Việc nguồn vốn khuyến công hỗ trợ phát triển ngành cơ khí có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế.
Máy móc được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công tại Công ty TNHH Cơ khí sắt thép Thanh Hiền (TX.Bến Cát)
Đòi hỏi phù hợp
Ngành cơ khí vẫn được ví như “xương sống” của nền kinh tế, là nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo báo cáo của Bộ Công thương, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành.
Những năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao (gần 40%) trong tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong nền kinh tế. Trong đó, ngành cơ khí chiếm hơn 36% tổng số mã ngành cấp 5 của công nghiệp chế biến, chế tạo theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Do đó, đây là ngành góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về thị trường, trình độ khoa học công nghệ, nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực… Do đó, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 32% (theo giá trị) nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
Đến nay tại Bình Dương, ngành này dù được một số thành tựu, song công nghiệp cơ khí chế tạo, gia công vẫn phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với các DN trong khu vực, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí sắt thép Thanh Hiền (TX. Bến Cát) thì tình hình chung của hầu hết các DN trong nước đều thiếu vốn, công nghệ, thiết bị chế tạo còn lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ; vốn ít, việc tiếp cận vốn của ngân hàng với lãi suất thấp hết sức khó khăn. Việc đầu tư của ngành cơ khí chế tạo, gia công những năm qua còn phân tán và chưa đồng bộ, việc phối hợp liên kết chưa thực hiện được, từ đó ngành cơ khí phải đối mặt không ít khó khăn có thể kể đến như: Nguồn nguyên liệu, quy mô sản xuất và công nghệ.
Nhận thấy những khó khăn trên, Công ty TNHH Cơ khí sắt thép Thanh Hiền đã không ngừng đầu tư sản xuất, cũng như đổi mới công nghệ, áp dụng máy móc tiên tiến vào gia công sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất bảo đảm sau khi đầu tư công ty không những có thể tăng sản lượng, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm mà còn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường. Đây được xem là yếu tố sống còn của công ty.
Việc đầu tư mới máy cắt Plasma/Gas CNC 2000 x 6000mm từ sự hỗ trợ một phần của nguồn vốn khuyến công là cần thiết cho công ty trong thời điểm hiện tại nhằm đáp ứng cường độ lao động sản xuất hiện đại, sản lượng lớn với yêu cầu giá thành thấp nhất là hết sức phù hợp.
Đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất
Ông Hưng nhấn mạnh việc công ty được hỗ trợ trang bị máy cắt Plasma/Gas CNC 2000 x 6000mm; model: WIN-2060S, sản xuất tại Việt Nam nhằm ổn định chất lượng sản phẩm, năng cao nâng suất, tiết kiệm nguyên liệu. Song song đó là đáp ứng nhu cầu các đơn hàng và mở rộng sản xuất của công ty trong giai đoạn hiện nay.
Sau khi đầu tư máy, từ nguyên liệu là thép tấm, công ty sẽ gia công qua các công đoạn trên để thành sản phẩm các chi tiết máy công nghiệp các loại theo yêu cầu của khách hàng với chi tiết từng loại máy với kích thước khác nhau tùy theo nhu cầu của từng loại máy.
Sau khi đầu tư mới máy móc sẽ tiết kiệm thời gian, giảm chi phí khắc phục sản phẩm hỏng do làm thủ công. Đối với máy mới khi sản xuất gia công sẽ kết nối trực tiếp từ bản vẽ máy tính của kỹ sư thiết kế, nhân viên vận hành máy chỉ cần ấn nút khởi động máy sẽ tự cho ra sản phẩm gia công. Tiết kiệm 50 - 60% sức lao động và chỉ số sai sót là +-0% so với gia công cắt gọt bằng phương pháp thủ công, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm đáng kể các chi phí sản xuất về nhân công, nguyên liệu, giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường so với các sản phẩm cùng loại.
Hiệu quả mang lại sau khi kết thúc đề án là rất thiết thực và khả thi, góp phần hỗ trợ DN đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, giải quyết được việc làm cho lao động, tăng khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường. Đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước do hiệu quả đề án mang lại.
Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp, qua xem xét hồ sơ, Công ty TNHH Cơ khí sắt thép Thanh Hiền đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí: Là DN nhỏ và vừa (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm liền kề không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng). Tổng nguồn vốn là 9.999.897.077 đồng (theo bảng cân đối kế toán của đơn vị năm 2019). Ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ.
Đề án đặt ra phù hợp với thực tế nhu cầu đơn vị thụ hưởng của địa phương, đúng với đối tượng xin hỗ trợ, ngành nghề và nội dung đề án với nghị định số 45/2012/NĐ- CP ngày 21-5-2012 của Chính phủ về khuyến công.
Theo quy trình, trung tâm lập đề án đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương, trình Sở Công thương thẩm định phê duyệt kinh phí thực hiện đề án. Sau khi có quyết định giao kinh phí chi tiết của Sở Công thương, trung tâm tiến hành triển khai phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện đề án trên cơ sở đúng nội dung, đối tượng và ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công. Trung tâm căn cứ hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp máy móc thiết bị và kinh phí được phê duyệt xây dựng hợp đồng hỗ trợ cho đơn vị thụ hưởng theo mức kinh phí được duyệt. Trung tâm thực hiện lưu trữ hồ sơ khuyến công và thường xuyên chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan có thẩm quyền quản lý đề án. Khi kết thúc đề án, trung tâm lập báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề án và tiến hành nghiệm thu, thanh lý, quyết toán hợp đồng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, ngành cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam. Đặc biệt, ngành cơ khí Việt Nam phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Và để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các DN, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đối với ngành cơ khí nhằm tạo các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới. |
TIỂU MY