Hiệu quả kinh tế từ những khu công nghiệp

Cập nhật: 06-04-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Phát triển khu công nghiệp - bước đột phá

Trong những năm qua kinh tế Bình Dương tăng trưởng rất nhanh, trở thành một trong những tỉnh, thành có nền công nghiệp (CN) phát triển mạnh nhất nước. Thành công đó có đóng góp quan trọng của các khu công nghiệp (KCN) là  đòn bẩy đưa CN Bình Dương đi lên.

Đòn bẩy phát triển

Với tỷ trọng CN chiếm 63% trong cơ cấu kinh tế và giá trị sản xuất CN hàng năm trên 105.000 tỷ đồng, Bình Dương đang trở thành một trong những tỉnh, thành CN có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước. Theo phân tích của các nhà quản lý, yếu tố để làm nên thành công này chính là tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh trong xây dựng các KCN tập trung làm đòn bẩy, đưa CN của tỉnh phát triển nhanh chóng.

 

Sản xuất sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao tại KCN Mỹ Phước 3

Nhớ lại trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi ngành CN tỉnh nhà mới manh nha phát triển thì được phép của Chính phủ, KCN Sóng Thần I do Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ trực tiếp đầu tư đã  ra đời. Trong điều kiện ra đời sớm và khó khăn, thế nhưng KCN Sóng Thần I đã vượt qua để đón đầu phát triển. Thành công nối tiếp thành công, theo sau KCN Sóng Thần I, hàng loạt các KCN trên địa bàn tỉnh ra đời và hoạt động hiệu quả như Sóng Thần II, VSIP I & II, Mỹ Phước, Việt Hương, Bình Đường, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, Đồng An, Nam Tân Uyên, Bàu Bàng...

Tính đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN tập trung, trong đó có 26 KCN do Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý và 2 KCN VSIP I & II thuộc Ban Quản lý KCN VSIP quản lý với tổng diện tích 8.979 ha được trải rộng ở hầu khắp huyện, thị. Cụ thể, thị xã Dĩ An có 6 KCN với diện tích 713,6 ha; thị xã Thuận An có 3 KCN với diện tích 654,6 ha; huyện Bến Cát có 9 KCN với diện tích hơn 4.114 ha; huyện Tân Uyên có 3 KCN với diện tích gần 1.752 ha và 7 KCN nằm trong Khu liên hợp CN - dịch vụ - đô thị với diện tích gần 1.718 ha. Hiện tại đã có 26 KCN đã đi vào hoạt động. Sự hoàn thiện của các KCN đã tạo điều kiện thu hút đầu tư tăng lên nhanh chóng, đến nay các KCN đã thu hút trên 1.500 dự án đầu tư trong và ngoài nước; trong đó có trên 1.100 DN đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đáng chú ý, sự đầu tư của nhiều thành phần kinh tế vào các KCN với sự đa dạng các lĩnh vực đầu tư như sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô - xe máy, chế biến nông - lâm- thủy hải sản, dệt may, giày da, sắt thép, sơn, điện và điện tử, hóa mỹ phẩm... đã làm cho CN Bình Dương thêm phong phú, thiên về xu hướng công nghệ cao và sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và sức cạnh tranh ngày càng mạnh hơn.

Từ thực tế trên, Ban Quản lý các KCN Bình Dương cho rằng “KCN thực sự là nơi thu hút nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Đồng thời là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến”.

Hiệu quả thiết thực

Bình Dương đã tận dụng được lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, cùng những kinh nghiệm rút ra từ những địa phương khác nên các KCN luôn thỏa mãn và tạo ấn tượng với các nhà đầu tư. Nhờ vậy, trong số 2.021 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký gần 14 tỷ USD vào tỉnh thì các KCN đã chiếm trên 50% số lượng dự án cũng như vốn đầu tư. Đồng thời các KCN đã tạo việc làm ổn định cho hơn 250.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

Đánh giá từ UBND tỉnh, hoạt động của các KCN Bình Dương đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng CN - dịch vụ. Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ cho kinh tế Bình Dương. Từ KCN, nhiều công nghệ mới đã được nhập vào tỉnh như: sản xuất lốp ô tô, linh kiện ô tô, linh kiện máy tính... Nhiều sản phẩm mới với chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế đã ra đời và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, Bình Dương xác định CN là ngành kinh tế chủ lực để thực hiện công cuộc CN hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà; trong đó các KCN tiếp tục đóng vai trò quan trọng, tạo động lực tập trung thu hút đầu tư. Vì vậy, tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển các KCN theo hướng hình thành chuỗi các KCN cùng với sự phát triển các khu đô thị, khu dân cư và hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết cho toàn khu vực, góp phần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa của tỉnh một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh còn quy hoạch các KCN phù hợp với quy hoạch phát triển vùng theo hướng kết nối với hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển... trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, tỉnh cũng chỉ đạo các KCN cần tập trung thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, ít sử dụng lao động, ưu tiên các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao...

TRỌNG MINH

Kỳ 2: Các KCN Bình Dương dưới góc nhìn của nhà đầu tư

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu: Hiệu quả các KCN Bình Dương có sức lan tỏa lớn

Bình Dương có hạ tầng KCN được đầu tư bài bản để phục vụ thu hút đầu tư. Chính vì thế cho nên các KCN Bình Dương đều có thành công và thu hút rất nhiều dự án vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần đưa CN tỉnh phát triển nhanh và ổn định, đây là bài học quý báu của tỉnh trong thực hiện những chủ trương và định hướng phát triển CN. Chính từ hạ tầng các KCN tốt đã đưa Bình Dương trở thành điểm sáng trong tốp đầu thu hút đầu tư, hơn 10 năm trở lại đây vốn FDI vào tỉnh ngày còn gia tăng, trở thành địa phương hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặt biệt là các nhà đầu tư từ Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... Tính hiệu quả này có sức lan tỏa thiết thực trong bài học phát triển CN.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng: KCN Bình Dương rất lý tưởng để hấp dẫn nguồn FDI

Năm 2010 và đầu năm 2011, tuy tình hình khó khăn vẫn còn nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Bình Dương rất đáng khích lệ. Có thể nói Bình Dương là địa phương có chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan nhất trong lĩnh vực thu hút FDI. Mặc dù khủng hoảng trên thế giới thời gian qua nhưng dòng FDI vào Bình Dương vẫn ở mức cao là điều đáng tự hào, với hơn 2.000 dự án có vốn gần 14 tỷ USD, Bình Dương trở thành một trong những tỉnh thu hút FDI lớn nhất trong cả nước. Nguyên nhân thu hút cao như vậy là các nhà đầu tư có sự lựa chọn và ở đâu tốt nhất thì họ vào. Thực tế Bình Dương có điều kiện tốt về môi trường đầu tư đã được kiểm chứng trong thời gian qua, nhất là hạ tầng các KCN được đầu tư đồng bộ đã tạo ấn tượng tốt và làm hài lòng doanh nghiệp đến đầu tư. 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=255
Quay lên trên