Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương: Phát huy truyền thống, đoàn kết, hội nhập để vươn xa
Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) hình thành vào tháng 9-2009 trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là ngành chế biến gỗ nói riêng gặp nhiều khó khăn. Sau 7 năm đi vào hoạt động Bifa đã không ngừng lớn mạnh, vươn xa nhờ phát huy tốt sức mạnh đoàn kết và truyền thống tốt đẹp của… “nghề mộc”.
Từ truyền thống tôn sư, trọng đạo
Những ai theo nghề mộc thì đến ngày 20 tháng Chạp âm lịch hàng năm đều tổ chức lễ giỗ tổ nhằm tưởng nhớ công lao của người khai sáng và nguyện giữ đúng phẩm hạnh, đạo đức để được tổ nghiệp phò trợ làm ăn phát đạt, trái lại sẽ bị tổ phạt mà dân gian thường gọi là “Tổ trát”!
Ban Chấp hành Bifa nhiệm kỳ II đã thể hiện tính kế thừa và đột phá trong hoạt động của hiệp hội
Có truyền thuyết cho rằng, ông tổ nghề mộc là Nguyễn Công Nghệ làm nghề chạm khắc vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, là tác giả của pho tượng Phật ngàn mắt ngàn tay. Do là truyền thuyết nên có nhiều giai thoại đến nay vẫn chưa thể chứng minh được. Còn theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương xác định, ông tổ nghề chạm khắc gỗ là Ninh Hữu Hưng, người làng La Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, sinh năm 936 và mất năm 1019. Ông là vị quan được vua Đinh Tiên Hoàng giao xây dựng kinh đô Hoa Lư và được phong chức Công tượng Lục phủ giám sát Đại tướng quân. Nhân dân nhớ ơn đã lập đình thờ ông tại quê nhà, làng La Xuyên. Đến nay, di tích ấy vẫn còn…
Những năm gần đây, nhất là từ khi Bifa được thành lập và đi vào hoạt động, cứ vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các hội viên của hiệp hội đều long trọng tổ chức lễ giỗ tổ với nghi thức truyền thống, nhằm tưởng nhớ công ơn của người khai sáng nghề nghiệp. Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh, cho biết: “Những người quyết tâm theo nghề, được ăn nên làm ra đều nhớ và tôn thờ tổ nghiệp đã cho mình cái nghề để từ đó vươn lên. Giỗ tổ là ngày rất thiêng liêng nên hiệp hội phải làm trước để sau đó các hội viên còn trở về tổ chức tại doanh nghiệp (DN) của mình…”.
Đến sức mạnh đoàn kết
Tham gia đội văn nghệ phục vụ lễ giỗ tổ, bà Đỗ Thi Kim Loan, Phó Chủ tịch Bifa, nhớ lại: “Năm 2007, tỉnh có chủ trương cho thành lập hiệp hội chế biến gỗ và chọn ra một số đại diện có uy tín, nhiệt tình tham gia ban vận động. Tháng 9-2009 hiệp hội chính thức ra mắt, cũng là lúc kinh tế gặp nhiều khó khăn. Để bảo vệ nền sản xuất trong nước, nhiều hàng rào kỹ thuật đã được lập ra nhằm hạn chế nhập siêu. Dù chưa đầy 1 tuổi, nhưng với trách nhiệm của mình Bifa đã mang tiếng nói của hội viên trình lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính… xin không đánh thuế nguyên liệu gỗ nhập khẩu vì DN chỉ nhập về chế biến và xuất khẩu. Với những chứng minh cụ thể, rõ ràng của hiệp hội, Thủ tướng, Bộ Tài chính đã thấu hiểu và chấp thuận…”!
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Bifa, nhấn mạnh: “Mục tiêu của Bifa là mang lại lợi ích cho cộng đồng nên tất cả phải vì lợi ích chung”. Kết thúc nhiệm kỳ I, Bifa đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá trong hoạt động. Bước sang nhiệm kỳ II, với một Ban Chấp hành vừa mang tính kế thừa vừa có sự đột phá, Bifa đã mang lại cho hội viên nhiều cơ hội mới như: Phối hợp với Sở Công thương tổ chức các lớp học và nâng cao tay nghề cho người lao động; phối hợp với Sở Lao động - TB&XH tổ chức triển khai các quy định của pháp luật nhằm làm cho người sử dụng lao động và người lao động hiểu biết và hợp tác chặt chẽ với nhau hơn; phối hợp Sở Cảnh sát PCCC triển khai các quy định về an toàn PCCC nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất, phát hiện và loại trừ nguy cơ cháy nổ, nâng cao ý thức phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, hiệp hội đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai Dự án Score nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN vừa và nhỏ, cụ thể là chuyên nghiệp hóa người lao động, tiết giảm các chi phí trong sản xuất để sản xuất sạch hơn… Từ các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực đó, hiệp hội đã trở thành mái nhà chung để các hội viên Bifa đóng công, góp sức đưa ngành chế biến gỗ tỉnh nhà vươn lên phát triển.
Vươn lên hội nhập
Năm 2013, dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương đã đạt 1.540 triệu USD, tăng 1,5 lần so cùng kỳ và chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Theo dự báo của Sở Công thương, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu gỗ sẽ tiếp tục tăng trưởng khá do lượng đơn hàng nhiều đến từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Đồng thời, nhiều hợp đồng lớn sẽ chuyển từ một số quốc gia khác sang Việt Nam và các nước ASEAN; tình hình lao động ổn định, lãi suất ngân hàng giảm… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Bifa Huỳnh Quang Thanh phân tích thêm: “Năm 2014, đơn hàng sẽ nhiều nhưng giá không tăng, đồng nghĩa với lợi nhuận cũng không tăng nhưng DN phải đối mặt với những thách thức cụ thể về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, điều kiện giao hàng… Trước tình huống đó, DN phải lựa chọn chấp nhận cạnh tranh hay là né tránh. Nếu đủ khả năng cạnh tranh thì chọn giải pháp cạnh tranh; còn chưa đủ năng lực thì cũng không nên thất vọng mà phải tìm hướng đi riêng, thị trường đã có gì thì mình đừng nên sản xuất cái đó vì sẽ không cạnh tranh được...”.
Chủ tịch Bifa Huỳnh Quang Thanh cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Hội nhập quốc tế vừa dễ vừa khó. Khó là phải chấp nhận luật chơi sòng phẳng, còn dễ là khi ta đã vượt qua được các rào cản ban đầu thì bước tiếp theo sẽ không còn khó. Như với khách hàng Nhật Bản, họ đặt ra yêu cầu rất cao nhưng mình cũng phải tự hỏi tại sao người khác làm được mà mình không làm được? Kiên nhẫn là nguồn năng lượng tốt nhất giúp chúng ta vươn xa hội nhập”.
Chủ tịch Bifa Huỳnh Quang Thanh: Cơ hội nhiều, thách thức lớn
Sắp tới có nhiều cơ hội lớn sẽ mở ra với DN khi các Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU… được ký kết. Cơ hội là vậy nhưng bản thân các DN cũng phải thấy được những thách thức, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng để thích ứng với yêu cầu thị trường…
DUY CHÍ