“Hiểm hoạ” từ việc học chế pháo trên mạng xã hội

Cập nhật: 03-01-2024 | 09:04:02

Gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ ngày càng trở nên đáng ngại hơn khi có thanh thiếu niên học chế tạo pháo trên mạng xã hội để sử dụng, thậm chí là bán lại để kiếm tiền.


Nhiều tài khoản trên mạng xã hội hướng dẫn chế tạo pháo, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây mất an toàn, nguy hiểm đối với người chế tạo pháo

Học cách làm pháo trên mạng

Trên trang chủ tìm kiếm của Google, chúng tôi gõ từ khóa “Làm pháo chơi tết” thì lập tức nhận được khoảng 14,3 triệu kết quả trong thời gian 0,3 giây. Ngoài những thông tin bài viết của cơ quan chức năng cảnh báo sự nguy hiểm về hành vi tàng trữ, mua bán, chế tạo pháo còn có rất nhiều tài khoản trên mạng xã hội YouTube, TikTok đăng tải video hướng dẫn chế tạo pháo nổ, pháo hoa để chơi tết.

Những video này hướng dẫn tất tần tật cách làm pháo tự chế từ những vật liệu dễ tìm như diêm, keo 502, giấy bạc… Kèm theo những video này, nhiều chủ tài khoản còn giới thiệu: “Cứ làm theo cách này, bao pháo nổ vang trời”; “bảo đảm nổ to, không nguy hiểm”...

Những video trên đều thu hút lượng tương tác rất lớn, có khi được cả chục ngàn lượt xem, bình luận. Đáng chú ý, trong một số video hướng dẫn chế tạo pháo, chủ nhân còn để lại số điện thoại liên hệ, nếu ai không có khả năng chế tạo pháo, muốn đốt pháo nhưng tự chế pháo không thành công… có thể liên hệ đặt mua pháo về chơi tết.

Cùng với nhiều video hướng dẫn làm pháo trên không gian mạng, chúng tôi phát hiện hoạt động mua bán tiền chất, vật liệu chế tạo pháo diễn ra công khai trên mạng xã hội. Đặc biệt, khi tìm kiếm những từ khóa liên quan đến pháo, chúng tôi nhận được nhiều đường dẫn của các cửa hàng trên trang thương mại điện tử. Tại đây, cửa hàng không công khai bán thuốc nổ, thuốc làm pháo… mà “núp bóng” bán các sản phẩm phân bón, hóa chất trồng trọt, nhưng lại là tiền chất để chế tạo thuốc nổ, pháo...

Thực tế thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số thanh thiếu niên học chế tạo pháo từ những hướng dẫn trên mạng xã hội, hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho chính người học theo. Mới đây, Công an xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo đã bắt quả tang N.P.A.K. (SN 2007, ngụ xã Vĩnh Hòa) cất giấu 30 viên pháo bi trong cốp xe máy. Qua làm việc, K. cho biết đã lên mạng xã hội tìm hiểu và mua hóa chất, vật liệu để chế tạo ra 70 viên pháo thành phẩm, rồi rao bán để kiếm lời. Kết quả, K. đã bán được 40 viên pháo “tự chế” cho hai thanh niên ở địa phương với giá 6.000 đồng/viên. Tại nơi ở của K., lực lượng công an còn phát hiện thêm 30 viên pháo và một số hóa chất, dây ngòi nổ, vỏ nhựa hình cầu để chế tạo pháo.

Có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng luật Bigboss Law (Đoàn Luật sư Bình Dương), cho biết pháp luật nước ta đã quy định rõ về công tác quản lý, sử dụng pháo. Cụ thể theo Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo đã nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ…

Cũng theo luật sư Mai Tiến Luật, hành vi mua tiền chất về chế tạo, dạy người khác chế tạo pháo thông qua việc đăng tải video hướng dẫn là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và phòng chống bạo lực gia đình nêu rõ: Đối với hành vi đăng tải video hướng dẫn người khác tự chế pháo hoa sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Đối với hành vi mua tiền chất để chế tạo pháo nổ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6kg trở lên người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, mua bán hàng cấm.

“Tuy nhiên, trong rất nhiều các vụ việc thì các đối tượng vi phạm là các em học sinh (dưới 14 tuổi) chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Liên quan đến trách nhiệm hình sự đối với tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ áp dụng đối với chủ thể là người đủ 16 tuổi trở lên. Do đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho các em học sinh về vật liệu nổ, pháo để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc”, luật sư Mai Tiến Luật cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết mặc dù cơ quan chức năng chưa phát hiện học sinh tàng trữ, chế tạo, mua bán pháo nổ vào dịp tết nhưng sở thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo.

 Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thuận An, cho biết nhằm chủ động phòng ngừa tình trạng học sinh tìm kiếm các hướng dẫn chế tạo pháo trên không gian mạng vào dịp gần tết, đơn vị đã chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường học tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh tuyệt đối không xem, không làm theo những video hướng dẫn chế tạo pháo. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thuận An đã giao các trường học tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tàng trữ, mua bán, chế tạo pháo trong học sinh.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên