Hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

Cập nhật: 29-10-2024 | 09:39:17

Phát triển công nghiệp bán dẫn trở thành định hướng được Bình Dương chú trọng cho giai đoạn mới. Bình Dương chuẩn bị khu công nghệ thông tin tập trung và khu công nghệ cao thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

 Dây chuyền công nghệ tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại thiết bị điện năng lượng Elecsun (TP.Tân Uyên)

 Chuẩn bị tốt hạ tầng

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, công nghiệp bán dẫn trở thành định hướng lớn Bình Dương tập trung cho giai đoạn mới. Với việc triển khai các bước để xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung và khu công nghệ cao rộng 220 ha, Bình Dương chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng đón các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.

Ông Trần Hưng Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam, đánh giá việc Bình Dương đầu tư xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao trong tương lai rất phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn Foster. Tập đoàn sẽ chủ động đầu tư và mở rộng sản xuất tại Bình Dương để tận dụng những cơ hội mới. Tập đoàn đang chuẩn bị nguồn lực, vốn kết hợp với các hệ sinh thái trong tập đoàn nói chung để phát triển công nghệ phần mềm mới. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, tập đoàn đang có kế hoạch chuyển dịch lĩnh vực sản xuất, công nghệ mới, cho ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tiến sĩ Trần Nhàn, đồng sáng lập, Giám đốc kỹ thuật Công ty Nanochap Electronics (Úc), cho biết trong toàn chuỗi ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam mới tham gia được 2 khâu ở giai đoạn giữa là thiết kế và đóng gói. Hai khâu này mang tính thực thi là chính chứ chưa được tham gia các khâu đầu não như thiết kế kiến trúc, sản xuất hay thương mại hóa. “Để xây dựng được nguyên một chuỗi công nghiệp bán dẫn đầy đủ cần nhiều yếu tố quan trọng.

Trong đó, Bình Dương phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và bền vững, có tính kế thừa, cơ sở hạ tầng hiện đại, ổn định, quy trình làm việc và chính sách phải rõ ràng, minh bạch, tinh giản. Bình Dương có lợi thế về chính sách và cơ sở hạ tầng nhưng còn điểm yếu là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; trong ngắn hạn có thể thu hút nguồn lực chất lượng cao từ các nơi khác bằng các chế độ đãi ngộ tốt, nhưng dài hạn phải có đào tạo để mang tính kế thừa. Giai đoạn ban đầu có thể tham gia vào các khâu thiết kế, kiểm tra, đóng gói như các công ty hiện tại ở Việt Nam, nhưng để tham gia vào toàn bộ chuỗi công nghiệp bán dẫn, điều kiện tiên quyết là phải có các nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam”, Tiến sĩ Trần Nhàn đề xuất.

Đi từ nhân lực chất lượng cao

Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao. Bình Dương sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Bình Dương đã đề nghị các trường đại học xây dựng đề án đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển giai đoạn mới.

Tiến sĩ Trần Nhàn chia sẻ thêm, phải có sự phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các công ty cung cấp phần mềm thiết kế, bởi giá cả các phần mềm này rất đắt. Trước mắt là phối hợp giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các nhà máy sản xuất chip trên thế giới, sau đó là nhà máy trong nước để sinh viên nghiên cứu có thể sản xuất và kiểm tra các ý tưởng thiết kế của mình, từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng. Quá trình đó sẽ giúp tạo ra đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, có thể tự mở ra các công ty thuần Việt, tự thương mại hóa chip do chính họ làm ra.

Theo Tiến sĩ Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), EIU đã hợp tác với nhiều trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp trong khu vực để tạo cơ hội thực tập, học hỏi từ môi trường làm việc thực tế cho sinh viên. Chương trình đào tạo cũng tích hợp các công nghệ hiện đại, tự động hóa và internet vạn vật (IoT) để giúp sinh viên chuẩn bị cho tương lai và thích ứng ngay với công việc sau khi ra trường. Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng mô hình tăng trưởng mới, sinh viên được trang bị các kỹ năng như ứng dụng công nghệ, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực đối với công nghiệp sáng tạo.

 Theo Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương, trong bối cảnh hiện nay đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành yếu tố cốt lõi để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng mới. Đặc biệt, nhân lực tại Bình Dương không chỉ cần đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 mà còn phải sở hữu các kỹ năng hiện đại như tư duy sáng tạo, công nghệ và khả năng ngoại ngữ để có thể hội nhập quốc tế, trở thành những công dân toàn cầu.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=709
Quay lên trên