Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hành lang pháp lý, tiền đề đặc biệt quan trọng để Bình Dương hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Bình Dương kỳ vọng Quy hoạch tỉnh sẽ đưa địa phương vượt bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững, vươn lên tầm vóc mới.
Phát huy thành tựu
Với ý chí và quyết tâm cao của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, sau gần 28 năm xây dựng và phát triển, đến nay GRDP bình quân đầu người của Bình Dương đạt trên 7.000 USD/ năm, đứng thứ 4 cả nước, cao hơn 1,05 lần so với trung bình vùng Đông Nam bộ và 1,73 lần so với cả nước, đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đạt mức thu nhập trung bình cao. Về thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ là công cụ nền tảng để hiện thực hóa khát vọng đưa Bình Dương phát triển lên tầm cao mới. Trong ảnh: Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch bài bản, phát triển văn minh, hiện đại, thông minh. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Đến nay, hạ tầng giao thông, đô thị trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, kết nối nội tỉnh và liên vùng, thể hiện qua việc Bình Dương tích cực tham gia dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các trục đường chính như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, ĐT743, ĐT746, Quốc lộ 13… tạo nên hệ thống giao thông kết nối các khu công nghiệp với nhau và kết nối hệ thống khu công nghiệp tới các cảng biển, sân bay quốc tế, kiến tạo một quần thể hoàn chỉnh, củng cố thêm lợi thế cạnh tranh cho Bình Dương.
Theo các chuyên gia, thành quả gần 28 năm phát triển đã tạo tiền đề quan trọng giúp Bình Dương xây dựng bản quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng, nhằm khắc phục được những tồn tại trong quá trình phát triển và khơi thông nguồn lực đưa Bình Dương tăng tốc trong thời kỳ mới.
Vượt bẫy thu nhập trung bình
Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào đạt được, Bình Dương đang đối mặt với thách thức bẫy thu nhập trung bình. Do đó, việc đưa Bình Dương vượt bẫy thu nhập trung bình đã được đề ra ngay từ hội thảo khởi động đầu tiên xây dựng Quy hoạch tỉnh. Bình Dương xây dựng Quy hoạch tỉnh trên nền tảng triết lý phát triển được đúc kết qua thực tiễn, đó là: Xây dựng một môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả; xây dựng một xã hội nhân văn, hài hòa và bền vững; xây dựng một chính quyền địa phương năng động và kiến tạo. Triết lý này đã trở thành “kim chỉ nam” cho Quy hoạch tỉnh với mục tiêu lớn nhất đưa Bình Dương sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành địa phương có thu nhập cao vào năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Để phấn đấu phát triển lên nấc thang mới, thời gian tới Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Bình Dương ưu tiên trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao. |
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương kỳ vọng quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ tháo gỡ các “nút thắt” hiện nay, đặc biệt là trở thành công cụ điều hành để Bình Dương vượt qua bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, Bình Dương xây dựng chiến lược 6 trụ cột làm phương hướng giải quyết từng khía cạnh, gồm: Tránh bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển có tính kế thừa; tránh bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển xanh; tránh bẫy phụ thuộc thông qua phát triển mở; tránh bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển bao trùm; tránh bẫy năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; tránh bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp. Bình Dương đã hiện thực hóa bằng những hành động, dự án cụ thể trong đề án thành phố thông minh Bình Dương, với việc nhấn mạnh vào 4 yếu tố trụ cột để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, đó là: Con người (lực lượng lao động và sáng tạo), công nghệ (nghiên cứu và phát triển), doanh nghiệp (doanh nghiệp và mối quan hệ với doanh nghiệp) và các yếu tố nền tảng (môi trường, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng).
Quy hoạch tỉnh tạo đà cho Bình Dương vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn lên tầm vóc mới. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư chất lượng cao
Bình Dương đặt ra mục tiêu thời kỳ 2021-2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030 ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. Dân số toàn tỉnh đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Cicor Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I)
Tin tưởng rằng, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Bình Dương sẽ từng bước hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, đưa Bình Dương tăng tốc phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tạo những đột phá, vươn tầm phát triển trong giai đoạn mới.
PHƯƠNG LÊ