Hiệp định EVFTA - đòn bẩy cho các doanh nghiệp trong nước

Cập nhật: 01-08-2020 | 14:18:27

Nông dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU. (Nguồn: TTXVN)

Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, thời điểm cả hai bên đều xác định nỗ lực tối đa để đồng hành với doanh nghiệp nhằm khai thác thị trường rộng lớn với hơn 450 triệu dân của EU và tận dụng sức hấp dẫn của thị trường 95 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Hiệp định được kỳ vọng hỗ trợ Việt Nam và EU đẩy mạnh các nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị tàn phá nặng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến rất khó lường.

Ngay trước khi hiệp định đi vào thực thi, ngày 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Đây là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU, mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới, đồng thời là sự kiện có ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam-EU thiết lập quan hệ ngoại giao (1990-2020).

Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng và cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, phát huy tối đa các lợi ích mà hiệp định có thể mang lại cho hai bên, đóng góp vào thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác, liên kết tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần phục hồi tăng trưởng sau những tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19.

EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại Việt Nam-EU. Brussels hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư, thị trường xuất khẩu thứ hai và nhà đầu tư đứng thứ năm của Việt Nam.

Hiệp định là cơ hội vàng để giúp hai bên đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%.

Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm...

Đúng vào thời điểm EVFTA đi vào thực thi sau hơn 9 năm hai bên nỗ lực đàm phán để ký kết và phê chuẩn hiệp định, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.

Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy giảm mạnh, và châu Âu cũng như Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.

Thương mại quốc tế đang là một trong số những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất của đại dịch. Trong những tháng tới, thế giới có thể chứng kiến sự sụt giảm liên tục về khối lượng thương mại quốc tế.

Cung và cầu của nền kinh tế toàn cầu đang bị gián đoạn nghiêm trọng do các cơ sở sản xuất đóng cửa, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và nhu cầu đối với một số sản phẩm giảm. Người tiêu dùng trên toàn cầu đang có xu hướng tiết kiệm hơn là tiêu thụ.

Theo đánh giá gần đây của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), dịch COVID-19 sẽ dẫn đến giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu từ 5 đến 15% vào năm 2020.

Dù bối cảnh không thuận lợi, quan chức hai phía Việt Nam và EU tại địa bàn châu Âu cùng chung quan điểm cho rằng trước những thách thức của thời điểm đặc biệt khó khăn này, EVFTA  là một cú hích quan trọng đối với nền kinh tế của cả hai bên.

Trưởng đoàn đàm phán EU, Phó Tổng vụ trưởng thương mại châu Âu Helena Konig, bày tỏ tin tưởng rằng trong thời điểm khó khăn hiện nay, thương mại dựa trên các quy tắc mở có thể đóng góp cho nền kinh tế xã hội nhanh chóng và bền vững, giúp phục hồi và củng cố khả năng cạnh tranh trong môi trường hậu COVID-19.

Theo bà, EVFTA - hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển - đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh đó.

Bà Konig cho rằng hiệp định phù hợp với chiến lược phát triển và chương trình nghị sự kinh tế của Việt Nam, trang bị cho đất nước các công cụ bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Với mục đích để các công ty Việt Nam và EU có thể tận dụng được những lợi ích của EVFTA, phía EU đã làm việc rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho việc thực thi bằng cách cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật.

Bà Konig cho biết EU đã  tích cực hỗ trợ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, điều này cũng có lợi cho các công ty EU muốn thâm nhập thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng của Việt Nam.

Phía EU muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp châu Âu nhận thức được những cơ hội do EVFTA mang lại và đã tham gia vào nhiều hoạt động tiếp cận để quảng bá cho thỏa thuận tại nhiều quốc gia thành viên EU và tại Việt Nam, gần đây nhất là một loạt cuộc hội thảo được tổ chức trực tuyến.

Trang web của Ủy ban châu Âu cũng giới thiệu rất nhiều tài liệu và thông tin về EVFTA, bao gồm cả các hướng dẫn cụ thể được giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản và rõ ràng để doanh nghiệp cả của EU cũng như Việt Nam có thể chuẩn bị.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại EU Vũ Anh Quang đánh giá đại dịch COVID-19 chắc chắn khiến việc triển khai một số nội dung liên quan của hiệp định bị trì hoãn, nhưng những tác động tiêu cực này chỉ mang tính ngắn hạn.

Suy thoái kinh tế ở cả EU và Việt Nam do tác động của đại dịch sẽ khiến cho những “lợi ích kinh tế” mà EVFTA mang lại trong giai đoạn đầu triển khai sẽ không được như kỳ vọng vì các doanh nghiệp hai bên chưa thể tận dụng hết các ưu đãi do gián đoạn chuỗi cung ứng, gián đoạn lưu thông và nhu cầu của nền kinh tế hai bên vẫn còn yếu.

Tuy nhiên, trong dài hạn, một khi dịch bệnh được kiểm soát và các gói kích cầu kinh tế của hai bên đi vào hoạt động, thương mại hai bên sẽ bùng nổ trở lại, tới lúc đó chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn những tác động to lớn của EVFTA đối với quan hệ thương mại Việt Nam-EU.

Đại sứ Vũ Anh Quang cho biết Cơ quan đại diện Việt Nam đặc biệt quan tâm việc thúc đẩy phía EU có sự hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi EVFTA và cùng phối hợp trong việc tăng cường truyền thông sâu rộng cả trong doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng và nội dung của Hiệp định.

Hai bên sẽ thực hiện một số cam kết trong giai đoạn triển khai như thành lập nhóm công tác chung giữa cơ quan lập pháp hai bên theo dõi việc thực hiện hiệp định, thành lập các nhóm tư vấn nội địa tại Việt Nam… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam và EU gặt hái những lợi ích của EVFTA.

Các biện pháp hạn chế đi lại do đại dịch sẽ giới hạn cơ hội tiếp xúc trực tiếp, xúc tiến thương mại truyền thống và tìm hiểu thị trường, do vậy cũng khiến cơ hội kinh doanh bị thu hẹp hơn. Giao thương sẽ phải tìm ra các hình thức mới để có thể mang lại hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Quân, Trưởng đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, đánh giá Việt Nam có thể biến thách thức của đại dịch COVID-19 thành cơ hội nếu làm tốt được khâu xúc tiến thương mại trực tuyến, giao dịch điện tử vì khi kinh tế suy giảm, theo lý thuyết các nhà nhập khẩu sẽ tìm nguồn hàng có giá cạnh tranh, và hàng hóa Việt Nam sẽ là một lựa chọn thích hợp.

Theo hướng đó, Thương vụ Việt Nam tại EU sẽ sớm khai trương trang web văn phòng điện tử cùng các trang tương tác trên mạng xã hội như Facebook, Twitter… để tăng cường tiếp xúc với các bên liên quan sau khi EVFTA có hiệu lực.

Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long (Hưng Yên). (Nguồn: TTXVN)

Đối với các doanh nghiệp, EVFTA là một lợi thế của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khi tiếp cận thị trường EU.

Trong khu vực châu Á, hiện chỉ có Việt Nam, Nhật Bản và Singapore là có FTA với EU, trong khi đó EU cũng đã rút các ưu đãi đơn phương như Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), chế độ ưu đãi thuế quan EBA của rất nhiều nước có cạnh tranh xuất khẩu vào EU. Do vậy lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU là đặc biệt lớn.

Theo ông Trần Ngọc Quân, việc tuân thủ các quy định của FTA là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung có thể tận dụng được lợi thế từ EVFTA.

Do vậy, ngoài việc tìm hiểu các quy định cụ thể đối với ngành hàng của mình và có kế hoạch kinh doanh, tiếp thị thích hợp, các doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần tự bảo vệ bản thân cũng như ngành hàng, không tham gia các hành vi gian lận thương mại, chuyển tải hàng hóa để nước khác trục lợi từ EVFTA.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Bỉ-Việt Philippe Detheux nhấn mạnh đến công tác đào tạo với nhận định rằng một trong những chìa khóa thành công là đào tạo nghề.

Ông cũng chia sẻ phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", cho biết đây là điều Phòng Thương mại Bỉ-Việt Nam đang nỗ lực thực hiện, đặc biệt thông qua dự án Đào tạo Quản lý rủi ro cùng với Bộ Công Thương Việt Nam và vùng Wallonia của Bỉ.

EVFTA có hiệu lực hứa hẹn tạo ra sự ổn định kinh tế quan trọng trong trung hạn. Đối với tất cả các lĩnh vực, một mặt hiệp định tạo ra các điều kiện pháp lý và kỹ thuật, mặt khác là các điều kiện thị trường bao gồm những khía cạnh thương mại, bí quyết kinh doanh, bảo vệ thương hiệu (cả những trường hợp đã được đăng ký trước đó).

Đây là một quá trình dài hơi không phải ngày một ngày hai mà có được, và nó cần được duy trì trong suốt vòng đời của doanh nghiệp.

Với EVFTA, tất cả đang bắt đầu bước vào một cuộc chơi mới, một sự khởi đầu mới đầy hứa hẹn nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức mà hai bên phải khắc phục để có thể tận dụng hiệu quả “sức mạnh” mà EVFTA mang lại./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1770
Quay lên trên