Bình Dương xưa

Cập nhật: 30-05-2014 | 00:00:00

Ông bà ta thường nói “sống cái nhà, thác cái mồ”. Lần theo dấu tích lịch sử, trong nghiên cứu khảo cổ học thì cách nay hàng ngàn năm người Việt cổ cũng rất quan tâm đến cõi vĩnh hằng. Những cộng đồng cư dân từng tồn tại ở nước ta thời tiền sử về thế giới bên kia, được tìm thấy vô cùng phong phú.

Theo các chuyên gia khảo cổ học, tục chôn cất người chết ngày xưa rất đa dạng và phong phú. Cư dân thời tiền sử cho rằng cái chết chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này, mở ra cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Sang bên đó, họ vẫn tiếp tục lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Vì thế, khi chôn cất người chết, họ chôn theo rất nhiều đồ thường là những đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày… để về thế giới bên kia người thân của họ có đồ vật để dùng.

Cho đến nay, tỉnh Bình Dương đã phát hiện, thám sát và khai quật 9 di tích khảo cổ trong đó có 3 di tích vừa là di tích cư trú vừa là di tích mộ táng, gồm: Di tích Cù lao Rùa (có niên đại 3.000 đến 3.500 cách ngày nay), di tích Dốc Chùa (có niên đại 2.500 đến 3.000 cách ngày nay) và di tích Phú Chánh (có niên đại 1.800 đến 2.000 năm cách ngày nay).

Quang cảnh khai quật di tích khảo cổ Cù lao Rùa, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên

Cù lao Rùa, Dốc Chùa, Phú Chánh là những di tích khảo cổ có vị trí rất quan trọng trong tiến trình nghiên cứu lịch sử thời tiền - sơ sử ở Bình Dương. Mộ táng phát hiện được ở di tích Cù lao Rùa có niên đại sớm không chỉ trên địa bàn tỉnh Bình Dương mà cả khu vực Nam bộ. Trong cuộc khai quật năm 2003 đã phát hiện được 12 ngôi mộ huyệt đất. Các ngôi mộ được sắp xếp có chủ ý với cấu trúc xen cài trong các hốc đá ong của di tích và rải gốm trên bề mặt. Hiện vật chôn theo gồm những công cụ sản xuất bằng đá, các nồi, vò và bát bồng gốm. Hiện vật trong các mộ không có sự chênh nhau về số lượng cũng như lượng đồ tùy táng gữa các ngôi mộ mà người sống phân chia cho người chết. Cấu trúc mộ gần như tương đồng với nhau, phần lớn các mộ được đặt nằm theo hướng Đông - Tây, một số khác nằm theo hướng Bắc - Nam hoặc Đông bắc - Tây nam. Khu mộ táng Cù lao Rùa có giá trị nghiên cứu nhất định về các đặc trưng văn hóa mộ táng trong thời kỳ tiền sử ở lưu vực sông Đồng Nai.

Đến di tích Dốc Chùa đã có sự phân biệt giàu nghèo giữa các ngôi mộ cho thấy sự phân tầng xã hội đã xuất hiện trong giai đoạn này. Tất cả 40 ngôi mộ được phát hiện đều không tìm thấy biên mộ. Kích thước đo được là nhờ việc xác định sự phân bố của các nhóm đá, nhóm gốm ở phía trên và vị trí của các đồ vật chôn theo nằm ở phía dưới và sự khác biệt về màu sắc của chất đất trong và ngoài mộ. Đất trong mộ do sự phân hủy của chất hữu cơ nên có màu đen và ẩm, đất ngoài mộ có màu nhạt và khô.

Hiện vật trong mộ táng được phát hiện tại di tích khảo cổ Cù lao Rùa, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên

Tất cả các mộ có hình chữ nhật, chiều dài trung bình 1,70m, rộng trung bình từ 1m - 1,5m, có độ sâu từ 30cm - 89cm. Nhìn chung, những ngôi mộ được chôn khá tập trung, phần nhiều ở phía dưới chân sườn đồi và một số ít ở phía trên đỉnh đồi. Sự phân bố của các mộ cũng không theo quy luật nhất định. Trong số 40 mộ, có 7 mộ chôn theo hướng Bắc - Nam, 11 ngôi mộ chôn theo hướng Đông - Tây, 13 mộ chôn theo hướng Đông bắc - Tây nam, 7 mộ chôn theo hướng Tây bắc - Đông nam và 2 mộ không rõ hướng. Dựa vào đặc điểm của mộ có thể chia thành các loại hình mộ táng như sau.

Loại mộ có rải đá và gốm: Phát hiện được 29 mộ là những mộ có bề mặt phía trên được xếp những hòn đá cuội, đá keo, xen kẽ trong đá có lẫn nhiều mảnh gốm vỡ vụn, sự sắp xếp đá gốm trong nấm mộ không theo quy luật nhất định.

Loại mộ rải gốm: Có 3 mộ, là những mộ được xếp gốm ở phía trên bề mặt, đó là gốm vỡ của một vài loại đồ đựng có kích thước lớn như chum, vại. Gốm trong mộ được xếp thành hai lớp, ở giữa có lớp đất mỏng. Qua việc phát hiện được các hiện vật gốm trong mộ, chúng ta có thể hình dung người xưa đã đặt đồ gốm nằm ngang trong mộ rồi đập vỡ, tạo nên trên bề mặt mộ hai lớp gốm vỡ nằm sát nhau.

Loại mộ đất: Phát hiện được 5 mộ, trên bề mặt không có hiện tượng rải gốm hay đá. Dấu vết các mộ thuộc nhóm này được xác định bởi các hiện vật tùy táng bằng đá, bằng đồng, đồ gốm và sự khác biệt giữa chất đất bên trong và bên ngoài mộ. Trong quá trình khai quật nhận thấy không có hiện tượng xáo trộn hay san ủi. Do đó có thể nhóm mộ này chỉ được chôn rồi phủ đất lên trên.

Nhóm mộ không xác định: Có 3 mộ, đây là những mộ bề mặt đã bị san ủi, được phát hiện bởi dấu vết của xương cốt đã bị mũn nát và các hiện vật tùy táng bằng đồng, đá và cả đồ gốm.

Hiện vật chôn theo trong các mộ không cố định, có biên độ dao động lớn, có những mộ chỉ chôn theo một vài hiện vật nhưng lại có gần một nửa số mộ phát hiện được rất nhiều hiện vật tùy táng. Có thể đó là những dấu hiệu ban đầu của việc phân hóa giàu nghèo đã diễn ra trong cộng đồng. Phần lớn đồ tùy táng là các đồ gốm được sửdụng thường nhật, phát hiện nhiều trong khu vực cư trú. Tất cả bị đập vỡ có thể do phong tục chôn cất?

Như vậy, thông qua các mộ táng trong di tích Cù lao Rùa và Dốc Chùa cho thấy một đặc trưng chung về giai đoạn lịch sử này là cộng đồng cư dân Bình Dương xưa kia đã có truyền thống chôn cất người chết bằng dạng mộ rải đá, rải gốm trên bề mặt mộ sau khi đã sắp đặt người chết và xếp các đồ tùy táng vào trong huyệt mộ.

Điều đó cho thấy cư dân Bình Dương xưa, người chết cũng được đối xử một cách yêu quý, họ được chia sẻ các đồ dùng trong sinh hoạt thường ngày như nồi, vò, bát bồng, rìu đá và cả những hiện vật rất quý như việc chôn theo người chết những hiện vật bằng đồng, là những hiện vật mà ngay cả “thế giới người sống” tại Bình Dương cũng xuất hiện rất ít. Hiện vật bằng đồng thể hiện hình tượng một con vật đứng trên một con vật khác thuộc loài bò sát phải chăng mang tính thiêng, dùng trong nghi lễ nào đó, chưa từng được phát hiện ở các di tích nào khác ở Đông Nam bộ.

Đây là những tư liệu khoa học quan trọng đóng góp vào kho tàng tư liệu khảo cổ học thời tiền sử ởBình Dương nói riêng và Đông Nam bộnói chung, góp phần tạo nên những nhận thức mới về lối sống của cộng đồng cư dân từng sinh sống trong khu vực này và những giai đoạn phát triển của lịch sử góp một phần quan trọng trong bức tranh văn hóa thời tiền sửở miền Đông Nam bộ.

Bài, ảnh: HIỀN LAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1250
Quay lên trên