Sự phát triển song song giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử, giao dịch thương mại điện tử thời gian qua đã tạo cơ hội lớn cho ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Các sở ngành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để cùng phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm tăng cường kết nối, xử lý liên thông trong thanh toán, nâng cấp hệ thống, mở rộng dịch vụ…
Các đơn vị trên địa bàn tăng cường các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt
Nâng cao năng lực hòa nhập thị trường
Theo đánh giá của ngành công thương, sau 1 năm ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Bình Dương bước đầu của chuỗi hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh được thiết lập. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực hòa nhập thị trường đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu DN trong môi trường kinh doanh trực tuyến, tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống; đồng thời phát triển khách hàng tiềm năng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong 10 tháng năm 2022, thương mại - dịch vụ đã đạt được sự phục hồi và tăng trưởng ổn định. Các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích, các sàn TMĐT diễn ra sôi động. Đây là một kết quả rất khả quan, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các DN sản xuất, phân phối trong việc chủ động khôi phục lại chuỗi cung ứng hàng hóa - dịch vụ phục vụ người dân sau đại dịch Covid-19.
Dự báo năm 2023 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức có tác động tiêu cực đến tình hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, trong thời gian tới cần phải quyết liệt triển khai giải pháp ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa - dịch vụ, hỗ trợ DN bán hàng và kích cầu tiêu dùng, qua đó giảm thiểu nguy cơ suy giảm kinh tế do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Với sự kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống và TMĐT, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt sẽ bảo đảm thuận lợi, an toàn trong quá trình giao dịch của người tiêu dùng bằng các hoạt động đa dạng, phong phú.
Ông Nguyễn Thanh Toàn khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền để người dân, DN hiểu rõ hơn về TMĐT. Đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cũng như các hoạt động hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh nhằm giúp các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt”.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, giao dịch online nhanh hơn, không bị giới hạn bởi không gian địa lý; ngoài ra người tiêu dùng có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết trước khi thực hiện giao dịch. Phương thức thanh toán và giao hàng nếu được DN thực hiện linh hoạt nên rất thuận tiện, đáp ứng yêu cầu của người mua. Phía NHNN cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo nên những nền tảng để các DN, cơ sở kinh doanh chuyển đổi phương thức thanh toán, thúc đẩy không dùng tiền mặt trên địa bàn phát triển.
Triển khai hiệu quả
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương, cho biết thời gian qua NHNN, Chi nhánh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ của việc thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh các giao dịch điện tử, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt là sự phối kết hợp giữa NHNN, cục thuế, kho bạc, hải quan, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện và đã triển khai một số dịch vụ như: Thu nộp thuế, phí, dịch vụ công... vào ngân sách Nhà nước thông qua các ngân hàng thương mại được phép trên địa bàn; thu tiền điện, nước, học phí, phí khám chữa bệnh qua ngân hàng.
Trong thời gian tới, nhằm góp phần đồng hành cùng tỉnh trong phát triển Đề án phát triển thành phố thông minh Bình Dương và hoàn thiện hơn nữa đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, NHNN chi nhánh Bình Dương tiếp tục nghiên cứu và nắm bắt các hoạt động đang diễn ra trong thực tế lẫn về thanh toán không dùng tiền mặt để tham mưu hoàn thiện hơn nữa giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trên địa bàn triển khai có hiệu quả đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021- 2025, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số.
“Đồng thời tăng cường công tác bảo mật nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử bảo đảm hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn. Tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo và định hướng các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoàn thiện và củng cố năng lực phục vụ cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các dịch vụ, phương tiện thanh toán”, ông Phước khẳng định.
TIỂU MY - VĂN PHÚC