Bài 1: Những dấu hiệu ban đầu
Bài 2: Dễ phát hiện, khó xử lý!
Hành vi chuyển giá nhằm
trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước
ngoài (FDI) đã được ngành thuế nhìn thấy qua các con số. Tuy nhiên, thấy là một
chuyện, ngăn chặn, xử lý hiện tượng chuyển giá của các DN FDI lại là vấn đề
không hề đơn giản, bởi phương thức, thủ đoạn của các hành vi này rất tinh vi,
vượt khỏi những quy chuẩn thông thường… Sản xuất hàng dệt may
xuất khẩu tại một DN FDI (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Mẫu số chung
Một cán bộ thanh tra thuế của Cục Thuế nhận định, hiện tượng chuyển giá trên thế giới nước nào cũng có, không chỉ riêng ở Việt Nam. Phương thức chuyển giá của các DN FDI phổ biến là thông qua mô hình công ty mẹ - con; giữa một công ty con với một công ty con khác cùng công ty mẹ, thực hiện các giao dịch với nhau, qua đó làm thay đổi giá đầu vào, đầu ra… Các giao dịch liên kết này đều hướng đến một mục đích là báo lỗ ở công ty này, nhưng có lãi ở công ty khác. Tùy theo mức thuế suất thuế TNDN cao hay thấp ở mỗi quốc gia mà công ty mẹ hay công ty con có đăng ký kinh doanh, DN FDI sẽ báo lỗ ở quốc gia có thuế suất cao, báo lãi ở nơi có thuế suất thấp để tránh phải đóng một phần thuế TNDN. Thậm chí, ngay cả khi trường hợp thuế suất bằng nhau, các DN FDI vẫn tìm cách để chuyển giá, báo lỗ ở nước ngoài, có lãi cao ở trong nước, nhằm chuyển nguồn thuế TNDN lẽ ra phải nộp ở nước ngoài về trong nước.
“ Theo một cán bộ thanh tra thuế, mới đây khi ngành thuế thực hiện kiểm tra thì phát hiện trường hợp trong báo cáo tài chính của một DN FDI có khoản chi cho công ty mẹ ở nước ngoài khoản tiền rất lớn với lý do chi là thực hiện hợp đồng quảng cáo nhằm gây dựng thương hiệu trong nước, phát triển doanh số. Tuy nhiên trên thực tế, việc quảng cáo, phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa của DN này không hề có. Vì vậy, cán bộ thuế này không đồng ý xuất toán, không cho DN hạch toán vào chi phí… Xét về bản chất, đây là một hành vi chuyển giá, nhưng cơ quan thuế không thể công khai nói DN này chuyển giá, chỉ có thể quy vào hành vi hạch toán chi phí không hợp lý trong kê khai quyết toán thuế.”
Cũng theo vị cán bộ thuế này, DN FDI thường thực hiện chuyển giá theo 2 phương thức cơ bản: Chuyển giá đầu vào và chuyển giá đầu ra thông qua các giao dịch liên kết trong cùng một hệ thống. Để chuyển giá đầu vào, các DN FDI sẽ nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, dịch vụ tư vấn, tài chính… từ công ty mẹ hay công ty cùng hệ thống ở nước ngoài với giá cao, vay vốn với lãi suất cao nhằm trích khấu hao máy móc lớn, tăng chi phí đầu vào với mục đích tạo lỗ “ảo”. Tương tự như vậy, với đầu ra, DN FDI sẽ xuất khẩu, bán sản phẩm cho công ty mẹ hoặc công ty thành viên trong cùng hệ thống ở nước ngoài với mức giá thấp cũng với mục đích tạo ra lỗ “ảo”.
Dễ phát hiện, khó xử lý!
Theo Cục Thuế Bình Dương, thời gian qua, công tác chống chuyển giá đã được gắn với nhiệm vụ thanh tra thông qua nghiên cứu các hồ sơ có dấu hiệu giao dịch liên kết. Với một DN FDI có hành vi chuyển giá, chỉ cần nhìn vào các báo cáo tài chính, cán bộ thuế có thể dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu của giao dịch liên kết. Tuy nhiên, nhìn thấy thì dễ nhưng tiến hành xử lý thì không hề dễ dàng chút nào. Hiện Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66/2010 nhưng vẫn chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ giúp cho cơ quan thuế ấn định về giá, ngăn chặn hiện tượng này. Thông tư này chỉ hướng dẫn công thức tính để ấn định giá khi thấy giá đầu vào cao hơn, giá đầu ra thấp hơn so với giá thị trường. Nhưng để ấn định được giá đối với DN, cán bộ thuế phải có cơ sở pháp lý. Chẳng hạn, khi đấu tranh với DN về mức giá đầu ra thấp, cán bộ thuế phải có mức giá chuẩn để chứng minh trong khi lại không thể có được mức giá này vì giá vốn mang tính quốc tế. Và, với giá đầu vào cũng tương tự.
Đơn cử một trường hợp ở các DN cùng quy mô, cùng sản xuất một mặt hàng áo Jacket tại cùng một khu vực nhưng để xác định được mức giá chuẩn nhằm ấn định cho các DN này cũng là không thể. Ở đầu vào, DN khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu từ các nguồn khác nhau, chất lượng khác nhau… nên sẽ hình thành mức giá nhập khẩu khác nhau. Vậy thì làm sao để có một mức giá chuẩn làm cơ sở để xác định giá nhập khẩu của DN này cao? Còn ở đầu ra, với mỗi đơn hàng chỉ cần thay đổi mẫu mã một chút, thêm hoa văn, họa tiết hay chỉ khác nhau cái khuy áo thôi, giá xuất cũng sẽ khác nhau. Do đó, khó mà lấy được một mức giá chuẩn để chỉ cho DN thấy giá xuất khẩu của họ là thấp. Đấy là chưa nói đến trường hợp những DN sản xuất những mặt hàng mà họ độc quyền trên thế giới, thì họ cũng sẽ độc quyền luôn về giá. Do vậy, cán bộ thuế không thể tìm được mức giá nào để so sánh, ấn định.
Bài 3: Làm sao chống chuyển giá?
THÀNH SƠN