Kể từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 671/QĐ-UBND ngày 10-3-2008 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển hiệp hội ngành hàng (HHNH) trên địa bàn tỉnh”, đến nay Bình Dương đã có 5 hiệp hội và câu lạc bộ (CLB) ngành hàng đi vào hoạt động như: Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Chế biến gỗ (BIFA), Hiệp hội Gốm sứ, CLB các nhà xuất khẩu. Tuy mới thành lập nhưng bước đầu cac HHNH đã có nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp (DN) phát triển tốt hơn.
Vai trò quan trọng
Ngành công nghiệp Bình Dương đã có bước phát triển khá nhanh, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu và đang hình thành nên một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước theo định hướng xuất khẩu. Nhiều ngành công nghiệp phát triển nhanh và đến nay đã chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp của cả nước như dệt may, da giày, chế biến gỗ, gốm sứ...
Hiệp hội ngành hàng đã cung cấp nhiều thông tin định hướng thị trường doanh nghiệp trong sản xuất
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, xét về tổng thể, ngành công nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế như: quy mô DN vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn thấp; các DN cùng ngành hàng thiếu liên kết, hợp tác và hỗ trợ nhau trong sản xuất - kinh doanh; các trường hợp cạnh tranh thiếu lành mạnh trong cùng ngành hàng còn xảy ra phổ biến và gay gắt ở cả thị trường đầu vào, thị trường tiêu thụ và trong tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động lành nghề. Những hạn chế này đã ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN nói riêng và của toàn ngành công nghiệp nói chung, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Để khắc phục tình trạng trên, biện pháp hiệu quả nhất chính là thành lập các HHNH. Chính vì thế sau khi có Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển HHNH trên địa bàn tỉnh”, các HHNH của tỉnh được thành lập đã đi vào thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và tiến trình hội nhập kinh tế của nước ta. Theo đánh giá của Sở Công Thương, các HHNH của tỉnh đã hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực cạnh tranh của nganh nói chung và của DN nói riêng thông qua sự liên kết, hợp tác; tổ chức các diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hội viên trong chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý; bảo vệ quyền lợi hội viên trong tranh chấp thương mại... Bên cạnh đó, hiệp hội là cầu nối hữu hiệu giữa cộng đồng DN và Nhà nước trong nhiều vấn đề liên quan đến hoạch định và thực thi chính sách. Đặc biệt trong điều kiện hội nhập, hiệp hội có vai trò tích cực trong việc hướng dẫn giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mại quốc tế. Các chương trình do hiệp hội phát động được các hội viên ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các hiệp hội đã chủ động xây dựng website nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, cập nhật những thông tin nhằm hỗ trợ cho hội viên trong việc sản xuất - kinh doanh.
Lợi ích thiết thực
Theo ông Võ Trường Thành, Chủ tịch BIFA thì, hiệp hội giúp DN hoạt động ổn định hơn. Chỉ ra cụ thể, ông Thành cho biết: “Từ khi thành lập năm 2009 đến nay, BIFA đã đào tạo công nhân có tay nghề, đào tạo cán bộ quản lý và có những lớp đào tạo thiết kế giúp cho các DN thành viên. Hiệp hội cũng thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết cho DN, đặc biệt vừa qua BIFA có báo cáo thường niên về ngành gỗ trên thế giới để tổng hợp thông tin cung cấp cho DN, từ đó DN nắm bắt được và có thể đề ra chiến lược phát triển trong giai đoạn tới. Qua báo cáo thường niên này, các DN trong BIFA thấy được xu hướng của thị trường, sự phát triển của ngành hàng để tránh tình trạng sản xuất dư thừa phụ liệu và kém hiệu quả”.
Ở Hiệp hội Gốm sứ, Phó Chủ tịch hiệp hội Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Hiệp hội đã thành lập website nhằm truyền tải thông tin khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại cho các DN thành viên, đồng thời là cầu nối giữa các nhà cung cấp cũng như khách hàng trong và ngoài nước với các hội viên. Hiệp hội đã khảo sát nắm tình hình sản xuất của các DN gốm sứ để tìm hiểu những khó khăn, trở ngại của từng DN, từ đó tìm hướng giúp đỡ và kiến nghị lên các cấp những vấn đề vượt quá tầm của hiệp hội. Nổi bật trong năm 2010, hiệp hội đã vận động và tham gia Lễ hội Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương tích cực và đạt được những thành công lớn, thu hút hơn 150.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Ngoài ra, hiệp hội đã tổ chức nhiều chuyến đi tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho một số hội viên để nâng cao chất lượng, mẫu mã...”.
Cùng với BIFA và gốm sứ, các Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc, Hiệp hội Dệt may, CLB các nhà xuất khẩu cũng có nhiều hoạt động thiết thực giúp ích nhiều cho DN thành viên. Theo Sở Công Thương, hoạt động của các hiệp hội rất quan trọng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thành lập Hiệp hội Cơ - Điện tử Bình Dương. Đây là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, việc thành lập hiệp hội này sẽ giúp ngành nâng cao hơn nữa vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ngoài ra, trên cơ sở có một số điểm tương đồng trong việc cung cấp nguyên liệu và lao động của Hiệp hội Dệt may và các DN da giày, Sở Công Thương sẽ vận động để Hiệp hội Thời trang Bình Dương ra đời trên cơ sở hợp nhất Hiệp hội Dệt may và ngành da giày Bình Dương, việc làm này sẽ giúp 2 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn có ưu thế cạnh tranh tốt hơn.
TRỌNG MINH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm: Các hiệp hội mới thành lập nhưng hoạt động hiệu quả
Nhìn chung, các HHNH trên địa bàn tỉnh tuy mới thành lập nhưng bước đầu hoạt động khá hiệu quả, qua đó đã giúp DN phát triển ổn định hơn và góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tỉnh đánh giá cao vai trò của các hiệp hội và luôn đồng hành, tạo thuận lợi để hiệp hội hoạt động hiệu quả; nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, tỉnh ghi nhận và sẽ cùng hiệp hội tìm hướng tháo gỡ để giúp hiệp hội nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Võ Trường Thành: Doanh nghiệp nước ngoài sẽ đóng góp tốt cho hiệp hội
Hiện nay quy định chỉ có công dân Việt Nam mới trở thành hội viên chính thức, còn hầu hết các DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa được tham gia vào hiệp hội với tư cách là hội viên chính thức, mà chỉ được xem là hội viên liên kết. Trong khi đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và thực lực, tôi tin rằng với sự lớn mạnh của những DN nước ngoài họ sẽ đóng góp cho các hiệp hội phát triển mạnh hơn. Do vậy không nên phân biệt DN trong nước, DN nước ngoài và DN liên doanh trong việc kết nạp hội viên hiệp hội.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương Lê Hồng Phoa: Hiệp hội đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp
Cùng với nhiều công việc mà các hiệp hội đã làm như xây dựng website, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo lao động... hiện nay, Hiệp hội Dệt may Bình Dương đã và đang tiến hành chương trình “thương mại hiệp hội” nhằm tìm kiếm và đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu... có liên quan đến ngành dệt may để có được mức giá cạnh tranh nhất. Mục đích của chương trình này là để giúp cho các công ty hội viên được mua hàng với giá rẻ, giúp giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận.