Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đánh dấu một dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam: Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh tiến tới thống nhất nước nhà. Tuy chưa giành thắng lợi như mong muốn nhưng nội dung của Hiệp định Giơ-ne-vơ đã đặt những cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn đất nước…
Thắng lợi của hiệp định
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Hiệp định không chỉ dẫn đến việc chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương mà còn chính thức kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam nhằm mục tiêu thống nhất đất nước.
Tiến sĩ Ngô Hồng Diệp, trường Đại học Thủ Dầu Một phân tích, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã buộc Pháp phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân và công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước ta, mở ra một thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đánh dấu bước mở đầu có tính quyết định cho sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn cầu; góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa trên thế giới. Với Hiệp định Giơ-ne-vơ, ta đã giải phóng một nửa đất nước, đưa lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị từ miền Nam ra miền Bắc xây dựng bồi dưỡng; đưa một lượng không nhỏ học sinh miền Nam ra đào tạo cán bộ cho tương lai. Đồng thời, ta cũng để lại một bộ phận tinh túy cán bộ chính trị làm nòng cốt xây dựng phong trào, xây dựng lại lực lượng chính trị và đến lúc cần thiết xây dựng cả lực lượng vũ trang. Thắng lợi của hiệp định là kết quả của đường lối đúng đắn - đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đó là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 mặt trận chính trị - quân sự - ngoại giao trong cuộc đấu tranh chống thực dân; là minh chứng hùng hồn của chính sách đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Toàn cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Ảnh: T.L
Ý đồ của Trung Quốc
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, trường Đại học Thủ Dầu Một, đến với Hội nghị Giơ-ne-vơ, Việt Nam chịu sức ép lớn từ phía các nước lớn. Về phía Mỹ, đứng trước khả năng thất bại của Pháp tại Đông Dương, đầu năm 1950, Mỹ đã có sự can thiệp, hỗ trợ cho Pháp và bước đầu trực tiếp can thiệp đến Việt Nam. Việc Mỹ giúp Pháp nằm trong một tính toán rộng lớn của chiến lược toàn cầu, đó là sự ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc đang lan rộng ở vùng Viễn Đông cũng như lo ngại ảnh hương của Việt Nam sẽ lôi cuốn các nước Đông Nam Á vào trào lưu cách mạng, tuyến phòng thủ từ xa của Mỹ nối từ Nhận Bản đến Úc sẽ bị suy yếu. Nguồn nguyên liệu phong phú và có tính chiến lược của khu vực này cũng là điều quan tâm của Hoa Kỳ. Hơn nữa, nếu Pháp đổ tiền của vào cuộc chiến tranh xa xôi này, Pháp sẽ chậm phục hồi nền kinh tế, do vậy sẽ gặp rắc rồi trong nước và giảm sự đóng góp vào việc tăng cường lực lượng của khối Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây mới chính là điều quan tâm hàng đầu của Mỹ. Vì những lý do trên mà các quan chức Mỹ nhất trí nhận định rằng: Đông Dương, đặc biệt Việt Nam là then chốt trong việc bảo vệ Đông Nam Á. Chính vậy, Mỹ đến với Hội nghị Giơ-ne-vơ nhằm ngăn cản một giải pháp có lợi cho “phe cộng sản”.
Sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ làm cho Trung Quốc bị đe dọa trực tiếp. Trung Quốc cần phải thoát khỏi sự bao vây của Mỹ. Lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế đã thúc đẩy Trung Quốc tích cực “viện Triều chống Mỹ” và “giúp Việt kháng Pháp”. Sau chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc cũng chủ trương sớm giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Đông Dương nhằm ngăn chặn Mỹ mở rộng chiến tranh, bảo đảm hòa bình và an ninh cho Trung Quốc ở khu vực Viễn Đông. Và lại, thời kỳ này Trung Quốc là một nước lớn nhưng kinh tế yếu và bị tổn thất nhiều trong chiến tranh Triều Tiên. Vị trí quốc tế của Trung Quốc còn hạn chế, chưa có chân trong Liên hiệp quốc và chưa có vị thế một nước lớn trên quốc tế. Vì vậy, được mời tới Hội nghị Giơ-ne-vơ, Trung Quốc coi đây là cơ hội “vàng” để cùng lúc thực hiện 3 mục tiêu lớn: Thúc đẩy giải quyết chiến tranh Đông Dương, đẩy Mỹ ra xa, chí ít hạn chế khả năng can thiệp của Mỹ vào bán đảo này; nâng cao vị thế của Trung Quốc, khôi phục lại vị trí một nước lớn có vai trò trong các vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á. Đồng thời Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ với các nước Tây Âu, trước hết là vấn đề ngoại giao và thương mại, nhằm góp phần phục vụ công nghiệp hóa đất nước, phá thế bao vây cấm vận của Mỹ.
Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng cho rằng, tại hội nghị, Việt Nam gặp nhiều thách thức từ những nước lớn, trong đó có cả các nước đồng minh. Lẽ ra nhân dân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được hưởng nền hòa bình trong thế của người thắng trận. Nhưng, các nước lớn bao gồm cả Liên Xô và Trung Quốc đã có sự đổi chác lợi ích, thỏa hiệp, đã ép Việt Nam.
Trong lập trường 8 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nêu ra không có bất kỳ nội dung nào về chia cắt đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, từ ngày 3-7-1954 đến 5-7-1954, trong cuộc gặp ở Liễu Châu, Trung Quốc nêu ý kiến với Việt Nam là phân chia hai miền Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Liên Xô và Trung Quốc đã đi những “nước cờ” bất lợi cho cách mạng Việt Nam. Trung Quốc đã thỏa hiệp với các nước phương Tây trong việc phân chia lãnh thổ, nhất là phân chia hai miền Nam - Bắc Việt Nam không có lợi cho các lực lượng cách mạng Việt Nam. Và Việt Nam phải chấp nhận nhượng bộ, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân chứ không phải vĩ tuyến 13 hay 16 theo phương án đấu tranh của Việt Nam.
Hiệp định Giơ-ne-vơ đã chia cắt hai miền Nam, Bắc Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Theo hiệp định này, các chính quyền phía Nam lãnh trách nhiệm quản lý lãnh thổ phía Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1956 khi Pháp rút khỏi Đông Dương. Từ đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính, tổ chức khảo sát, khai thác tài nguyên và bảo vệ hai quần đảo này, chống lại những hành động và ý đồ xâm chiếm của các nước khác đối với hai quần đảo. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã tuyên bố khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trở lại Hội nghị Giơ-ne-vơ, Trung Quốc là một nước tham gia ký kết hiệp định, trong đó quy định rất rõ là vùng lãnh thổ phía Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống do các chính quyền phía Nam quản lý. Việc tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ và ký kết hiệp định này của Trung Quốc tự thân đã phản bác lại hoàn toàn luận điểm hoang đường của nước này đưa ra về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông cũng như hành động ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mặc dù Hiệp định Giơ-ne-vơ chưa đáp ứng được hoàn toàn mục tiêu và nguyện vọng của ta về phân vùng ranh giới, về thời hạn tuyển cử 6 tháng… nhưng đây là giải pháp khả dĩ có thể chấp nhận được trong bối cảnh và so sánh lực lượng tương quan lúc bấy giờ. Chúng ta đã có thành công cả về mặt chính trị, quân sự và ngoại giao; góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và hòa bình thế giới. 60 năm đã qua, nhưng ý nghĩa to lớn và những bài học quý báu của Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn còn nguyên tính thời sự.
THU THẢO