Hiện đại hóa hệ thống logistics, thúc đẩy liên kết vùng

Cập nhật: 09-01-2023 | 08:14:06

 Trong giai đoạn mới, Bình Dương xác định việc phát triển bền vững hệ thống logistics là nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.

 Cảng Bình Dương với đầy đủ các chức năng là cảng container chuyên nghiệp

 Kết nối liên vùng

Ngành logistics Bình Dương hiện đứng thứ 4 cả nước về chỉ số phát triển dịch vụ, đưa Bình Dương từng bước trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và khu vực Đông Nam bộ.

Năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 61,5 tỷ đô la Mỹ, thặng dư thương mại đạt 10 tỷ đô la Mỹ. Cùng đó là tốc độ phát triển công nghiệp thương mại - dịch vụ ngày càng tăng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng. Tại Bình Dương đã có những dịch vụ logistics trọn gói, như: Phân phối hàng hóa, trung chuyển container, thông quan hàng hóa nội địa, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa, kho ngoại quan…

PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, khẳng định phát triển logistics bền vững là nền tảng giúp Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị thông minh. “Trong những năm qua, Bình Dương đã tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics”.

Theo Sở Công thương, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 15 Trung tâm Logistics, trong đó có 2 cảng cạn (ICD) đang hoạt động là ICD TBS-Tân Vạn và ICD Tân Cảng - Sóng Thần. Trên địa bàn tỉnh có trên 5.800 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics. Trong đó, có khoảng trên 52 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ logistics tại các khu, cụm công nghiệp trong các lĩnh vực: Vận tải và cho thuê container, xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng gói, dán nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan; dịch vụ bán cước phí tàu biển… Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới, như: Blockchain, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo trong quản lý hoạt động kinh doanh.

Vận tải hàng hóa đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, chiếm trên 95% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn tỉnh; số lượng doanh nghiệp vận tải hàng hóa của Bình Dương đang hoạt động là 1.127 với 36.065 xe; vận tải hàng hóa container là 386 doanh nghiệp với 4.377 xe. Bình Dương đã hình thành và đã đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối với các tỉnh, thành lân cận, cảng biển, sân bay quốc tế. Các công trình này bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

Công nghệ dẫn dắt

“Phát triển logistics bền vững sẽ quyết định thành công của Bình Dương khi muốn trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và đô thị thông minh năm 2045, tạo ra cơ hội thu hút đầu tư rất lớn. Các nhà đầu tư sẽ ưu tiên các quốc gia, địa phương có điều kiện phát triển tốt không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn là mức độ phát triển của hoạt động logistics”, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa phân tích.

Trên địa bàn tỉnh có trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Bình Dương đã triển khai đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đây sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực để phát triển bền vững ngành logistics tỉnh Bình Dương.

Thời gian tới, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa cho rằng Bình Dương cần ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào hệ thống thông tin quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến. Chiến lược phát triển logistics của Bình Dương phải gắn liền với quy hoạch phát triển liên kết vùng kinh tế và quốc gia.

Ông Trần Sơn Hải, Phó Giám đốc phụ trách Cảng Bình Dương, cho biết nắm bắt được xu hướng phát triển logistics, cảng Bình Dương đã phát triển trở thành cảng thông quan quốc tế với đầy đủ các chức năng là cảng container chuyên nghiệp. Cảng Bình Dương sở hữu hệ thống 4 cẩu bờ với 125m chiều dài cầu bến và mớn nước 6m, có thể tiếp nhận khai thác đa dạng các loại hàng hóa khác nhau, từ hàng rời, hàng container và cả hàng OOG cho các tàu container với tải trọng lên đến 5000 DWT. Với mục tiêu chuyển đổi số nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, cung cấp những tiện ích tối đa cho khách hàng, cảng đã áp dụng công nghệ thông minh “Smartport”.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên