Hiệu quả mô hình góp vốn xoay vòng

Cập nhật: 28-06-2021 | 08:26:40

 “Tuy số tiền đóng góp mỗi tháng không phải là lớn, nhưng nguồn vốn xoay vòng đã thành điểm tựa giúp hội viên (HV) có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống gia đình. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc mà mô hình tổ góp vốn xoay vòng mang lại”. Đó là nhận xét của ông Võ Phi Anh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên về hiệu quả hoạt động của tổ góp vốn xoay vòng.

 Từ nguồn tiết kiệm khi tham gia tổ góp vốn xoay vòng đã giúp gia đình anh Đinh Công Hoàng, khu phố 3, thị trấn Tân Thành phát triển kinh tế gia đình từ mô hình trồng hoa lan mokara cắt cành

 Giúp nhau làm ăn

Nhằm tạo thêm điều kiện cho HV nông dân có vốn sản xuất, sau khi bàn bạc và được sự thống nhất, Hội Nông dân thị trấn Tân Thành đã tiến hành phát động HV thực hiện mô hình “Tổ góp vốn xoay vòng”. Từ năm 2008 đến nay, mô hình này đã giúp nhiều HV nông dân có vốn để “khởi nghiệp”, khắc phục những khó khăn, thiếu thốn và tạo lập cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.

Bà Lê Thị Dịu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu phố 1, cho biết: “Hiện nay, tổ góp vốn xoay vòng tại chi hội có 80 HV. Hàng năm, chi hội sẽ tiến hành họp và thống nhất mức đóng góp, bổ sung nguồn vốn xoay vòng, mỗi HV tham gia 50.000 đồng/năm. Ngoài ra, trên tinh thần tự nguyện, nếu như HV nào có điều kiện có thể đóng góp nhiều hơn. Sau đó, dựa trên nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình của từng hội HV, chi hội sẽ ưu tiên cho những HV có hoàn cảnh khó khăn”. Theo bà Lê Thị Dịu, thời hạn vay là 12 tháng với lãi suất 0,5%/tháng, số tiền vay của HV thấp nhất 2 triệu đồng và cao nhất là 15 triệu đồng. Số tiền lãi thu được sẽ bổ sung vào nguồn quỹ của chi hội để bảo đảm cho quá trình hoạt động của chi hội cũng như thăm hỏi các trường hợp HV ốm đau.

Với số tiền nhận được, nhiều HV đầu tư phát triển kinh tế gia đình rất hiệu quả. Trường hợp anh Đinh Công Hoàng, ngụ khu phố 3 là một điển hình. Bản thân bị tật nguyền, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cùng với các nguồn vốn huy động từ nhiều nơi, năm 2018, anh Hoàng đã vay thêm 15 triệu đồng từ chi hội để thực hiện mô hình trồng hoa lan mokara cắt cành trên mảnh vườn 700m2 của gia đình. Với 3.500 gốc lan, bình quân tổng thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/đợt, mỗi năm thu hoạch 2 đợt. “Lúc đầu khi chưa hiểu được mô hình, tôi còn e ngại. Nhưng sau khi được vận động, giải thích, hơn nữa số tiền đóng góp không cao, tôi đã mạnh dạn tham gia và có thêm đồng vốn để phát triển sản xuất”.

Thấy được hiệu quả của mô hình, ngày càng nhiều HV đã đăng ký tham gia và vay vốn từ chi hội để cải thiện cuộc sống. Phần lớn HV chủ yếu dùng vốn đầu tư các dự án nhỏ như chăn nuôi gà thả vườn, nuôi heo, trồng hoa... Tuy nhiên, việc bắt đầu từ những dự án nhỏ đối với những người nông dân nghèo, sau khi làm ăn hiệu quả, tích góp vốn để mở rộng, phát triển dần sản xuất, kinh doanh đã giúp không ít HV vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Tân Thành 100% HV không thuộc hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh.

Nhân rộng mô hình

Thị trấn Tân Thành có 6 khu phố, từ hiệu quả thiết thực của mô hình, hiện nay Tân Thành đã tiến hành thành lập được 6 tổ góp vốn xoay vòng. Ban đầu tiến hành phát động chỉ có 25 HV tham gia, đến nay mô hình đã thu hút trên 280 HV tham gia với tổng số vốn huy được được trên 220 triệu đồng, đã giải quyết vốn cho 45 lượt hội viên/năm. “Góp gió thành bão”, việc nguồn quỹ lớn hay nhỏ phụ thuộc vào số lượng HV tham gia. Vậy nên công tác tuyên truyền, vận động để có thêm nhiều thành viên mới tham gia là rất quan trọng.

Không chỉ riêng tổ nông dân góp vốn xoay vòng ở thị trấn Tân Thành, mô hình tổ góp vốn xoay vòng là một trong những mô hình “Dân vận khéo” được nhân rộng khắp các hội đoàn thể tại các địa phương. Điển hình như Tổ tiết kiệm đóng góp vốn xoay vòng của HV Hội Cựu chiến binh huyện Phú Giáo. Tính đến cuối năm 2020, với 9 tổ tiết kiệm tại các hội cơ sở xã, thị trấn, HV tự đóng góp tiền xoay vòng giúp nhau không lấy lãi với số tiền 900 triệu đồng cho 13 hộ “mượn” để phát triển kinh tế gia đình. Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Dầu Tiếng đã xây dựng quỹ xoay vòng vốn gồm 124 tổ với 3.310 thành viên, số tiền quỹ hơn 3,3 tỷ đồng, hỗ trợ cho 835 HV vay...

Từ thực tế cho thấy, mô hình không chỉ nâng cao đời sống vật chất, mà còn hình thành ở HV ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết giúp nhau làm kinh tế vươn lên thoát nghèo, đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình, cũng như góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1736
Quay lên trên